Chủ quan trong tầm soát, nhiều bạn trẻ suy thận nặng

GD&TĐ -Nhiều bạn trẻ khi phát hiện đã suy thận, suy thận nặng do chủ quan trong tầm soát bệnh lý.

Khám sàng lọc bệnh thận giúp sớm phát hiện bệnh, giảm chi phí khi điều trị bệnh lâu dài.
Khám sàng lọc bệnh thận giúp sớm phát hiện bệnh, giảm chi phí khi điều trị bệnh lâu dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh thận mạn là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng

Suy thận mạn - nguyên nhân tử vong xếp thứ 12

Theo thống kê trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong do thận mạn xếp thứ 12, chiếm 4.6%. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

Hiện nay, nước ta có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Chỉ mới 25 tuổi nhưng có người yêu cũ bị suy thận nặng, chị Nguyễn An Bình (SN 1999, ngụ Bình Dương) lo lắng cho sức khỏe của mình nên quyết định đi khám sàng lọc.

IMG_9306.JPG
Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

Chị Bình kể: Lúc còn yêu nhau, hai anh chị có chung sở thích ăn uống. Cụ thể, sẽ lựa những quán nấu có vị mặn, nếu không mặn sẽ chủ động tự nêm lại với mắm và muối.

“Hai mình cũng không hay uống nước, mỗi ngày uống tầm 500ml là quá nhiều. Sau chia tay, bạn nam phát hiện bị suy thận nhưng chuyển nặng, phải chạy thận. Rất may, qua khám sàng lọc, mình vẫn chưa mắc bệnh và được các bác sĩ tư vấn lại chế độ ăn phù hợp”, chị Bình chia sẻ.

Thực tế, các bác sĩ luôn khuyến cáo người dân cần thăm khám định kỳ chứ không đợi đến khi xuất hiện các dấu hiệu mới thăm khám.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, hiện nay, bệnh viện đang quá tải bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và chạy thận nhân tạo. Đa số người dân phát hiện bệnh thận qua các triệu chứng, đồng nghĩa với việc bệnh ở giai đoạn trễ.

Áp dụng chuyển đổi số trong sàng lọc

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc; trong đó, chuyển đổi số y tế là 1 trong 8 trọng tâm Chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Tú - Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, xác định, chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu. Cơ quan y tế mong muốn người dân sẽ ngày càng có ý thức về phòng chống bệnh, phòng bệnh chủ động sử dụng các công cụ số tiên tiến cũng như cơ sở y tế sẽ ngày một đổi mới, số hóa, theo hướng hiện đại, minh bạch và chất lượng hơn.

Theo thống kê của Bệnh viện Thống Nhất, thống kê khám sàng lọc, tỷ lệ người dân có khả năng mắc bệnh lý về thận chiếm khoảng 8,75%, cứ 100 người thì có 6-8 người có bệnh lý, đặc biệt người không có triệu chứng.

IMG_9318.JPG
PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất.

Theo ông Tú, giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn, vốn là những bệnh mạn tính phổ biến hàng đầu hiện nay, giúp nâng cao khả năng tiếp cận của người bệnh với dịch vụ y tế chất lượng, nâng cao nhận thức về tầm soát, sàng lọc bệnh sớm và tuân thủ điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ.

“Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận. Điều trị thay thế thận đem đến lợi ích lâu dài về kinh tế và giảm gánh nặng cho ngành y tế”, ông Tú nhấn mạnh.

Ngày 14 – 15/9, hơn 1.000 người dân TP.HCM được khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận mạn, thận chuyển hóa miễn phí tại Bệnh viện Thống Nhất. Đây là chương trình do Bệnh viện Thống Nhất phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam (VUNA), Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ