Cuộc sống vốn đầy rẫy bất ngờ và khó khăn nhưng anh Scott Hawkins không thể ngờ mình lại lên cơn đột quỵ nghiêm trọng khi đang ở độ tuổi thứ 37, trong lúc vợ anh, chị Danielle đang tham gia một khóa học ở gần nhà.
Có lẽ cuộc gọi báo tin dữ của chồng sẽ ám ảnh chị Danielle suốt đời không quên.
Cuộc gọi đầy bi kịch
Vào một ngày tháng Tư rất bình thường, khi chị Danielle đang đi học và chồng chị ở nhà với con như mọi khi, tai họa đột ngột ập đến khiến cuộc sống hai vợ chồng đảo lộn.
Scott Hawkins và vợ của mình.
"Anh cảm thấy không khỏe lắm, đầu anh đau quá" – Scott Hawkins gọi cho vợ để than phiền. Dĩ nhiên chị chỉ nghĩ đó là một cơn đau đầu nhẹ, nhưng khi nhận thấy giọng nói của anh có điều không ổn thì chị rất lo sợ.
Chị lập tức gọi ngay 911 và đội y tế để đưa Scott đến bệnh viện. Danielle nhớ lại: "Huyết áp anh ấy tăng cao gây tràn dịch phổi, tình hình thực sự quá xấu". Nồng độ oxy trong máu của Scott chỉ ngang mức 60-70, trong khi người bình thường phải trên 90.
Các bác sĩ đưa ra kết luận Scott đang chịu chứng phình động mạch dị dạng gần não. Đây là một bệnh khuyết tật bẩm sinh, nó làm mạch máu phình ra và chảy máu não, gây nên cơn đau đầu kinh khủng và đột quỵ.
Bác sĩ còn bảo Danielle rằng hãy gọi người thân đến để từ biệt, bởi anh ấy khó qua khỏi được đêm nay.
Hai vợ chồng họ luôn mặn nồng như hồi mới yêu.
Scott ngay lập tức được đưa vào phòng phẫu thuật sau một vài bước khám tổng quan. Không may thay, khi bác sĩ đang cố cầm máu trong não thì anh ấy lại bị đau tim trong lúc phẫu thuật.
Một tuần sau khi phẫu thuật, Scott vẫn không có phản ứng gì sau khi đã thử nhiều biện pháp.
"Các bác sĩ đã nói với tôi rằng hãy để anh ấy ra đi trong thanh thản, bởi Scott có thể từ biệt cõi đời bất kỳ lúc nào" – Danielle nghẹn ngào nhớ lại.
Nụ hôn chứa phép mầu nhiệm
Thay vì rút ống thở và kéo khăn phủ lên thi thể, Danielle lại cúi xuống hôn người chồng đang thập tử nhất sinh. Một nụ hôn dài chứa đầy tình cảm và sự tiếc thương vô hạn.
Khi cô đặt đôi môi mình vào khuôn mặt vô hồn của anh, cô cảm nhận được rằng: Dường như Scott đang hôn lại mình!
"Cũng có thể do tôi tưởng tượng. Nhưng chỉ thế thôi là đủ, đủ để tôi tiếp tục tin vào sự sống của anh ấy, vượt qua lưỡi hái tử thần và về bên tôi" – Danielle giữ vững lập trường trong khi bác sĩ gần như buông bỏ hy vọng cứu chữa. Bởi họ nghĩ rằng Scott gần như không bao giờ tỉnh lại, chứ đừng nói đến chuyện hôn cô.
Quả thật ông trời không phụ lòng người, sau 5 tuần phục hồi chức năng phổi, Scott không cần dùng máy thở nữa. Đó là minh chứng của Danielle cho thấy chồng mình đang hồi phục.
Chị chia sẻ: "Anh ấy là một nhạc sĩ nên tôi đã mang đàn Guitar đến, anh đã gảy một số nốt nhạc như lời tôi nói. Tôi bảo anh ấy hãy thay đổi giai điệu khác và anh cũng làm được".
Nhưng quả ngọt của niềm tin bấy lâu nay chính là lúc Scott bắt đầu nói chuyện được. Bắt đầu từ những từ đơn giản như "anh yêu em", "cho anh thuốc giảm đau"… cho đến lúc bác sĩ hỏi "anh đang chơi gì vậy" thì Scott đáp "một nhạc cụ".
Đây là bằng chứng không thể chối cãi, giúp bác sĩ lấy lại được hy vọng cứu chữa một bệnh nhân đang trên ranh giới sinh tử.
Cuộc đời anh chị đã thay đổi nhờ tin tưởng nhau.
Không lâu sau, Scott được đưa đến Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Spectrum Health. Anh đã ở đó 6 ngày/tuần trong suốt 16 tuần liên tục. Trong suốt thời gian ấy, Danielle chưa hề rời chồng mình một giây phút nào. Họ trao cho nhau những cử chỉ như lúc mới yêu.
Các nhà trị liệu và bác sĩ đã sử dụng liệu pháp âm nhạc, thường là điều trị kết hợp với lời nói để giúp Scott lấy lại sức khỏe và sự phối hợp.
Sau vài tháng, Scott cuối cùng đã có thể về nhà bằng nạng mà không cần hỗ trợ. Anh ấy vẫn phải tĩnh dưỡng thêm nữa, nhưng sức khỏe đang dần cải thiện từng chút một.
Phép màu ở ngay xung quanh ta, miễn là ta tin vào điều đó.
Phép màu lớn nhất trong Y học chính là lúc chúng ta giữ vững lập trường rằng điều kỳ diệu ấy sẽ xảy ra. Và Danielle đã làm được, dù cho nghèo khổ hay bệnh tật, cô sẽ không bao giờ buông tay chồng mình như đã hứa khi lập lời thề lúc kết hôn.
Sự kiên trì của cặp đôi này là minh chứng sống cho thấy niềm tin mãnh liệt đến thế nào, và đôi khi trực giác lại còn chính xác hơn bất kỳ thiết bị nào.