Người đàn ông biến thân thành bưu kiện

GD&TĐ - Ngày 29/3/1849, Henry 'Box' Brown (1815 - 1897) - nô lệ tại Virginia (Mỹ) chui vào thùng gỗ tự tay đóng và niêm phong.

Tranh mô tả khoảnh khắc Brown chui ra khỏi thùng gỗ trước sự chứng kiến của các thành viên thuộc Ủy ban Cảnh giác, Hiệp hội Bãi nô Pennsylvania, Philadelphia, Mỹ. Ảnh: Wikipedia.org - Thư viện Quốc hội Mỹ
Tranh mô tả khoảnh khắc Brown chui ra khỏi thùng gỗ trước sự chứng kiến của các thành viên thuộc Ủy ban Cảnh giác, Hiệp hội Bãi nô Pennsylvania, Philadelphia, Mỹ. Ảnh: Wikipedia.org - Thư viện Quốc hội Mỹ

Ông đặt cược tính mạng và sự tự do vào dịch vụ bưu chính, nhẫn nại chờ được gửi tới Hiệp hội Bãi nô Pennsylvania ở Philadelphia. Không ngờ, sự liều lĩnh của Brown lại thành công, viết nên “phép màu bưu chính” ly kỳ nhất.

Thời đại truyền đơn

Tên khai sinh của Henry “Box” Brown là Henry Brown. Ông chào đời và lớn lên trong gia cảnh nô lệ tại đồn điền Hermitage, Virginia. Đến tuổi thành gia, Brown kết hôn với Nancy (cũng là nô lệ). Cặp vợ chồng có với nhau 3 người con. Theo luật lệ đương thời, tất cả đều chung số phận nô lệ.

Chủ nô của Nancy là gã tham tàn. Dù đã nhận tiền của Brown, ông ta vẫn bán Nancy đang mang thai và 3 đứa con của họ cho kẻ khác. Không thể chịu đựng nổi, Brown quyết định làm phản.

Tại Mỹ, dịch vụ bưu chính xuất hiện từ năm 1789. Ban đầu, nó sử dụng các nô lệ làm bưu tá. Công việc chuyển phát thư cho phép bưu tá đi khắp nơi, tiếp xúc nhiều người, thu thập đa thông tin. Thập niên 1830, phong trào bãi nô hoạt động mạnh. Tại miền Bắc, cái nôi phản đối chế độ nô lệ, người ta lợi dụng bưu điện, chuyển phát hàng nghìn truyền đơn đến miền Nam.

Tháng 7/1835, đám đông chủ nô ở Carolina nổi giận lao vào bưu điện Charleston, đốt sạch toàn bộ tài liệu vận động bãi nô vừa chuyển tới, gây náo loạn lớn. Miền Nam nước Mỹ phải ra quy định bưu chính mới, cấm vận chuyển “các thể loại thông điệp phản cảm”.

Bất chấp lệnh cấm, truyền đơn từ miền Bắc vẫn rải khắp miền Nam. Khi Mỹ thắt chặt quy định kiểm duyệt nội dung bưu phẩm, những người theo chủ nghĩa bãi nô chuyển sang sử dụng bưu điện tư nhân.

“Anh hùng” thùng gỗ

Henry 'Box' Brown (1815 - 1897). Ảnh: Wikipedia.org - Thư viện Quốc hội Mỹ

Henry 'Box' Brown (1815 - 1897). Ảnh: Wikipedia.org - Thư viện Quốc hội Mỹ

Một trong các bưu điện tư nhân được đánh giá đáng tin cậy nhất nửa đầu thế kỷ XIX là Adams Express. Họ nổi tiếng bảo mật, nhanh nhẹn và an toàn. Với quyết tâm làm phản, Brown lên kế hoạch trốn chạy khỏi Virginia.

Ông bỏ ra 86 dollar trong tổng số 166 dollar tiền tiết kiệm của mình, thuê ông chủ của Adams Express là Samuel Smith đến Philadelphia, thăm dò ý kiến của Hiệp hội Bãi nô Pennsylvania (Pennsylvania Anti-Slavery Society) trước.

Quy ra giá trị tiền tệ hiện tại, “vốn” mở đường đến tự do của Brown rơi vào khoảng 2.765 dollar. Smith thẳng tiến vào Hiệp hội Bãi nô Pennsylvania, gặp mặt các thành viên cấp cao. Sau nhiều lần bàn thảo, họ khuyên ông nên “đóng hộp” Brown, gửi đến văn phòng của Passmore Williamson - thương gia kiêm thành viên Ủy ban Cảnh giác (Vigilance Committee).

Smith truyền đạt lại với Brown, không quên cảnh báo các nguy hiểm tiềm năng. Brown không thay đổi quyết định. Ông tự tay chuẩn bị thùng gỗ kích thước 0,91 x 0,81 x 0,61m, bên trong lót vải và len nhằm giảm va đập, bên ngoài dán biển “hàng khô”.

Ngày 29/3/1849, Brown bước vào thùng gỗ, mang theo một chút bánh quy và nước. Trước đó, ông đã cẩn thận khoét lỗ nhỏ thông khí và đóng dây đai để cố định cơ thể khi ở bên trong.

Thời gian vận chuyển bưu kiện dự kiến kéo dài 27 tiếng. Ban đầu, Brown được đẩy bằng xe kéo, sau đó chuyển lên tàu lửa, xuống trạm rồi lại đổi tàu, lên phà… Mặc dù trên thùng có đề rõ “làm ơn cẩn thận” và “đầu này hướng lên”, các nhân viên bốc vác hình như không bận tâm. Brown bị quăng quật, lộn ngược, xô lăn… tả tơi.

Bất chấp bị va đập và thế ngồi “chồng cây chuối”, Brown cắn răng ở yên. Ngày 30/3/1849, Ủy ban Cảnh giác nhận được bưu kiện. Adams Express xuất sắc hoàn thành chuyến vận chuyển siêu tốc, còn Brown thành công vượt thoát phận nô lệ.

Huyền thoại tự do

Cuộc vượt thoát của Brown được nhiều ảo thuật gia tái hiện. Ảnh: Xeniagazette.com

Cuộc vượt thoát của Brown được nhiều ảo thuật gia tái hiện. Ảnh: Xeniagazette.com

Cuộc vượt thoát của Brown sớm được biết đến và ca ngợi như “phép màu bưu chính”. Bưu điện dường như vượt ra khỏi chức năng liên lạc, gửi vật phẩm, trở thành mạng lưới hứa hẹn giải phóng nô lệ, đem đến tự do.

Năm 1950, Mỹ hạ đạo luật Nô lệ chạy trốn (Fugitive Slave Act), treo thưởng, truy nã và bắt lại các nô lệ như Brown. Biết khó thoát tai mắt thợ săn, Brown bỏ Mỹ sang Anh. Tại đây, ông tận dụng biệt tài ảo thuật, lưu diễn khắp chốn.

Trên sân khấu Anh, Brown biểu diễn chính cuộc đời mình. Ông phơi bày toàn cảnh bức tranh chế độ nô lệ ở Mỹ, nhưng giữ bí mật phương thức chạy trốn.

Tiếp bước Brown, nhiều nô lệ cũng đóng hộp bản thân, nhờ hệ thống bưu điện đưa đến vùng đất tự do. Đáng tiếc, câu chuyện của Brown quá nổi tiếng và chế độ nô lệ Mỹ biết tỏng các mánh khóe. Ngay sau vụ vượt thoát của Brown, nhà tù Richmond thêm một mục vào danh sách phạm pháp: Tội thông đồng, xui khiến nô lệ bỏ trốn. Smith cũng bị bắt vì giúp một số nô lệ khác, kết án 6 năm tù giam.

Ngoại trừ Brown, Mỹ không ghi nhận bất cứ vụ đào thoát qua đường bưu điện nào khác. Dù vậy, Brown vẫn trở thành huyền thoại, khơi nguồn và khích lệ mọi người hướng tới tự do, bình quyền.

Năm 1865, Mỹ chấm dứt chế độ nô lệ. Brown không trở về mà tiếp tục sự nghiệp ảo thuật gia ở Anh. Mãi tới năm 1875, ông mới cùng người vợ thứ 2 là Jane Floyd (Anh) hồi hương. Năm 1889, Brown chuyển tới Canada. “Huyền thoại thùng gỗ” này sống và biểu diễn ở đây cho đến khi tạ thế vào ngày 15/6/1897, thọ 82 tuổi.

Theo nationalgeographic và wikipedia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ