Trong 2 ngày qua, tại Nghệ An xuất hiện rét đậm, rét hại, nhiệt độ tại vùng núi cao các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có lúc giảm xuống 4-6 độ C.
Theo thống kê, tỉnh Nghệ An có khoảng 778.000 con trâu, bò. Để hạn chế thiệt hại trước tác động của thời tiết, cơ quan chức năng đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc, chống đói và dịch bệnh cho vật nuôi.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, toàn huyện có hơn 37.000 con trâu bò, trong đó, có nhiều hộ dân chăn nuôi theo hình thức thả rông. Mặc dù thời tiết lạnh giá nhiều ngày qua, có thời điểm xuống dưới 6 độ C, tuy nhiên, hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại nào.
“Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, UBND huyện có 2 văn bản giao chính quyền các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân củng cố chuồng trại, che chắn, may áo bằng bạt, chăn, áo quần cũ để giữ ấm cho trâu bò; chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt khi nhiệt độ ngoài trời rét đậm, rét hại.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã giao Phòng Nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng”, ông Hiền nói thêm.
Tại xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), nhờ việc quy hoạch vùng chăn thả trên diện tích đồi núi nên trâu, bò nên việc quản lý gia súc dễ hơn. Khi thời tiết rét đậm, rét hại, người dân dễ dàng lùa trâu, bò về chuồng để chăm sóc.
Bên cạnh đó, tại xã Tri Lễ hiện nay có khoảng 30ha trồng cây cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào nên hình thức chăn nuôi gia súc thả rông cũng dân giảm xuống, hạn chế được những thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra so với tập quán chăn thả rông trước đây.
Ngày 19/2, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo các cấp hội phối hợp với chính quyền, phân công cán bộ xuống các hộ dân tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên phòng, chống rét cho trâu bò đúng cách.
Đối với các huyện miền núi cao, người dân còn gặp nhiều khó khăn, chuồng trại chăn nuôi còn sơ sài, Hội Nông dân phát động các cấp hội hướng dẫn bà con may “áo ấm” bằng bạt và các loại chăn, áo, bao tải cũ. Hội cũng hỗ trợ người dân 5 huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu 4.000 chiếc áo ấm cho trâu, bò chống rét.
Hội Nông dân tỉnh khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, người dân không chăn thả rông gia súc trong rừng hoặc trên núi cao, cần đưa đàn gia súc xuống khu vực thấp hơn, nuôi nhốt trong chuồng kín, tránh gió lùa.
Nếu bắt buộc phải thả gia súc thì thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng. Gia súc cần được giữ ấm trước khi đưa ra ngoài đặc biệt những gia súc yếu và còn non.
Tận dụng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải... để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội (sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô, bẹ ngô… khô để lót nền chuồng).
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động dự trữ thức ăn thô xanh (rơm rạ, cỏ khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp…) từ trước và thức ăn tinh (ngô, sắn, cám gạo…), nước uống đầy đủ trong những ngày giá rét.