Người dân miền núi Nghệ An thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng

GD&TĐ - Tận dụng lưu vực lòng hồ thủy điện, người dân các huyện miền núi ở Nghệ An đầu tư nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Sầm Văn Hoa nuôi cá lồng trên dòng sông Quàng.
Ông Sầm Văn Hoa nuôi cá lồng trên dòng sông Quàng.

Sinh kế bền vững trên lòng hồ thủy điện

Năm 2017, sau khi doanh nghiệp ngăn đập làm thủy điện trên dòng sông Quàng, nhiều hộ dân ở xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đã đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ.

Đang tất bật kéo lưới mẻ cá trắm, ông Sầm Văn Dự (trú tại bản Chiềng Ban, xã Châu Thắng) cho biết, năm 2017, ông nuôi 4 lồng cá trên sông Quàng, chi phí làm lồng được Nhà nước hỗ trợ, với tổng số tiền 60 triệu đồng. Mỗi lồng, ông Dự thả 40-60 con cá giống như: cá trắm, cá leo, cá vược, cá lăng.

Hàng ngày, ông lên rẫy hái cỏ voi, sắn, cây bầu, bí…, thả lưới bắt các loại cá nhỏ làm thức ăn cho cá. Sau 1 năm chăm sóc, trung bình mỗi con cho trọng lượng khoảng 6-7kg. Với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg, ông Dự thu về trên 50 triệu đồng.

Theo ông Dự, cá lồng nuôi trên sông không khác gì sinh trưởng ngoài tự nhiên vì có nguồn nước sạch, nhiều khoáng chất, ít bệnh tật. Thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ bắt ở khe suối, rau rừng, sinh vật phù du, rong rêu.

Nhờ điều kiện môi trường lý tưởng mà thịt lồng cá dai, ngon và thơm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, có chừng nào được thu mua hết chừng đó.

“Đến mùa mưa bão, nước dâng lên thì lồng bè cũng dâng theo nên ít khi bị thiệt hại. Mặt khác, cũng phải tính toán biết cách thu hoạch tỉa trước khi lũ về, vừa bán được giá lại không lo bị lũ cuốn đi. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm 4 lồng bè nữa để nuôi cá”, ông Dự cho biết.

Người dân thu hoạch cá trắm trên lòng hồ thủy điện Châu Thắng.

Người dân thu hoạch cá trắm trên lòng hồ thủy điện Châu Thắng.

Xã Châu Thắng hiện có hàng chục hộ nuôi cá lồng trên sông Quàng, mỗi hộ nuôi từ 4-6 lồng. Nhiều hộ đầu tư mua thuyền máy để tiện trong việc chăm sóc, vận chuyển, tiêu thụ cá lồng.

Ngoài ra, các gia đình trong bản Chiềng Ban cũng thành lập tổ, hội nuôi cá lồng để tiện lấy giống, chia sẻ cách chăm sóc cá và thống nhất giá bán ra thị trường.

Trung bình mỗi năm, 1 hộ nuôi 4 lồng cá có thu nhập từ 50-70 triệu đồng. Nghề nuôi cá lồng đã trở thành một sinh kế ổn định, giúp người dân xã miền núi Châu Thắng từng bước thoát nghèo.

Mô hình làm giàu trên chính quê hương

Tại huyện Quế Phong (Nghệ An), lòng hồ thủy điện Hủa Na có lưu vực rộng hơn 5.000km2. Tận dụng vùng lòng hồ này, nhiều người dân hai xã Đồng Văn và Thông Thụ đầu tư nuôi cá lồng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Ban đầu, lòng hồ Hủa Na chỉ có 10 hộ dân đầu tư nuôi cá, nhưng đến nay đã có gần 100 hộ tham gia với hơn 600 lồng cá. Những loài cá được người dân nuôi nhiều như trắm cỏ, rô phi, diêu hồng và một số đặc sản khác như cá lăng, cá leo…

Cơ sở nuôi cá lồng của HTX Nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na.

Cơ sở nuôi cá lồng của HTX Nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na.

Năm 2019, anh Lang Văn Mão (trú bản Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) cùng 19 hộ dân khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na.

Khi tham gia HTX, các hộ dân được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá lồng.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Mão cho biết, ban đầu anh nuôi thử nghiệm chủ yếu là cá trắm cỏ. Sau khi thu được kết quả khả quan đến nay gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi 14 lồng với đủ các loại cá như trắm cỏ, cá leo, cá lăng...

Mỗi lồng có thể tích 64m3/lồng, mật độ nuôi đối với cá leo khoảng 20 con/m2 , đối với cá trắm cỏ 20-30 con/m3 .

Sau 8 -10 tháng nuôi đạt 3 - 4 tạ/lồng, thu nhập mỗi lồng một năm từ 40 - 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mang lại cho gia đình anh cả trăm triệu đồng.

Theo anh Mão, thị trường tiêu thụ cá của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn được mở rộng sang các địa phương lân cận như huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, TX Thái Hòa, TP Vinh... Ngoài ra, thông qua khách tham quan du lịch lòng hồ, các gia đình đã tiêu thụ được sản phẩm qua dịch vụ ăn uống.

Từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên sông suối, nhiều hộ dân ở huyện Quế Phong đang chuyển sang nuôi cá lồng, đem lại thu nhập ổn định. Nhiều hộ dân cũng từ mô hình này mà đi lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

"Nhiều thành viên của HTX từng xa quê nhiều năm để kiếm việc làm. Khi chúng tôi thành lập HTX và nhận thấy nghề nuôi cá lồng có hiệu quả, họ đã về quê, quyết chí lập nghiệp, làm giàu chính trên mảnh đất quê hương", anh Mão chia sẻ.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, nuôi cá lồng hồ thủy điện đã giúp người dân 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Theo ông Dũng, hằng năm, huyện đều rà soát và hỗ trợ người dân cá giống, lồng cá theo Nghị quyết 14 năm 2017 của HĐND tỉnh; trong đó, hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng/lồng cá và trợ giá cá giống từ mức 50-70% đối với hộ nuôi tùy thuộc khu vực.

Huyện Quế Phong cũng đã lồng ghép một số chương trình mục tiêu quốc gia, mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người dân nâng cao kiến thức, nắm rõ quy trình chăm sóc cũng như nhận biết và chữa bệnh cho cá.

Tháng 12/2023, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa của tỉnh đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi thả trực tiếp trong lòng hồ chứa đạt 8.480ha, sản lượng nuôi đạt 7.300 tấn; sản lượng nuôi lồng đạt 3.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 715 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.