Theo đó, Dự án được triển khai tại khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy (cách vị trí Khe Nác, xã Gia Phố là 400m); đây là vị trí có khoảng cách xa khu dân cư gần nhất (xóm 9, xã Hương Long) là 880m; cách hộ dân gần nhất xã Gia Phố là 1.140m, cách hộ dân gần nhất thôn 1, xã Hương Thủy là 1.240m, đảm bảo các điều kiện để thực hiện dự án.
Khu xử lý rác thải có tổng diện tích 14.143 m2 với tổng mức đầu tư 23,3 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục như: Khu xây dựng công trình (gồm các hạng mục nhà trực, trạm cân, nhà điều hành, nhà phân loại rác và nhà đặt lò đốt, bể xử lý nước thải, bể nước, bơm nước, trạm biến áp, hàng rào bao quanh...); Thiết bị, sử dụng lò đốt DCI -1000 do công ty Cố phần đầu tư phát triển và Xây dựng Quốc tế cung cấp, đã được Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chấp thuận tại Văn bản số 449/VCNMT ngày 12/11/2021...
Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Hiền (Hà Tĩnh) thi công và Công ty Cổ phần Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) là đơn vị giám sát kỹ thuật thi công. Theo dự kiến, đến tháng 8/2022 công trình sẽ hoàn thành, bàn giao đưa và sử dụng.
Trước đó, bài toán rác thải là nỗi “ám ảnh” đối với người dân huyện miền núi Hương Khê và ngành chức năng.
Theo tính toán của ngành chức năng, lượng rác thải trung bình năm, giai đoạn 2019 - 2033 tính riêng đơn vị thị trấn Hương Khê và 8 xã phụ cận (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Hương Thủy) khoảng 20,6 tấn/ngày.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chưa có khu xử lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn, quy định. Toàn huyện, duy nhất có bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại xứ đồng Trại Lợn, xã Gia Phố có diện tích 0,43 ha (không nằm trong quy hoạch), được sử dụng tự phát từ năm 2001 đến năm 2017 đã quá tải, không thể tiếp tục sử dụng.
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện không có khu xử lý rác thải nào, nên lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày, phát sinh trên địa bàn chưa được thu gom, xử lý, dẫn đến tình trạng tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.