Người dân huyện Thuận Châu có thu nhập cao nhờ trồng chè

GD&TĐ - Nhờ tuyên truyền, vận động và vận dụng các chính sách trong phát triển cây chè của huyện Thuận Châu (Sơn La) đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao.

Toàn cảnh khu vực trồng chè ở xã Phổng Lái.
Toàn cảnh khu vực trồng chè ở xã Phổng Lái.

Cây chè trở thành cây chủ lực xóa nghèo

Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin. Nơi đây không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn được thiên nhiên ưu ái về khí hậu, thổ nhưỡng, được mệnh danh là “xứ sở chè xanh”. Nắm bắt được thị trường, chè đang trở thành cây trồng chủ lực trong xã, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa đẩy mạnh du lịch địa phương phát triển.

Qua tìm hiểu, được biết cây chè ở xã Phổng Lái bén duyên với vùng đất sơn cước từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi người dân tỉnh Thái Bình lên phát triển kinh tế và đem theo cây chè lên trồng. Hiện nay đến thăm xã Phổng Lái, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp với những nương chè xanh trải dài bát ngát dưới chân núi, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp.

Cây chè đã mang lại thu nhập cao cho người dân.

Cây chè đã mang lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Tính đến nay, xã Phổng Lái hiện có 750 ha chè. Ở đây chủ yếu phát triển hai loại chính là: Chè ô long và chè xanh. Do thích hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến nghiêm ngặt nên sản phẩm chè trồng tại đây có nhiều điểm khác biệt với chè của địa phương khác. Nước chè có màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị đậm chất dịu.

Cây chè phù hợp với khí hậu địa phương nên phát triển rất tốt.

Cây chè phù hợp với khí hậu địa phương nên phát triển rất tốt.

Theo ông Dũng, cây chè đã khẳng định vị thế chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho người dân làm nông nghiệp. Hiện tại người Thái, Mông, Kinh sinh sống ở các bản như: Pá Chặp, Khau Lay, Thư Vũ… đều mở rộng diện tích trồng chè mang lại lợi ích kinh tế lớn. Nhờ có cây chè, bà con ở Phổng Lái, nhất là người Mông đã bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, sống định canh, định cư và có cuộc sống sung túc.

Ngoài việc trồng chè, bà con ở đây còn trồng các loại cây ăn quả phát triển kinh tế. Các nương chè ngày càng mở rộng trên những triền đồi thay thế cho cây ngô, cây sắn trước đây và đang trở thành nguồn thu nhập chính của bà con nhân dân các dân tộc nơi đây.

Để khích lệ động viên người trồng chè, huyện Thuận Châu thường hay tổ chức hội hái chè.

Để khích lệ động viên người trồng chè, huyện Thuận Châu thường hay tổ chức hội hái chè.

Chị Trần Thị Tuyết, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái cho hay: “Tôi trồng chè cũng gần 20 năm nay rồi. Tôi trồng chè dưới tán cây bưởi với diện tích gần 1.000m2, mỗi năm tôi thu nhập hơn 60 triệu đồng/vụ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của huyện, xã mà tôi đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc chè nên không bị sâu bệnh. Do chè phù hợp với vùng đất này nên hương vị thơm và đậm đà lắm”.

Còn Chị Mùa Thị Xế ở bản Pá Chặp, xã Phổng Lái cho biết: “Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của xã, huyện trong việc sản xuất cây chè sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, những năm gần đây cây chè đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Cũng nhờ có cây chè mà tôi có điều kiện chăm lo cho con học hành. Cuộc sống của gia đình tôi cũng dư giả lên nhiều so với thời điểm trồng ngô trước đây”.

Chị Tuyết đang chăm sóc vườn chè tại vườn.

Chị Tuyết đang chăm sóc vườn chè tại vườn.

Xuất khẩu chè ra nước ngoài

Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái cho hay: “Năm 1960, tôi theo bố mẹ từ Thái Bình lên đây khai hoang, lập nghiệp. Ngay từ khi còn nhỏ, cuộc sống của tôi đã gắn bó với cây chè. Vì thế, tôi hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả của người trồng chè ở gần nhà. Tôi mong muốn góp sức mình để chia sẻ khó khăn với người dân trong bản, đồng thời tăng thu nhập cho bà con. Sản phẩm chè của HTX được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm chè của HTX chúng tôi được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như: Đài Loan, Thái Lan”.

Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi. Bên cạnh đó, chè của tôi được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Ngoài tạo việc làm cho hội viên, tôi đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng”, bà Bình thông tin.

Sản phẩm chè của huyện Thuận Châu được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như: Đài Loan và Thái Lan.
Sản phẩm chè của huyện Thuận Châu được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như: Đài Loan và Thái Lan.

Ông Mè Văn Tiền - Chủ tịch UBND xã Phổng Lái cho biết: “Hiện, xã đã được chứng nhận thương hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và phát triển được vùng chè nguyên liệu rộng lớn với 750 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 531 ha, không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè mà còn giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó có những người làm nghề thu hái chè cả trong và ngoài địa bàn xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân”.

Bà Quàng Thị Phượng - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu cho biết, sản phẩm chè Trọng Nguyên là 1 trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của huyện Thuận Châu. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì phát triển vùng nguyên liệu chè tại xã Phổng Lái và định hướng phát triển theo xu hướng của thị trường. Hiện nay, khu vực trồng này đang áp dụng khoa học công nghệ cao và sản xuất theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ máy móc hiện đại trong khâu trong chế biến, bảo quản để sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính.

Theo ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu: Với định hướng mang tính dài hơi, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con hiểu, xác định cây chè là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Đồng thời, huyện sẽ bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch; tiếp tục phát triển cây chè tại một số địa bàn hiện nay vẫn còn diện tích đất trống giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ