Trồng chè giúp người dân Tam Đường thoát nghèo

GD&TĐ - Sau nhiều năm bén rễ, chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp người dân ở Tam Đường có thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Người dân Tam Đường thu hái chè.
Người dân Tam Đường thu hái chè.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc ở các xã khó khăn, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất trống, đồi trọc tại các sườn đồi và đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chè.

Những năm trước đây, trên diện tích nương đồi hơn 2 ha, gia đình ông Lò Văn Sòi ở bản Nà Hiềng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường chỉ trồng ngô và một phần làm bãi chăn thả gia súc nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, được sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng chè.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích chè của gia đình ông phát triển tốt. Từ năm 2020, chè bắt đầu cho thu hái. Đến nay, mỗi lứa ông thu được trên 1 tấn chè búp tươi.

Ông Lò Văn Sòi chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi chuyển đổi diện tích nương rẫy kém hiệu quả sang trồng chè. Từ ngày có cây chè cho hái búp, thu nhập của gia đình khá giả hơn. Qua đó, giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Nà Tăm là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Tam Đường. Để tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2015, địa phương đã lựa chọn cây chè đưa vào trồng thí điểm. Với việc đưa ra Nghị quyết về phát triển cây chè, đến nay, tổng diện tích chè của xã đã đạt gần 230ha. Trong đó, chè kinh doanh trên 180ha, năng suất đạt 78 tạ/ha, sản lượng mỗi năm khoảng 1.400 tấn.

Ông Lò Văn Thum, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho biết: “Nhờ việc liên doanh, liên kết với các Công ty thu mua chè đã giúp cho giá cả ổn định. Từ đó, mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn”.

Mặc dù mới phát triển cây chè nhưng qua đánh giá hàng năm, cây chè phát triển tốt và phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Nà Tăm. Đây cũng chính là tiền đề để xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao hàng năm.

Người dân đã ứng dụng công nghệ vào thu hái chè.

Người dân đã ứng dụng công nghệ vào thu hái chè.

Khun Há là xã triển khai đề án phát triển vùng chè muộn nhất huyện Tam Đường. Từ năm 2019, thực hiện đề án phát triển vùng chè chất lượng cao tập trung, xã Khun Há phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát quy hoạch vùng chè. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích nương đồi kém hiệu quả sang trồng chè.

Để cây chè phát triển tốt, xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Nhờ đó, diện tích chè của xã ngày càng tăng. Xã Khun Há hiện trồng được trên 200ha chè, trong đó trên 100 ha trồng đầu tiên đến nay đã cho thu hoạch.

Ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: “Nhiều diện tích chè đã được thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập ổn định nên người dân rất phấn khởi. Do vậy, chúng tôi xác định, chè sẽ là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới”.

Bản Bo là xã đi đầu của huyện Tam Đường trong thực hiện nghị quyết về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao. Hiện nay, xã bản Bo có tổng diện tích chè gần 1.000ha.

Đến nay, diện tích chè kinh doanh của xã đạt 600ha, sản lượng thu hái hàng năm đạt trên 6.500 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 2015. Nhờ định hướng phát triển phù hợp mà chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân trên địa bàn xã xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm trung bình từ 3 - 4%.

Ông Đỗ Trọng Thịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo chia sẻ: “Cây chè đã giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi hộ có từ 1 - 2ha cũng cho thu nhập ổn định, mua được xe máy, làm được nhà. Chúng tôi xác định chè là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo nên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để đưa xã bản Bo trở thành xã khóa của huyện Tam Đường

Trước đây, gia đình anh Hạng A Phình ở bản Nậm Phát là hộ nghèo của xã Bản Bo. Kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy và trồng rừng nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2014, được chính quyền địa phương vận động cũng như được nhà nước hỗ trợ nên anh đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng rừng kém hiệu quả sang trồng cây chè.

Với việc tích cực chăm sóc, từ năm 2016, diện tích chè của gia đình anh bắt đầu cho thu hái ổn định với mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Năm 2018, anh đã thoát ra khỏi hộ nghèo và tiếp tục phát triển kinh tế từ cây chè.

Cây chè phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Tam Đường nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Cây chè phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Tam Đường nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Hướng tới phát triển vùng chè tập trung

Để người dân được tiếp cận với chính sách và chủ trương về phát triển cây chè, huyện Tam Đường đã nỗ lực tuyên truyền, triển khai các chính sách, đặc biệt là tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay. Cùng với đó, hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, làm cỏ và bón phân theo đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng cây chè.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè theo đúng tiêu chuẩn. Huyện Tam Đường cũng chú trọng liên doanh, liên kết với các công ty thu mua chè với giá cả ổn định, tăng cường sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, quan tâm mở rộng diện tích chè hàng năm.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Huyện đã tập trung rà soát các địa điểm thuận lợi và xây dựng kế hoạch cụ thể từng tháng, từng quý để trồng chè. Cho đến nay, kế hoạch trồng chè huyện Tam Đường vượt chỉ tiêu giao, diện tích trồng mới có tỷ lệ sống trên 90%. Huyện đã chỉ đạo, cấp phân bón cho các hộ dân tiếp tục chăm sóc và phát triển chè”.

Người dân chế biến chè sau thu hái.

Người dân chế biến chè sau thu hái.

Ông Đoàn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: “Chè là cây công nghiệp dài ngày. Chúng tôi xác định đây là cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi tập trung hướng dẫn nhân dân chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Mặc dù huyện không giao chỉ tiêu trồng mới nhưng chúng tôi vẫn sẽ chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng chè”.

Sau gần 10 năm triển khai nghị quyết về phát triển cây chè, đến nay, tổng diện tích chè của huyện Tam Đường đạt trên 2.000ha. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô. Nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng chè.

Ông Sùng Lử Páo cho biết thêm: “Để tiếp tục thực hiện Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao, chúng tôi tiếp tục rà soát lại toàn bộ diện tích chè. Định hướng cho các xã, thị trấn mở rộng diện tích để hình thành vùng chè tập trung, quy mô lớn”.

Cùng với đó, huyện Tam Đường sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đồng hành với người dân trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành để hỗ trợ giúp người dân yên tâm, gắn bó với cây chè. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè, đặc biệt là bê tông hóa các tuyến đường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, chăm sóc, thu hoạch chè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín