Người dân Hà Nội không lo thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm

GD&TĐ - Công điện số 15 của UBND TP yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Quầy rau xanh tại VinMart Thăng Long ngày 19/7
Quầy rau xanh tại VinMart Thăng Long ngày 19/7

Các địa phương tại Hà Nội đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch; những khu vực tập trung đông người không cần thiết đều phải giải tỏa. 

Không cần “tích cốc phòng cơ”

Hiện nay các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đã dừng hoạt động. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội tổ chức sắp xếp các hoạt động kinh doanh, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, không tụ tập quá 5 người, khuyến khích giao hàng tại nhà...

Ở các chợ cóc, nhiều tiểu thương chở hàng hóa cồng kềnh đến chợ nhưng lực lượng chức năng yêu cầu quay về, không cho vào chợ. Cũng không còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, bày bán tràn lan hàng hóa như trước. Tại các chợ dân sinhvà siêu thị như Big C, Vinmart, Hapro Mart... không khí mua sắm vẫn diễn ra bình thường,.Trên thị trường Hà Nội, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động nhiều, khác với những đợt dịch bùng phát trước đâynhiềungười dânkhông cònbị tâm lý lo lắng chi phối phải đổ xô đi gom hàng dự trữ. 

Tại các siêu thị đầy ắp hàng hóa, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống, không có tình trạng cháy kệ, rỗng hàng.

Không chỉ đảm bảo đầy đủ hàng tiêu dùng, siêu thị Big C Thăng Long còn tổ chức khuyến mại nhiều mặt hàng hải sản

Theo ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc Big C khu vực miền Bắc, hệ thống siêu thị Big C đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần so với ngày thường.

Các quầy hàng của hệ thống VinMart/VinMart+ đã được lấp đầy hàng hóa, bảo đảm phục vụ người dân nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Lượng dự trữ hàng hóa tăng lên gấp 3 lần đã đủ để cung cấp cho khách hàng tại tất cả các điểm bán.

Tại nhiều chợ truyền thống, các quầy hàng tiêu dùng không thiết yếu được các tiểu thương đóng cửa và thực hiện nghiêm theo  Công điện 15 của UBND TP Hà Nội. Giá rau củ,quả,  thịt, cá tươi sống có biến động nhưng không bị đội giá. Cụ thể, giá bí xanh tăng từ 18.000 đồng/kg lên 23.000 đồng/kg, khoai tây từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg, giá trứng gà và trứng vịt ở mức 3.000 - 4.000 đồng/quả; giá thịt lợn ở mức 110.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thu Hoan, chủ một cửa hàng bán lẻ tại chợ Thành Công vừa lấy hàng  vừa động viên khách hàng, hàng hóa thực phẩm trong đợt này vẫn đầy đủ, không có tình trạng khan hiếm nên không cần phải mua tích trữ cả thùng mì tôm hay các loại thực phẩm khô làm gì cho chật nhà, chật tủ lạnh.

Bà Hoan chia sẻ: Chiều qua, cũng có khá đông khách quen ghé vào mua hàng có ý đề phòng, tích trữ nhưng tôi khuyên họ chỉ nên mua số lượng  đủ dùng trong ngày và ngày mai cần gì lại mua, có vậy thực phẩm mới tươi sống,  giàu vitamin. Trên ti vi, đài báo vẫn phổ biến chủ trương, tinh thần hành động của Chính phủ và sự vào cuộc rốt ráo của các ban  ngành, doanh nghiệp, tôi tin tưởng là Hà Nội không  thiếu nguồn cung, người dân không phải lo sợ nhu yếu phẩm bị đầu cơ tăng giá.

Lực lượng chức năng đã thiết lập hàng rào, lập chốt kiểm soát trước cổng chợ để giãn cách tiểu thương, chỉ cho phép bán các mặt hàng thiết yếu, giữ khoảng cách các gian hàng để thực hiện nghiêm Công điện 15, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân chống dịch 

Người dân Hà Nội không lo thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm ảnh 1

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thời gian qua thành phố đã đảm bảo dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Hà Nội  đã dự trữ lượng hàng hóa với giá trị gần 30.000 tỉ đồng để sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh thành phố ở khu vực lân cận khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ từ 1 đến 3: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỉ đồng; Cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1048,71 tỉ đồng; Cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5359,05 tỉ đồng”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Theo chỉ đạo của thành phố, ngay từ đầu năm Sở Công thương đã chủ động triển khai các phương án phục vụ đảm bảo nguồn cung đối với các nhóm hàng nhu yếu phẩm, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19. 

 Các doanh nghiệp rốt ráo đẩy mạnh việc tăng cường dự trữ, khai thác hàng hóa thiết yếu, đảm bảo nguồn cung, đồng thời có phương án điều tiết, đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh,thành phố trên cả nước, tránh đứt, gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo sẵn sàng hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ các địa phương có khu vực cách ly của thành phố. 

Nhờ vậy trong 7 tháng đầu năm 2021 lượng hàng hóa luôn dồi dào, giá cả ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Bên cạnh đó thành phố đã tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố, hỗ trợ kết nối tiêu thụ 200.000 tấn nông sản, trái cây, thủy hải sản, gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành phố (Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn và một số tỉnh phía nam). Các quận nội thành thống nhất, lựa chọn 24 địa điểm để giới thiệu các tỉnh, thành phố tổ chức điểm bán nông sản mùa vụ các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, thành phố Hà Nội, ngày 18/7/2021, Sở Công thương Hà Nội đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30% - 50% lượng hàng hóa thiết yếu, đồng thời để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến điểm bán xuyên đêm: Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có tăng cao.

“Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở Công thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết. 

Sẵn sàng các phương án cung ứng rộng khắp

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công thương đã đề nghị các hệ thống phân phối tích cực chủ động nắm sát tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch.... từ đó lên  phương án chi tiết thu mua hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, điều phối tại các kho hàng. Kho từ các tỉnh đến kho trong địa bàn thành phố, từ kho của thành phố đến các điểm bán hàng, đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên giá, kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo ATTP, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động và người dân thực hiện thông điệp 5K về phòng, chống dịch, phân luồng đảm bảo giãn cách tại các điểm bán, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch cho người lao động, hạn chế tối đa người lao động bị nhiễm dịch để đảm bảo nguồn nhân lực. 

Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục cung cấp cho các hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân. 

Sở Công thương chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí đồng thời phối hợp với Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá.....

Bên cạnh đó Sở Công thương cũng đã đề nghị Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các kho và  đến các điểm bán trên toàn thành phố. 

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19, thành phố đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1920 địa điểm tại các quận. huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. 

“Mặc dù đang phải đối mặt với một số khó khăn (nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam....)  song trong bất kỳ tình huống nào nguồn hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bố lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online...để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối”, lãnh đạo Sở Công thương khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ