Người dân gặp rắc rối khi bỏ 90 triệu đồng trục vớt cây gỗ dưới ruộng

GD&TĐ - Hơn 1 tháng trình báo về việc trục vớt cây gỗ lớn, ông Nam không thấy cơ quan chức năng đến xử lý nên đã mang đi cưa xẻ làm đồ gia dụng. Ngay sau đó, cơ quan công an đã đến lập biên bản, tạm giữ cây gỗ.

Cây gỗ ông Nam trục vớt ở dưới ruộng lên với chi phí khoảng 90 triệu đồng.
Cây gỗ ông Nam trục vớt ở dưới ruộng lên với chi phí khoảng 90 triệu đồng.

Ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, vào ngày 23/3 vừa qua trong khi cải tạo đất ruộng thuê cho người dân xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) thì ông phát hiện 1 cây gỗ bị vùi lấp dưới lòng đất.

Cây gỗ có chiều dài khoảng 12 m với đường kính khoảng 0,7 m và bị vỡ nát phần gốc. Ngay sau đó, ông Nam đã đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ lên để mang về làm đồ gia dụng.

Theo ông Nam, sau đó UBND xã Sa Sơn đã đến hiện trường xác minh và lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên. Theo đó, cây gỗ không nằm trên đất rừng và không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc.

Trong biên bản cũng nêu, sau khi trục vớt hoàn thành thì ông Nam báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Lúc này, ông Nam đã thuê nhân công, phương tiện với chi phí khoảng 90 triệu đồng để trục vớt gỗ. Đến ngày 8/4 khi cây gỗ đã được trục vớt xong ông Nam có thông báo cho UBND xã Sa Sơn biết.

Tuy nhiên, đến ngày 20/5, không thấy cơ quan chức năng đến xử lý nên ông Nam vận chuyển về một xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng. Nhưng sau đó, Công an huyện Sa Thầy đã lập biên bản tạm giữ cây gỗ trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng.

Cơ quan công an lập biên bản, tạm giữ cây gỗ khi ông Nam mang đi cưa xẻ.
Cơ quan công an lập biên bản, tạm giữ cây gỗ khi ông Nam mang đi cưa xẻ.

Ông Nam chia sẻ, ông đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để trục vớt cây gỗ. Do đó, nếu cây gỗ bị tịch thu, xử lý thì ông bị thiệt hại rất lớn. Chính vì vậy, ông mong các cơ quan chức năng xem xét và sớm có câu trả lời thoả đáng.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết, cây gỗ trên đã nằm dưới đất ruộng rất lâu và không phải gỗ khai thác trái phép.

Cũng theo ông Dũng, vào thời điểm UBND xã đi kiểm tra thì cây gỗ bị vùi lấp rất sâu. Bên cạnh đó, cây gỗ đã mục nát nên địa phương không xây dựng phương án khai thác để tổ chức đấu giá.

Còn theo Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy, hiện vụ việc đang được Công an huyện tiến hành điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ