Phát biểu trước truyền thông Nga hôm 18 tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố rằng kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa siêu thanh của Mỹ tại trung tâm châu Âu có thể khiến Nga có hành động đáp trả.
"Trong tình hình này, tính đến tổng thể tiềm năng quân sự của các quốc gia thành viên NATO, chúng ta phải hiệu chỉnh các phản ứng của mình mà không cần phải có bất kỳ ràng buộc nội bộ nào, có thể nói như vậy, về việc nên triển khai vũ khí gì, khi nào và ở đâu.
Đây không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai. Đây là phương tiện để tìm ra thuật toán hiệu quả nhất, theo quan điểm về chi phí, để ứng phó với những thách thức đang thay đổi", Thứ trưởng Ryabkov nói.
Nhà ngoại giao cấp cao của Nga nhấn mạnh rằng khu vực Kaliningrad - nơi dự kiến sẽ là mục tiêu của tên lửa tầm xa của Mỹ từ Đức, sẽ tiếp tục được đảm bảo an ninh nếu và khi vũ khí của Mỹ được triển khai tại quốc gia Trung Âu này.
Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm: "Nếu các đại diện của chính phủ Đức coi việc bắt đầu một số biện pháp leo thang nào đó là hợp lý với lý do đối phó với nguy cơ từ năng lực quân sự mà Nga có, chúng tôi sẽ phản ứng bằng các biện pháp bù trừ theo cách mà chúng tôi cho là chấp nhận được nhất".
Trước đó trong ngày, truyền thông Đức đã đăng tải một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong đó ông cho rằng thỏa thuận của Berlin về việc triển khai vũ khí tầm xa của Mỹ "không gì khác hơn là nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga liên quan đến việc triển khai tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad".
Bộ trưởng Pistorius đảm bảo rằng các kế hoạch hiện tại của Mỹ không giống với cuộc khủng hoảng tên lửa ban đầu tại châu Âu vào những năm 1980, đã đưa hành tinh này đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt thế giới vào năm 1983, và đi kèm với các cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại.
Ba triệu người ở Tây Âu và hai triệu người khác ở những nơi khác đã phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hạt nhân Pershing II vào mùa thu năm 1983.
Đánh giá về quyết định triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Đức, Karen Kwiatkowski, Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói với RIA rằng, quyết định này nhằm lặp lại cuộc khủng hoảng tên lửa những năm 1980.
"Một phần của động thái này là nỗ lực khóa chặt thị trường NATO đối với những tên lửa này thông qua các đơn đặt hàng sản xuất của Mỹ cho các nhà thầu như RTX và Lockheed Martin", Trung tá Karen Kwiatkowski nói.
Chuyên gia Kwiatkowski giải thích: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền Mỹ hy vọng sẽ tận dụng được tác động kích thích trong nước - cộng với cảm giác cấp bách của Chính quyền Biden khi họ và phần lớn NATO thừa nhận rằng chính sách NATO của Mỹ có thể nhanh chóng bị đảo ngược dưới thời Chính quyền Trump nếu ông này đắc cử".
Cũng giống như cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu những năm 1980 đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng hạt nhân bằng cách di chuyển các hệ thống tấn công đến vị trí chỉ cách Moscow vài phút bay, có nghĩa là các quan chức Liên Xô sẽ chỉ có vài phút để xác định, phân tích và phản ứng với một cuộc tấn công có thể xảy ra của kẻ thù.
Học giả Kwiatkowski cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa đến Đức của Mỹ lần này sẽ làm dấy lên nỗi lo về một cuộc leo thang hạt nhân không thể đảo ngược theo cách tương tự.
"Lý do tên lửa tầm trung và tầm xa bị loại khỏi châu Âu cách đây hơn ba thập kỷ chính xác là vì lý do này – chúng không cần thiết và khiêu khích", bà Kwiatkowski giải thích.
"Cụ thể, tên lửa tấn công tầm xa ở châu Âu đã tạo ra, cũng như sẽ tạo ra (vào năm 2026), các mục tiêu trả đũa hoặc phủ đầu mới không thể bảo vệ hiệu quả về mặt chi phí, khiến người dân châu Âu trở thành con tin cho chính sách đối ngoại của Mỹ", bà nhấn mạnh.
Theo nghĩa đó, việc triển khai này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực không chỉ giữa NATO và các đối thủ mục tiêu, mà còn giữa người dân châu Âu với chính phủ của họ và Nghị viện châu Âu.
Trong số những người biểu tình phản đối việc triển khai tên lửa của Mỹ vào những năm 1980 có ông Olaf Scholz (đương kim Thủ tướng Đức), khi đó là phó chủ tịch nhóm thanh niên của Đảng SPD, đã nhận ra những rủi ro hạt nhân vốn có trong những bước đi như vậy mà chính phủ của ông hiện nay dường như đã không nhìn thấy.
Vào tháng 11 năm 1983, quân đội Liên Xô đã đặt lực lượng hạt nhân của mình vào tình trạng báo động cao để chuẩn bị ứng phó với sự xâm lược của NATO sau khi liên minh này khởi động cuộc tập trận chiến tranh Able Archer, mô phỏng một cuộc tấn công toàn diện vào Liên Xô.
NATO không nhận ra mức độ nghiêm trọng của mối nguy hiểm hạt nhân do hành động khiêu khích của mình gây ra cho đến nhiều năm sau.
Nếu Mỹ tiến hành triển khai tên lửa đến Đức sau hai năm nữa theo đúng kế hoạch, không ai có thể đoán được một bước đi như vậy có thể gây ra những loại khủng hoảng an ninh nào, đặc biệt là khi xét đến việc liên minh phương Tây đã tiến 1.000 km về phía đông tới biên giới Nga thông qua việc mở rộng NATO.
Cùng với đó là cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra, cực kỳ nguy hiểm ở Ukraine, kế hoạch của Lầu Năm Góc với sáng kiến được gọi là Đòn tấn công nhanh chóng toàn cầu (Đòn tấn công nhanh thông thường), theo một khái niệm nguy hiểm hơn nhiều so với bất kỳ điều gì được hình thành trong Chiến tranh Lạnh.
Sáng kiến này của Mỹ hình dung ra một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường ồ ạt vào các đối thủ chiến lược để chặt đầu nhóm lãnh đạo của họ và loại bỏ càng nhiều tiềm năng hạt nhân của đối phương càng tốt.
Liên Xô và Mỹ đã ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung để loại bỏ các bệ vũ khí hạt nhân trên bộ trong phạm vi 500-5.000 km vào năm 1987, để giảm rủi ro hạt nhân ở châu Âu.
Washington đã rút khỏi thỏa thuận đó vào năm 2019 và ngay lập tức tiếp tục thử nghiệm và phát triển một loạt tên lửa tầm trung và tầm xa phóng từ mặt đất mới.