"Không thể dứt ra", đó là cách nói rất thật của những ai đang đeo đuổi nghệ thuật gốm. Nghệ nhân Thi Nguyên cũng vậy, khi đã theo vòng xoay gốm để từ sáng tạo này đến khám phá khác, và nhận ra "mình cũng có sức hút với gốm" thì sản phẩm làm ra không đơn thuần là gốm nữa, mà còn là tình yêu.
Sau hàng chục năm mày mò, nghệ nhân Thi Nguyên đã dám gọi những tác phẩm của mình là dòng gốm độc và lạ, khác hẳn với những làng nghề gốm truyền thống còn lại.
Mỗi sản phẩm gốm Thi Nguyên là một tác phẩm, không có sản phẩm gốm nào giống nhau hoàn toàn. Phong cách trang trí đa dạng, phóng khoáng, khi thì chơi men, khi thì điêu khắc, khi thì đưa hội họa lên từng sản phẩm riêng biệt.
Bỏ lương cao, về nhào đất
Thi Nguyên là bút danh của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Mai Anh, người Chí Linh (Hải Dương). Trước khi là nghệ nhân gốm, nữ thi sĩ Mai Anh là chuyên gia ngành dược của một công ty dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam. Công việc tốt, lương cao nhưng không ai hiểu tại sao chị lại bỏ nghề để về quê nhào đất.
"Sau những chuyến đi đến các làng nghề gốm truyền thống, tôi thấy mình thực sự hợp với gốm và yêu thích gốm vô cùng. Hải Dương quê tôi cũng không thiếu những gốm cổ, nhưng hiếm ai biết đến, bởi vì hầu hết các nghệ nhân không còn đam mê, cũng không ai có ý tưởng phải vực gốm dậy", chị Mai Anh nhận xét.
Ban đầu, vì chưa có lò, có xưởng riêng nên chị Mai Anh phải đến các làng nghề như Hiếu Lễ, Hương Canh, Bát Tràng… vừa học vừa làm. Đam mê lại có khiếu sáng tạo nên chỉ sau vài năm, các kỹ thuật làm gốm chị học được cả.
Nhiều nghệ nhân là chủ các lò gốm lớn ở Bát Tràng muốn chị ở lại nhưng chị quyết tâm trở về với gốm quê mình.
Trong những tháng ngày lang thang học nghề, chị Mai Anh đã gặp chuyên gia gốm Nguyễn Năng Thi đang làm việc ở làng gốm Chu Đậu. Đam mê gốm đã khiến họ gặp nhau, và cũng vì gốm mà họ nên duyên vợ chồng. Từ đó, họ lập một xưởng gốm lấy tên là Thi Nguyên, mở lò ở thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh).
"Ở quê tôi có mỏ sét Chúc Thôn nên rất tiện lợi khi lấy nguyên liệu làm gốm. Bên cạnh xưởng gốm mới này, tôi có một xưởng gốm dân gian nên hai vợ chồng có dịp để thử nghiệm gốm với các loại nguyên liệu khác nhau để tìm ra được phương pháp giúp gốm bền và đẹp nhất", chị Mai Anh cho hay.
Siêu gốm Thi Nguyên
Chuyên gia gốm Nguyễn Năng Thi cho biết: "Gốm của chúng tôi là gốm nhưng không phải là gốm, bởi đó là siêu gốm". Đó là thành quả sau hàng chục năm nghiên cứu, thử nghiệm mà vợ chồng họ đã phải lao tâm khổ tứ.
"Gốm là đứa con của đất và người, là kết quả ngẫu nhiên của tạo hóa và nghệ nhân. Bề mặt đồ gốm, đặc biệt là loại nung bằng củi, có màu sắc biến ảo, thắm dần về phía lửa táp. Có lẽ bây giờ, không còn xưởng gốm nào dùng củi đốt, nhưng tôi vẫn dùng. Đơn giản, tôi muốn gốm luôn là thứ gần gũi với mỗi người Việt" - Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai Anh.
Theo anh Thi, siêu gốm đã được công nhận và phải đáp ứng đủ 4 yêu cầu. Thứ nhất, phải chịu được nhiệt độ nung cao giống như gốm - sứ, thậm chí như sứ, để thỏa mãn nhu cầu chơi men nặng lửa hiện đại.
Hai là, bề mặt chất liệu (phần không men) phải tạo ra hiệu ứng mỹ thuật, từ nhẵn bóng mịn như hiệu ứng tự tiết men, đến khi nung ở chế độ khử tạo ra hiệu ứng đốm trứng cóc, đặc biệt dễ dàng tạo ra hiệu ứng Ra-cu. Màu sắc của xương gốm đa dạng, biến đổi từ trắng ngà đến nâu đỏ và đen.
Thứ ba phải phù hợp với tất cả các phương pháp tạo hình đương đại: Vuốt tay, đổ rót, in và gia công áp lực. Cuối cùng, chất liệu gốm cho phép thỏa mãn được rất nhiều hình thức trang trí khác nhau: Có men, không men, vẽ trên men, vẽ dưới men và chơi men phóng khoáng phù hợp với nhu cầu thưởng thức.
Chị Mai Anh cho rằng, để gốm đạt các tiêu chí trên, nghệ nhân phải đưa ra bài phối liệu xương gốm mới, kết hợp hài hòa giữa sét, quắc, cao lanh và một số phụ gia biến tính.
"Sau nhiều thử nghiệm, chúng tôi đã thỏa mãn được các tính chất kết hợp giữa bốn dòng men gốc: Men đất, men đá, men tro và men phù sa biến tính. Nó có thể đạt độ trong suốt như men sứ, độ bít mờ, độ kết tinh của kim loại, làm cho men có vẻ đẹp sâu lắng", chị Mai Anh chia sẻ.
Với quan niệm tạo men khác biệt, nên những sản phẩm men gốm của vợ chồng Mai Anh vừa rất hiện đại nhưng cũng đầy hoài cổ. Điều đặc biệt, từ các chất liệu dân gian, xưởng gốm của chị Mai Anh đã đưa ra một loại men mới, kết hợp giữa ngọc Celadon và đỏ tiết bò, làm đắm say nhiều nhà chơi men khó tính. Tất cả những đặc tính cổ - mới – lạ đã tạo ra gốm, nhưng không phải là gốm, mà đó là siêu gốm.
Gốm quái
Chị Mai Anh cho rằng, đối với gốm truyền thống thì mỗi sản phẩm đều phải hoàn thiện theo đúng kích cỡ, kiểu dáng. Nhưng với dòng gốm nghệ thuật, thì không nhất thiết phải như vậy. Mỗi sản phẩm phải là một tác phẩm đặc sắc, bền và đẹp.
"Mỗi khi ra lò, tôi hay đứng sẵn trước cửa mở để kiếm tìm gốm quái. Các cụ xưa nay vẫn xếp quái đứng sau cổ, như ăn rồi mới đến chơi. Cũng giống như đời người, gốm quái luôn có một số phận rất riêng. Đối với sứ, khi kiểm hàng chỉ cần có 3 nốt ruồi đen nhỏ bằng đầu tăm là loại, nhưng riêng gốm, đôi khi cái khuyết tật của nó lại là cái duyên", chị Mai Anh cho biết.
Từ chiếc lọ nhỏ cắm hoa, hay chai rượu, bình vôi, chóe nước… có vẻ rất dị dạng. Nhưng cầm sản phẩm gốm trên tay mới thấy như có năng lượng. Mỗi sản phẩm một vẻ, một kiểu mà những người nghệ nhân phải rất công phu lẫn sáng tạo mới có thể làm ra; để rồi khi được nung nấu trong lửa thì chất đất lẫn nước men bén quyện vào nhau hình thành gốm quái.
"Thực ra, cả trăm sản phẩm ra lò thì mới tìm được một vài sản phẩm là gốm quái. Gốm quái được hình thành biến dạng trong lò, và nhiều lúc biến đổi cả màu sắc nên rất đẹp và có giá trị. Nhiều người sành chơi cứ trực chờ trước lò để mua lại loại gốm này", chị Mai Anh cho hay.
Đến nay, sau hơn chục năm ăn nằm với gốm, sản phẩm của vợ chồng nghệ nhân Thi Nguyên chính là những giải thưởng trong các cuộc thi dành cho tác phẩm nghệ thuật gốm. Nhưng, như chị Mai Anh chia sẻ, giải thưởng không nói được điều gì, quan trọng là người ta có thích gốm của mình hay không.