Người cũ và kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã chính thức chấm dứt thời kỳ 12 năm liên tiếp tại vị của ông Benjamin Netanyahu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Người mở ra kỷ nguyên chính trị mới ở nhà nước Do Thái này lại là một người cũ, vì ông từng nắm nhiều chức vụ quan trọng dưới thời ông Netanyahu trước đây.

Giai đoạn cầm quyền kéo dài của ông Netanyahu đánh dấu sự kết thúc bằng một cuộc xung đột dữ dội nhất trong nhiều năm giữa Israel và lực lượng Hamas bên phía Palestine, hồi tháng trước.

Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn đầu tuần này, tân Thủ tướng Bennett nhấn mạnh tính mới trong chính sách của mình là hạn chế chịu tác động sâu rộng từ điểm nóng chính trị, nhất là trong vấn đề Palestine, để tập trung cải cách nội bộ Israel.

Trong khi đó, nhà cựu lãnh đạo kỳ cựu 71 tuổi Netanyahu vẫn chưa có dấu hiệu “buông súng” khi tuyên bố sẽ quay trở lại chính trường và lật đổ chính phủ liên minh của người cũ Bennett.

Tuy nhiên, để thách thức chính trị này trở thành hiện thực thì sẽ cần rất nhiều thời gian và ông Bennett cùng liên minh của mình hoàn toàn có thể thực thi các chính sách khác biệt, qua đó định hình một kỷ nguyên mới trên chính trường Israel.

Cũng giống như các thủ tướng tiền nhiệm, thách thức lớn nhất đối với chính trị gia 49 tuổi Naftali Bennett ngay khi lên nắm quyền vẫn là tiến trình hòa bình với người Palestine.

Đối với ông, tình hình hiện nay còn trong giai đoạn nhạy cảm hơn khi Israel và Hamas vừa trải qua một cuộc xung đột mang tính lịch sử. Hai bên đang tạm hòa bình nhờ lệnh ngừng bắn mong manh ở Dải Gaza.

Trong những phát biểu đầu tiên, tân Thủ tướng Bennett nhấn mạnh muốn tập trung vào các vấn đề nội bộ Israel. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ông có xu hướng hòa giải hơn với Palestine so với chính phủ trước.

Ông được giới quan sát đánh giá là người có quan điểm thậm chí còn cực đoan hơn người tiền nhiệm Netanyahu.

Ông Bennett từng giữ chức Chánh Văn phòng, Bộ trưởng Quốc phòng hay Trợ lý cấp cao dưới thời Netanyahu, được biết đến là chính trị gia ủng hộ việc sáp nhập các khu Bờ Tây và hoàn toàn bác bỏ việc công nhận nhà nước Palestine.

Với lập trường chính trị này thì đối với người Palestine, việc ông Bennett lên thay ông Netanyahu không phải là một dấu hiệu tích cực. Hơn nữa, chính phủ liên minh Israel hiện nay gồm tới 8 đảng phái khác nhau bao gồm cả sự tham gia lần đầu tiên của một đảng người Ả Rập, nhưng nội các mới vẫn bị chi phối bởi phe cực hữu.

Để duy trì sự ổn định của chính phủ liên minh thì ông Bennett gần như ít có sự lựa chọn nào khác là phải xoa dịu những thành phần cực đoan cánh hữu trong chính phủ.

Bối cảnh này sẽ khiến rất khó có thể xuất hiện một sự thỏa hiệp giữa Israel với người Palestine, mà ngược lại còn có nguy cơ nổ ra các cuộc đối đầu quyết liệt hơn so với thời ông Netanyahu.

Trong khi đó, sau cuộc xung đột 11 ngày hồi tháng 5 vừa qua làm hơn 260 người thiệt mạng, thì nếu để nổ ra cuộc xung đột mới sẽ ở mức độ khốc liệt hơn nhiều.

Bên cạnh đó, chính phủ liên minh đa thành phần do ông Bennett đứng đầu còn phải đối mặt với thách thức phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19.

Tuy nhiên, với nền tảng chính trị dày dạn, thiên hướng tự do hóa nền kinh tế và thuộc thế hệ lãnh đạo 3.0 cấp tiến của Israel, ông Bennett đang được giới phân tích đánh giá là có đầy đủ cơ hội để thể hiện năng lực lãnh đạo của mình, mở ra một kỷ nguyên chính trị mới cho nhà nước Do Thái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ