Sau mỗi chuyến trải nghiệm, các em HS đã cảm nhận được những bài học cuộc sống vô cùng lí thú và bổ ích. Đây chính là cơ hội để các em HS thêm yêu cuộc sống vô cùng tươi đẹp xung quanh mình.
Đưa học trò về với thực tiễn cuộc sống
Những năm gần đây, ở các nhà trường tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và đặc thù vùng miền đã tổ chức hiệu quả các chuyến đi thực tế, trải nghiệm để đưa HS về gần với thực tiễn cuộc sống, giúp các em rút gần khoảng cách giữa bài học trên trang sách với hiện thực cuộc sống sinh động. Trải nghiệm học đường cũng nằm trong sự đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học hiện nay ở hầu hết các nhà trường.
Nếu như trước đây, những chuyến trải nghiệm hầu như chỉ dành cho HS ở thành phố hay sinh viên đại học nhưng những năm học gần đây, các nhà trường ở vùng sâu, vùng xa cũng sôi nổi và tích cực tổ chức các hoạt động này nhằm xóa đi khoảng cách giữa lí thuyết và thực tiễn, đưa học trò về với cuộc sống mà các em đang sống để nhận thức được những giá trị bền vững trong đời sống của mình.
Hoạt động trải nghiệm ở các nhà trường miền núi, vùng sâu, vùng xa diễn ra khá phong phú và đa dạng dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau, nhiều hoạt động và cách làm khác nhau.
Đa số các nhà trường đều thực hiện tổ chức trải nghiệm ngoài giờ học chính khóa, với việc lên kế hoạch, lịch trình và nội dung hoạt động cụ thể. Nhờ vậy, mỗi chuyến trải nghiệm đều diễn ra hiệu quả, nhanh gọn.
Trước đây, để tổ chức trải nghiệm cho HS là một việc làm rất khó khăn đối với các nhà trường vì liên quan đến nhiều yếu tố như kinh phí, thời gian, lực lượng. Nhưng những năm gần đây, nhờ sự linh hoạt và mục đích trải nghiệm nên các nhà trường đã tổ chức khá hiệu quả.
Tại tỉnh Phú Thọ, các nhà trường trên địa bàn các huyện như Hạ Hòa, Đoan Hùng, Lâm Thao, Việt Trì, Cẩm Khê… đã tổ chức hiệu quả những chuyến học tập trải nghiệm cho HS tại các khu di tích như đền Mẫu Âu Cơ, đền Hùng, tượng đài chiến thắng sông Lô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chiến khu Hiền - Vần, căn cứ Tiên Động… Đó là thực tiễn truyền thống lịch sử vô cùng phong phú và sinh động trong bài học giáo dục HS.
Những bài học sinh động
Mới đây, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú, THCS và THPT Bảo Yên (Lào Cai) đã có chuyến thực tế tại bản Rịa (xã Nghĩa Đô, Bảo Yên, Lào Cai), vùng đất sinh sống của đồng bào Tày từ lâu đời để tìm hiểu vốn văn hóa ẩm thực của người Tày.
Tại đây, các em HS đã được nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi kể, giảng giải cho nghe về các món ăn truyền thống của người Tày, cách chế biến, dư vị và sự đậm đà của mỗi món. Nhờ đó, các em HS đã am hiểu sâu sắc về văn hóa ẩm thực, tự hào hơn về truyền thống quê hương mình.
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi chia sẻ: “HS người dân tộc rất ham học hỏi về truyền thống dân tộc mình từ những chuyến thực tế do nhà trường tổ chức. Đó là tín hiệu đáng mừng để gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền của các dân tộc”.
Tại Trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai), các năm học, nhà trường đều tổ chức cho HS những chuyến trải nghiệm về các bản Mông, bản Dao để tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Tại các bản, HS nhà trường được tìm hiểu về văn hóa, phong tục đặc sắc như nghề dệt thổ cẩm, các điệu múa, lễ hội, trang phục, tiếng nói của đồng bào các dân tộc.
Em Mùa Thị Sua - Học sinh lớp 11 Trường THPT số 2 Si Ma Cai chia sẻ: “Mỗi chuyến trải nghiệm đối với chúng em thật bổ ích vì đó là những bài học vô cùng sinh động và cụ thể, chúng em mong sẽ có nhiều chuyến đi như thế nữa do nhà trường tổ chức”.
Không chỉ riêng Trường THPT số 2 Si Ma Cai mà các nhà trường THPT ở Lào Cai trong những năm học qua đã tích cực tổ chức những chuyến trải nghiệm thực tế đầy hiệu quả và mang tính giáo dục cao.
Trong mỗi chuyến trải nghiệm, không chỉ quan sát, chiêm ngưỡng hay nghe giảng giải mà HS các nhà trường còn được tự tay mình làm những công việc thường ngày của cuộc sống.
Tuy có thể không thành thạo nhưng việc tự làm những công việc dù là nhỏ, các em sẽ cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc và rèn luyện đức tính yêu lao động.
Với mục đích đưa HS về gần với thực tiễn cuộc sống, Trường THPT Xuân Áng (Hạ Hòa, Phú Thọ) đã tổ chức cho HS hoạt động tình nguyện ngay tại địa phương.
Tại đây, bằng việc làm cụ thể như xới cỏ, cuốc đất, trồng cây… do chính HS thực hiện, các em vừa được trải nghiệm vừa có cơ hội chung tay giúp ích cho cộng đồng.
Còn tại Trường THPT số 2 Bảo Yên (Lào Cai) thì sáng tạo bằng hình thức trải nghiệm tại chỗ đó là tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các cuộc thi như gói bánh chưng, làm bánh trung thu rồi trồng cây ăn quả, trồng rau xanh trong khu vực trường, tình nguyện giúp dân bản làm đường xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã tạo nên hứng thú cho HS nhà trường.
Có thể nói, tuy còn nhiều khó khăn khi tiến hành các chuyến trải nghiệm như thời gian, phương tiện, kinh phí… nhưng mỗi chuyến trải nghiệm học đường sẽ giúp HS về gần hơn với thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú và sinh động.
Tại đây, các em sẽ có được những bài học quí giá, nhân lên tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống và có thêm nghị lực, quyết tâm học tập tốt hơn.