Làng nghề thổ cẩm Tà Lài trước nguy cơ mai một

GD&TĐ - Nghề dệt thổ cẩm ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai, vốn nổi tiếng từ lâu. Sản phẩm thổ cẩm Tà Lài của người Châu Mạ gây ấn tượng với những họa tiết, hoa văn đặc sắc và đẹp mắt. Trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng là thời điểm nhộn nhịp nhất của làng nghề. 

Nghệ nhân thổ cẩm
Nghệ nhân thổ cẩm

Những nữ nghệ nhân bản làng

Hiện ở ấp 4, xã Tà Lài có khoảng 118 hộ sinh sống, phần đông là người Châu Mạ. Người Châu Mạ ở đây làm nhiều nghề truyền thống như đan gùi, đan lát, rèn xà gạc, diều sáo…, trong đó dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống tiêu biểu. Ngoài thời gian làm nương rẫy, người phụ nữ đồng bào Châu Mạ lại gắn mình bên khung cửi.

Những sản phẩm thổ cẩm của người Châu Mạ có thể kể đến là: khăn quàng cổ, những tấm vải nhiều màu sắc với các họa tiết cách điệu từ muông thú, chim chóc, cây cối, thiên nhiên, thần linh… một cách tinh tế. Mỗi họa tiết có một ý nghĩa riêng biệt, nhưng chung quy chúng thể hiện một phần tư duy của cộng đồng người Châu Mạ về cuộc sống, thế giới và những kinh nghiệm đã được đúc kết.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của sản phẩm công nghiệp và quá trình hội nhập, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang bị mai một. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường. Do vậy, hàng hóa làm ra khó tìm thị trường tiêu thụ, đời sống người làm nghề gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, số lượng người dệt cũng giảm dần. Hiện ở ấp 4, xã Tà Lài chỉ còn khoảng 30 hộ biết dệt, trong đó có 10 hộ duy trì việc dệt thổ cẩm thường xuyên. Những ai còn gắn bó, muốn giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình thì phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Không tiêu thụ được sản phẩm tại địa phương nên sản phẩm làm ra được xếp kho đợi đến tháng 12 hàng năm mới mang đến các tỉnh có đồng bào dân tộc sinh sống để chào bán.

Tấm lòng của một nữ nghệ nhân

Từ một đứa trẻ yêu thích nghề dệt thổ cẩm đến khi trở thành một người thợ lành nghề, chị K’Điều tích lũy được nhiều kinh nghiệm. “Trước nhu cầu cơm áo của bà con dân tộc mình, tôi đi tìm đầu ra cho sản phẩm và may mắn nhận được đơn hàng của một số địa phương ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum... Mỗi đơn hàng góp phần giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”, chị K’Điều nói.

Hiện ngoài dệt thổ cẩm để bán, chị K’Điều còn phối hợp với một số hội viên có tay nghề vững truyền nghề cho thế hệ trẻ dân tộc Châu Mạ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc vận động bà con dân tộc có ý thức bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhưng chị K’Điều không hề nản lòng.

Hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, chị luôn trăn trở làm thế nào để hội viên, phụ nữ được nâng cao kiến thức, vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ xã Tà Lài đang được chính quyền địa phương xác định là một trong những nghề mà sản phẩm mang lại có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Tân Phú.

Ở Vườn quốc gia Cát Tiên đã có gian hàng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch tham quan, học tập cộng đồng. Các sản phẩm được trưng bày gồm khăn quàng cổ, áo, túi xách mang các hoa văn đặc trưng… tạo nên điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khách nước ngoài làm quen nghề dệt thổ cẩm

Khách nước ngoài làm quen nghề dệt thổ cẩm

Từ năm 2008, tỉnh Đồng Nai đã triển khai đề án “Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Châu Mạ, xã Tà Lài, huyện Tân Phú”. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phú, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để các hộ gia đình người dân tộc ở đây có khả năng mua sắm, cải tiến khung, thoi, lược, dệt… giúp tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.