Những báu vật truyền đời bên dòng Nậm Luông

GD&TĐ - Từ thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên - Lào Cai), dọc theo quốc lộ 279 theo hướng Đông Bắc, chúng tôi đến được xã Nghĩa Đô bên dòng Nậm Luông - miền đất mưu sinh từ bao đời nay của đồng bào Tày. Đó là một vùng quê giữa đại ngàn, đậm đà truyền thống văn hóa dân gian.

Những báu vật truyền đời bên dòng Nậm Luông

Vốn văn hóa ấy được coi là báu vật cổ truyền của đồng bào người Tày nơi đây.

Vốn văn hóa dân gian phong phú

Ông Ma Thanh Sợi - Bí thư chi bộ bản Rịa xã Nghĩa Đô, người sinh ra và lớn lên trong lòng bản Tày, người dày công sưu tầm văn hóa dân gian Nghĩa Đô, nghệ nhân dân gian cho biết: “Người Tày sinh sống ở Nghĩa Đô từ lâu đời, trong hành trình mưu sinh, đồng bào Tày đã tạo cho mình một vốn văn hóa dân gian vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc”.

Vốn văn hóa dân gian ở Nghĩa Đô bao gồm văn học dân gian gồm hàng trăm câu tục ngữ, câu đố, câu hát đồng dao, truyện cổ. Văn hóa tín ngưỡng tâm linh gồm các bài cúng, tang ma, các phong tục tập quán. Văn hóa âm nhạc dân gian gồm hát ru, hát then. Hiện tại, ông Ma Thanh Sợi đã sưu tầm được 18 truyện cổ, 222 câu đố, các phong tục làm nhà, cưới, sinh đẻ, các món ăn, các loại bánh, tập quán hái lá thuốc chữa bệnh... Ông còn dành nhiều công sức nghiên cứu lịch sử ngôi đền thiêng thờ chúa Bầu dưới chân núi Khau Rịa ở Nghĩa Đô.

Tập sưu tầm nghiên cứu của ông đã dày tới 2.760 trang chép tay và đã được in thành sách sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Nghĩa Đô. Những năm gần đây, nhiều sinh viên là người Lào Cai đã thực hiện nghiên cứu văn hóa dân gian Nghĩa Đô trên nhiều lĩnh vực như tang ma, phong tục làm nhà sàn, hát then, văn học, lễ hội xuống đồng, lễ ăn cơm mới… với nhiều công trình như luận văn, khóa luận tốt nghiệp.

Đối với đồng bào Tày Nghĩa Đô, nhà sàn là biểu tượng thiêng liêng và là không gian văn hóa truyền thống, thiêng liêng nơi đây. Không gian ấm áp ấy chất chứa biết bao phong tục, tập quán của cư dân Tày vùng này. Hiện nay, Nghĩa Đô có trên 200 ngôi nhà sàn quần tụ dưới thung lũng, bên bờ suối Nậm Luông. Đó là biểu tượng của nét văn hóa bản địa giàu bản sắc. Người Tày Nghĩa Đô còn có nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ lâu đời. Khi con gái về nhà chồng thì phải biết thêu thùa, dệt gối, dệt chăn bằng thổ cẩm để mang về nhà chồng. Những tấm thổ cẩm hoa văn mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Nỗi lo của những “truyền nhân”

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi giờ đã trên 80 tuổi, cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng vì nếu một ngày kia thế hệ già chết đi thì sẽ mang theo cả “kho báu” của người Tày xuống lòng đất. Và thế là cháu con chẳng biết gì hết về văn hóa của mình”. Đó chính là động lực để ông Sợi hy sinh cả lợi ích riêng tư, thời gian và công việc gia đình để ngày đêm ghi chép theo chí nhớ của mình về những gì mà Nghĩa Đô có được. Ông Sợi cho biết, suốt những năm qua, ông đã lục tìm lại trong trí nhớ của mình rồi ghi chép lại được hàng ngàn câu tục ngữ, những câu chuyện cổ của người Tày, hơn 300 lời hát ru chính gốc của người bản địa. Ông còn tìm ra sự độc đáo của câu nói Tày Nghĩa Đô mà không nơi nào có được.

Đồng hành với ông Ma Thanh Sợi, bà Hoàng Thị Than - dân tộc Tày, đã bước vào tuổi 78 nhưng bà vẫn kiên trì lưu giữ những bài thuốc cứu người mà chỉ bà mới biết được. Ở cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi dưỡng già, vậy mà, cứ ngày qua ngày, bà lại “tay dao, tay thuổng” trèo đèo, lội suối, vào rừng sâu để tìm lá thuốc. Bí quyết hái thuốc chữa bệnh được bà Than lưu giữ đã hơn 40 năm nay ở bản Tày.

Không chỉ có riêng ông Sợi, bà Than mà còn nhiều những tấm gương người già khác đã và đang ngày đêm tìm lại kho báu văn hóa dân gian của người bản mình. Điều tâm niệm của họ là không phải tìm lại những giá trị ấy để làm giàu cho bản thân hay gia đình mình mà điều cao cả hơn đó là giữ lại và lưu truyền những giá trị mà người Tày Nghĩa Đô có được trong bao thế kỉ qua.

Gắn với giáo dục và du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, các nhà trường ở Nghĩa Đô đã đưa văn hóa dân gian cổ truyền vào các hoạt động ngoại khóa. Nhằm hướng học sinh đến những giá trị văn hóa bản địa, từ đó giáo dục tình yêu quê hương xứ sở cho các em, các nhà trường đã lồng ghép tổ chức cho học sinh thực hành các nét văn hóa bản Tày như hát then, biểu diễn trang phục Tày, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy…

Tại các buổi ngoại khóa, các nhà trường đã chủ động mời các nghệ nhân đã sưu tầm và thuộc nhiều bài then cổ đến nói chuyện về nguồn gốc, giá trị và việc diễn xướng của hát then. Khi đưa câu then và văn hóa dân gian Tày vào hoạt động giáo dục ở các nhà trường trên địa bàn xã Nghĩa Đô, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của văn hóa bản địa trong đời sống của đồng bào Tày từ bao đời nay. Từ đó, các em thêm yêu, thêm gắn bó và có ý thức giữ gìn vốn văn hóa bản Tày.

Trong xu hướng phát triển du lịch Tây Bắc, những năm gần đây, xã Nghĩa Đô đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc giữ gìn và phát triển vốn văn hóa bản địa trong các bản làng Tày. Chương trình du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô bao gồm du lịch làng bản, ẩm thực, văn hóa dân gian và sinh thái.

Nhờ có chương trình phát triển du lịch cộng đồng, đồng bào Tày Nghĩa Đô đã đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa cổ truyền; đồng thời, không ngừng sáng tạo để làm giàu thêm vốn văn hóa nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.