Người có án tích về dụ dỗ trẻ vị thành niên không được nhận nuôi con nuôi

Người có án tích về dụ dỗ trẻ vị thành niên không được nhận nuôi con nuôi

Đảm bảo cho trẻ em bị bỏ rơi có điều kiện được chăm sóc tốt nhất

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) băn khoăn, Dự thảo luật quy định: "chỉ cho làm con nuôi nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước". Nếu ở một quốc gia nào đó mà có số lượng trẻ em người Việt Nam được nhận làm con nuôi quá đông, thì người nước ngoài người ta sẽ nghĩ gì khi trong văn bản pháp luật quy định như vậy. Cho nên, tôi đề nghị để đảm bảo cho mục đích tối cao của chúng ta trong vấn đề này, phải bảo đảm cho trẻ em bị bỏ rơi có nơi chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất, chúng ta nên bổ sung quy định này thay thế cho Khoản 3 nói là: "khi người Việt Nam không nhận mới giao cho người nước ngoài". Theo tôi, thay thế bằng một khoản: "bảo đảm cho trẻ em bị bỏ rơi có nơi chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất để cho nước ngoài không có những sự đánh giá sai về việc cho trẻ em ở nước ngoài".

Bà Khánh cho biết thêm, thực tế những năm qua, việc giải quyết nuôi con nuôi trẻ em Việt Nam đối với người nước ngoài, là những người hoạt động xã hội hoặc những người nổi tiếng về hoạt động văn hóa, nghệ thuật hay những người hoạt động xã hội có tên tuổi trên thế giới chưa được chú trọng, cho nên trong quy định của chúng ta mang tính chung chung tức là người nước ngoài nói chung. Đến khi có những nhân vật như vậy xuất hiện ở Việt Nam để xin trẻ em là người nước ngoài thì ở các cấp, nhất là các địa phương người ta không phân biệt, cứ áp dụng một cách máy móc những quy định này làm cho quan hệ ngoại giao của chúng ta trở lên khó khăn.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An) cho biết, việc làm con nuôi, quyền nhận con nuôi và làm con nuôi là xuất phát từ tình cảm con người với con người, đã là con người với con người thì dù nước ngoài hay người trong nước, đều mang tình cảm như nhau, không có lý gì chỉ có người trong nước không ai nuôi thì mới cho người nước ngoài. Cũng có người nói với tôi rằng người nước ngoài nuôi rủi ro cho con nuôi hơn người trong nước, điều này chưa hẳn như vậy. Trong thực tế đã có con em được người nước ngoài nuôi nay đã trở thành chính khách có tên tuổi trên thể giới. Khoản 3 này còn mâu thuẫn với Khoản 2 của Điều 4 là việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền tự nguyện và bảo đảm quyền lợi. Vậy thử hỏi khi một đứa trẻ tự nguyện, bình đẳng nhận người nước ngoài làm cha mẹ nuôi vậy có cần phải chờ đến khi không còn gia đình thay thế trong nước hay không? Vậy Khoản 3 của Điều 4 theo tôi chưa hợp lý và còn mâu thuẫn.

Người có án tích về dụ dỗ trẻ vị thành niên không được nhận nuôi con nuôi ảnh 1
Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết (lạng Sơn) cho rằng không nên để người có án tích về dụ dỗ trẻ vị thành niên nhận nuôi con nuôi.

Ngoài ra, trong thực tế, nhiều nhà dòng, nhà chùa còn nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, trước cửa nhà dòng và họ nuôi đến khi khôn lớn trở thành sư, tiểu, có khi trở thành người trụ trì của nhà chùa, nhà dòng. Vậy trong luật pháp cũng cần ghi rõ đây là cơ sở giáo dưỡng hay là con nuôi của nhà chùa, nhà dòng và ai sẽ là cha của đứa trẻ, thủ tục của nó phải như thế nào.

“Luật nuôi con nuôi không ngoài mục đích để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của những đứa trẻ cơ nhỡ. Nhà nước cũng đã có Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Vậy dù không phải là luật nhưng thông qua đây tôi mong muốn Nhà nước nên quan tâm tổ chức những cơ sở giáo dưỡng, những trẻ em cần phải nương tựa, biết đâu những trẻ em này sẽ trở thành nhân tài cho đất nước” - đại biểu Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Người có án tích về dụ dỗ trẻ vị thành niên không được nhận nuôi con nuôi

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho biết, về điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi ở Điều 14. Khoản 2, Điều 14 này có nói: người chưa được xóa án tích về một trong các tội như xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm người khác, ngược đãi ông bà, cha mẹ... ép buộc dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội và mua bán đánh tráo trẻ em thì không được nhận nuôi con nuôi. “Tôi hiểu rằng quy định như thế có nghĩa là ai đã được xóa án tích thì được nuôi con nuôi, tôi cho là điều này không nên. Bởi vì một người đã phạm những tội như thế, nhất là dụ dỗ, ép buộc người vị thành niên phạm tội rồi mua bán, chiếm đoạt, đánh tráo trẻ em thì chỉ sau một vài năm tòa án xử không tái phạm là được xóa án tích, liệu người ta có thay đổi được bản chất hay không? Tôi cho rằng không nên để những người này nuôi con nuôi” – ông Thuyến nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phân tích thêm, nếu xét về khía cạnh nhân văn cũng có phần nào không được nhân văn lắm nhưng xét về khía cạnh thực hiện mục đích nuôi con nuôi vì quyền lợi trẻ em chứ không phải vì để những người này đỡ cô đơn lúc tuổi già mà chúng ta cho nuôi con nuôi thì tôi cho rằng không nên để cho những người đã có án tích, thậm chí có tiền sự những tội này được nuôi con nuôi.

Chúng ta quy định phải trả thù lao hợp lý cho nhân viên cơ sở nuôi dưỡng, thì thế nào là hợp lý và như thế này thì liệu có vi phạm Công ước quốc tế không? “Theo tôi trong trường hợp đối với người nước ngoài nuôi trẻ em Việt Nam thì nên thu một khoản ký quỹ để đảm bảo anh thực hiện Điều 39 là phải báo cáo với cơ quan ngoại giao Việt Nam và Bộ Tư pháp Việt Nam về tình hình của con nuôi trong vòng 3 năm đầu. Anh phải nộp một khoản ký quỹ nếu anh không thực hiện được cam kết quy định tại Điều 39 thì anh mất khoản tiền ký quỹ này, còn nếu anh thực hiện được thì sau 3 năm tôi trả anh” – đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ