7 tuổi mồ côi cha mẹ
Chị Y Lững (37 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Kon Tu Kơ Pơng, xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum (Kon Tum). Năm lên 2, Y Lững mồ côi mẹ. 5 năm sau, người cha cũng bỏ cô con gái nhỏ mà đi. Khi đó, Lững chỉ biết nương nhờ vào người cô. Nhưng do khó khăn nên cô của Lững đành gửi cháu vào cô nhi viện. Những ngày ở đây, cho dù được chăm sóc chu đáo, có bạn bè vui chơi nhưng Lững chưa khi nào nguôi nỗi nhớ gia đình.
Tại cô nhi viện, Lững dạy cho các em nhỏ biết đọc, biết viết. Việc dạy học khiến ước mơ trở thành cô giáo của Lững ngày một mãnh liệt hơn. Sau khi tốt nghiệp THPT, do không có điều kiện học đại học nên Lững rời cô nhi viện tìm việc làm trang trải cuộc sống và lập gia đình. Hai vợ chồng dựng tạm căn chòi nhỏ ở góc vườn của bố mẹ để lại sống qua ngày.
"Từ nhỏ mình đã mồ côi, sống thiếu tình thương của cả cha lẫn mẹ nên hiểu rõ nỗi tủi khổ của những đứa trẻ bất hạnh. Mặc dù cuộc sống không dư dả nhưng khi gặp những đứa trẻ mồ côi mình thấy thương vô cùng. Khi đó ký ức ngày xưa lại ùa về. Mình muốn nhận nuôi những đứa trẻ ấy để cho chúng hơi ấm gia đình và trả ơn trời", chị Lững chia sẻ.
Nhìn "đàn con" đang nô đùa trước sân, chị Lững nhớ vào năm 2008, trên đường lên rẫy thì gặp một đám tang. Theo tập tục của người Bana, chị dừng xe vào nhà thắp cho người đã khuất nén nhang. Vừa bước vào nhà, chị đã nghe tiếng đứa con của sản phụ đã mất khóc ngặt nghẽo. Người Bana quan niệm, khi người mẹ qua đời thì đứa trẻ vừa sinh ra phải chôn cùng. Nếu không sẽ mang đến điều xui xẻo cho dân làng, thần linh sẽ phạt tội.
Nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn bị bỏ đói, chị Lững vô cùng thương xót nên đã ngỏ ý xin gia đình đưa về nuôi. Tuy nhiên, ý định của chị bị dân làng kịch liệt phản đối, bởi mọi người không muốn gặp phải tai họa. Nhìn đứa trẻ thoi thóp chị Lững liền quỳ xuống xin dân làng để mang đưa bé về và nhận chịu tất cả tai họa thay cho dân làng. Sau một hồi lâu, dân làng cũng mủi lòng. Cha đứa trẻ bế con lên rồi trao vào tay chị Y Lững. Không mảy may suy nghĩ, chị vội bế đứa bé về chăm sóc, nuôi dưỡng. Đứa trẻ may mắn sống sót và lớn lên từng ngày nhờ nước cơm, mật ong và tình yêu của vợ chồng chị Lững.
Hạnh phúc của người mẹ
Không chỉ nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh, có trường hợp bà mẹ bị bạo hành cũng tìm đến chị Lững để nương nhờ. Nhiều hoàn cảnh cơ cực tìm đến chị Lững đều giúp đỡ mà chẳng ngại khó, ngại khổ. Hiểu và cảm thông cho vợ, chồng chị Y Lững cũng chung tay xây dựng mái ấm chở che cho những mảnh đời bất hạnh.
"Mỗi cháu bé đến đây đều có hoàn cảnh đáng thương. Có cháu mồ côi, có cháu gia đình khó khăn không đủ điều kiện nuôi dưỡng. Tuy vợ chồng mình không giàu nhưng muốn cho các cháu được ăn học như bạn bè cùng trang lứa. May mắn, 52 cháu mà vợ chồng mình nuôi dưỡng đều ngoan ngoãn. Có những cháu đang đi học, có một số đã trưởng thành, đi làm và lập gia đình", chị Lững tâm sự.
Đông người, kéo theo chi phí sinh hoạt của gia đình tăng lên. Chỉ riêng tiền ăn uống, chỉ Lững nhẩm tính mỗi ngày ngót nghét hơn 500.000 đồng. Chưa kể tiền xăng xe, ăn sáng cho "các con" chị. Mặc dù 2 vợ chồng chăm chỉ làm lụng, ai thuê gì cũng nhận nhưng vẫn chẳng đủ chi phí cho cả đại gia đình.
"Tuy nghèo nhưng nếu có hoàn cảnh nào bất hạnh tìm đến mình vẫn sẽ nhận nuôi. Cả nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Mỗi người nhường nhau một chút thì không đói được. Mình mong các con sau này lớn lên sẽ biết yêu thương, quý trọng mọi người. Nếu có thể hãy giúp đỡ những người khó khăn, những mảnh đời bất hạnh", chị Lững nói.
Tuy khó khăn là thế, nhưng vợ chồng chị vẫn động viên nhau cố gắng mỗi ngày. Từng ngày trôi qua thấy các con lớn khôn, thành người là động lực để anh chị tiếp tục nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh.
Ông Đào Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa cho biết, chị Y Lững là một công dân tốt tại địa phương. Chị Y Lững đã cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và giúp đỡ những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Theo ông Hậu, việc làm của chị Lững rất tốt, có ý nghĩa đối với xã hội, đáng được tuyên dương để nhiều người noi theo. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị đang hướng dẫn cho chị Lững hoàn thành các thủ tục pháp lý để được cơ quan chức năng hỗ trợ.
“3 trong số những đứa trẻ mình nuôi dưỡng đã bước vào cánh cửa trường đại học. Sau này tương lai chúng sẽ tươi sáng, hạnh phúc hơn. Hàng chục đứa trẻ khác cũng đã trưởng thành, lập gia đình và quay về phụ giúp mình chăm lo cho mái ấm. Vợ chồng mình chỉ cần thấy các con khỏe mạnh, có lòng thương người là hạnh phúc lắm rồi” - chị Y Lững rạng ngời chia sẻ.