Người chắp cánh ước mơ

GD&TĐ - Vào một dịp đi công tác tôi có cơ hội trở lại ngôi trường năm xưa. Cảnh vật thay đổi rất nhiều, giữa không gian yên ắng của buổi chiều cuối đông cành bàng đã chút hết lá nhường chỗ cho những mầm xanh đâm chồi chuẩn bị chào đón mùa xuân đến. 

Người chắp cánh ước mơ

Hình ảnh của cô lại hiện ra trước mắt tôi. Bao kí ức trong tôi tràn về với những kỉ niệm của một thời thơ ấu, thầy cô, bạn bè và những kỉ niệm một thời là học sinh vẫn in đậm trong trái tim tôi không bao giờ lãng quên.

Tôi còn nhớ lúc nhỏ tôi là một cô bé ốm yếu, bệnh tật. Năm tôi 4 tuổi, một đợt dịch bệnh vô cùng khủng khiếp xảy ra. Tôi bị bệnh “kiết lị” bố mẹ đưa tôi đến bệnh viện điều trị hơn một tháng bệnh ngày càng nặng hơn. Bệnh viện trả về may tôi gặp được thầy lang nên chữa khỏi bệnh.

Tôi lớn lên với thân hình gầy guộc do điều trị kháng sinh liều cao, nói thì ngọng líu, ngọng lô. Năm học lớp 1 tôi rất sợ đến trường, một phần là tôi nói ngọng không đọc được chữ bị chúng bạn chê cười nên buổi đi buổi nghỉ. Lớp học của tôi nho nhỏ nằm bên rặng tre xanh đầu làng. Cột nhà làm bằng cây mai, mái lợp bằng ranh, vách nứa. Bảng đen được ghép bởi ba, bốn tấm gỗ. Thi thoảng chúng tôi kiếm vài quả bin đèn, hái mấy ngọn rau lang về để sơn bảng. Tôi học yếu quá không được lên lớp 2.

Một năm học nữa lại đến, ngày khai giảng tôi đã trốn lên nương. Thoắt cái tôi đã nghỉ học một tuần bố mẹ khuyên bảo thế nào tôi cũng không đi. Bố tôi đã phải dùng roi vụt vào mông rồi lôi tôi đến lớp. Vừa nghe thấy tiếng khóc cô giáo đã bước ra đứng sững nhìn tôi đứa trẻ lấm lem quần áo, đầu tóc thì xõa xượi, hai hàng nước mắt chảy dài. Cô chạy đến gần đỡ tôi đứng lên và nói với bố tôi! “Có phải em Hằng đây không bác”. Cô ra hiệu mời bố tôi về. Tôi còn vùng vằng mãi mới bước vào lớp với bao ánh mắt nhìn tò mò, cười nhạo của bạn bè. Cô giáo giới thiệu “đây là bạn Hằng học cùng lớp với các em”. Rồi cô đưa tôi về chỗ ngồi phủi đất cát trên người, lấy khăn lau mặt, chải tóc cho tôi. Cô nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng và khen “nhìn em xinh lắm, chúng ta cùng học bài nhé”.

Vào đầu tiết học cô kể chuyện cười cho chúng tôi nghe. Các bạn lúc thì ngồi im thít mắt tròn xoe, tay khoanh trên bàn, lúc thì cười rộ lên thích thú. Còn tôi cũng đã nín khóc, môi đã nở nụ cười đầu tiên. Giờ học bắt đầu đến lượt tôi đọc biết tôi “ngọng” nên cô đã đọc thật chậm cho tôi đọc theo. Âm “a” thì tôi đọc là “á”, âm “b” thì đọc là “bò”.

Các bạn thì cười khúc khích. Cô đưa mắt nhìn các bạn rồi lớp học lại im lặng. Cô chỉ mỉm cười động viên tôi cố lên. Sau khoảng một tháng chẳng hiểu cô Thuận làm thế nào mà tôi đã thích đi học. Cô ngồi chấm bài tôi trộm nhìn cô, khuôn mặt cô xinh xắn, đôi mắt hiền từ, đôi má ửng hồng dưới ánh nắng của buổi trưa mùa thu. Mái tóc cô bay bay nhờ cơn gió nhẹ lướt qua cửa sổ với mùi hoa rừng thoang thoảng đâu đó.

Thấy tôi ngồi thẫn thờ cô hỏi: “Hằng em không viết bài à”. Cô làm tôi giật bắn mình trả lời ngọng nghịu “ó ạ”. Đến hết giờ học cô cẩn thận buộc lại từng mối lạt, ghim chắc các mảnh vầu để mặt bàn vững chắc hơn. Có khi cô trò cùng chôn lại những chân bàn, ghế đã xiêu vẹo, hỏng nhiều thì gọi bố mẹ chặt vầu làm lại. Nhiều hôm đang học bàn sập cô đến gần nhấc lên bảo “chắc nó cũng già rồi muốn thay đây”.

Năm lên lớp 3 tôi vẫn được học cô. Giờ ra chơi, ngồi trên hòn đá to giữa sân cô trải đầu, bắt chấy cho đám con gái. Bọn con trai đến gần như có sự ghen tị cô bảo “bạn Hà lại đây tóc dài quá rồi để cô tỉa bớt cho”. Ngày đó nghèo khổ lắm, cơm ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc. Cô rất thương chúng tôi có buổi sáng cô còn luộc một nồi sắn to cho chúng tôi ăn. Cái mùi vị thơm thơm, ngầy ngậy ấy đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thèm.

Lúc rảnh rỗi cô lại khâu những chiếc cúc bị đứt, vá chiếc quần rách gối… cho chúng tôi. Ngày mùa đông lạnh buốt, sương sà vào lớp làm bàn ghế ướt sũng. Cô ra kho lương thực xin những bao tải gạo cũ về che xung quanh lớp. Cái lạnh đã bớt đi các bạn ngồi học cũng ấm áp hơn. Khi trời mưa cô trò thi nhau cầm chậu để hứng quanh chỗ dột, cứ chạy chỗ này lại dột chỗ kia cho đến lúc mưa tạnh.

Một hôm đang học ông gió đột nhiên xuất hiện, cô hô chúng tôi chạy ra khỏi lớp. Gió to làm các cột nhà nghiêng ngả, mái gianh sắp rời ra khỏi nóc. Cô cố đứng giữ một cột nhà giường như sợ nó bay mất nhưng gió mạnh quá lớp học của chúng tôi đã bị đổ. Cô đứng đó khóc hu hu miệng mếu máo: “Các con ơi lớp học của chúng ta đổ rồi”. Chúng tôi ôm chân cô cùng khóc. Vài ngày sau bố mẹ chúng tôi đến dựng lên một lớp học mới. Chúng tôi vui lắm vừa chạy xung quanh lớp vừa hát véo von như đàn chim non.

Một hôm, cô đi cùng thầy hiệu trưởng xuống lớp. Mặt cô buồn rầu thầy hiệu trưởng thông báo cô chuyển công tác về làm cán bộ Phòng Giáo dục. Thế là đám trẻ chúng tôi xúm lại ôm lấy cô khóc nức nở. Cô dặn chúng tôi ở lại phải chăm ngoan học giỏi. Chúng tôi chia tay cô trong ngậm ngùi thương nhớ.

Thi thoảng gặp tôi cô đều mỉm cười và hỏi dạo này em học khá hơn chưa. Tôi khoe với cô hôm qua vừa được điểm 10. Cô xoa đầu và nhìn tôi với ánh mắt tươi vui đầy hi vọng vào một ngày mai tươi sáng cô nói “em giỏi lắm cố gắng lên nhé”. Trong lòng tôi rất vui, cô đi trước tôi vẫn đứng đó nhìn cô dáng người nho nhỏ, chân đeo đôi dép quai hậu đã có nhiều miếng vá, chiếc áo bà ba đã bạc màu, cái quần sa tanh đã sờn gấu, bước chân vội vã bên chiếc xe đạp cũ để bắt đầu một ngày mới.

Cô là người có tấm lòng nhân hậu, lúc nào cũng hết lòng chăm lo cho học sinh. Cô coi chúng tôi như những đứa con của mình. Với tôi cô như là người mẹ thứ hai trong cuộc đời. Những gì cô dành cho chúng tôi đã nuôi dưỡng ước mơ của tôi trở thành cô giáo.

Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, chồng cô bị tai biến phải nằm viện dài ngày. Một mình nuôi ba con học hết đại học. Bao khó khăn chồng chất nhưng cô luôn cố gắng vượt qua. Cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô công tác được 37 năm có 27 năm làm cán bộ Phòng Giáo dục và cán bộ quản lí. Nhiều lần cô được nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Thủ tướng Chính phủ và nhận Huy hiệu vì sự nghiệp giáo dục.

Tôi rất ngưỡng mộ cô. Nhìn tấm gương của cô mà tôi đã không ngừng cố gắng vươn lên. Nhiều năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Có lúc cô trò ngồi ôn lại kỉ niệm tôi hỏi “sao ngày xưa lương thấp có 35.000 đồng, vất vả thế mà cô không bỏ nghề. Cô bảo “vì cô yêu thích nghề này từ nhỏ, nếu bỏ thì làm gì có các thế hệ như các em bây giờ”.

Thấm thoát đã gần ba mươi năm trôi đi, mái tóc cô giờ đã bạc nhưng khuôn mặt ấy lúc nào cũng vui tươi tràn đầy sức sống. Cô chính là động lực tiếp sức cho em ngày càng phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường mình đã chọn. Em xin cảm ơn cô “người đã thắp lên tia sáng cho cuộc đời em, giúp em tự tin vững bước trưởng thành”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ