Người biến rác biển thành tranh

GD&TĐ - Từ những cành dừa cạn bị bỏ đi ở dọc bờ biển, khi qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Lê Thanh Hà đã trở thành những bức tranh nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Anh Lê Thanh Hà điêu khắc bằng nước trên giấy dừa.
Anh Lê Thanh Hà điêu khắc bằng nước trên giấy dừa.

Biến rác thành tranh

Chúng tôi gặp Lê Thanh Hà (SN 1978, quê ở Nghệ An) khi anh đang miệt mài xịt nước lên khung tranh đang hoàn thiện. Đây là công đoạn cuối cùng để hoàn thành một bức tranh từ giấy dừa.

Lê Thanh Hà vốn có đam mê nghệ thuật hội họa từ nhỏ và ưa chuộng nguyên liệu từ thiên nhiên. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế, anh bắt đầu lập nghiệp bằng nghề hội họa.

Đến năm 2017, sau thời gian mưu sinh ở miền Bắc, anh Hà quyết định vào TP Đà Nẵng để lập nghiệp. Trong một lần tình cờ chạy xe dọc đường biển từ TP Đà Nẵng vào phố cổ Hội An (Quảng Nam), anh nhìn thấy các khu resort cắt cành dừa cạn trước mùa mưa bão. Ngay lập tức Hà nảy sinh ý tưởng tận dụng cành dừa cạn và biến nó trở thành giấy, từ đó khắc họa nên những tác phẩm nghệ thuật.

Nghĩ là làm, anh Hà thuê một phòng xưởng sau đó bắt đầu học hỏi nghiên cứu cách làm giấy dừa. Cách làm tranh giấy dừa này được anh học hỏi từ phương thức đổ giấy truyền thống của người Mông kết hợp kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước của Nhật Bản.

Tự mày mò, thí nghiệm, sau vài tháng thất bại anh Hà đã thành công với việc làm giấy theo phương thức thủ công truyền thống mà không hề sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.

Anh Hà cho hay, nguyên liệu từ cây dừa rất phong phú, đặc biệt là sạch và thân thiện với môi trường. Để làm nên bột giấy, những công nhân trong xưởng phải chế biến qua nhiều công đoạn.

“Giấy dừa cạn là loại giấy duy nhất có thể trắng được nhờ cách lên men tự nhiên, còn tất cả các loại giấy khác đều phải sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Để làm nên bột giấy, trước hết, cành dừa được cắt chẻ lấy phần ruột trắng ngâm vào nước nấu với vôi trong vòng 24 giờ. Sau đó cho vào máy nghiền nhuyễn đến khi tạo ra bột dừa có độ xơ vừa ý. Phần xơ dừa sau khi xay được ủ lên men từ 10 -17 ngày để tạo độ trắng tự nhiên”, anh Hà bật mí.

Sau khi có được giấy, để tạo nên bức tranh cũng phải qua 10 bước. Đầu tiên là vẽ tay từng họa tiết rồi scan vào trong máy. Sau đó cắt decal và đưa hoa văn lên khung lưới để tạo khuôn giữ nét. Sau khi hoàn thiện khuôn mới bắt đầu đổ bột giấy và khắc vẽ tạo tác trên mặt giấy ướt để làm lớp.

“Quá trình thực hiện, đòi hỏi người thợ phải lật khuôn lên xuống liên tục, có thể lên đến hàng nghìn lần để chỉnh sửa từng lớp khác nhau. Tôi sử dụng vòi nước giống như con dao khắc, làm nên những lớp bột dày mỏng khác nhau tạo sự sáng tối cho một bức tranh”, anh Hà chia sẻ.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, trên một khung lưới, anh Hà lấy một lớp bột dừa đã xay nhuyễn sau đó quét đều lên khung. Kế đến anh dùng hình hoa sen, tượng Phật in trên decal đặt lên lớp bột dừa và cuối cùng là dùng bơm nước xịt vào tấm decal.

Đến khi cảm nhận được nét hằn vừa đủ trên khung, anh Hà tháo tấm decal. Một hình ảnh hoa sen và tượng Phật hiện ra trên khung với tấm bột. Anh chỉnh sửa lại bằng cách giảm nhẹ độ mạnh của vòi xịt nước và hoàn thành bức tranh. Công đoạn tiếp theo là phơi khô, vào khung và lên đèn…

“Tranh giấy dừa là một dạng tranh xuyên sáng nên có thể sáng tự nhiên và xuyên sáng bằng đèn. Thời gian để hoàn thiện một bức tranh nhanh nhất từ 7 - 10 ngày, thậm chí là cả tháng. Khi tạo tác thành hình, bức tranh sẽ đem phơi nắng hoặc sấy. Tôi thường sấy tranh tự nhiên, kết hợp giữa gió và nhiệt phải tản đều để tranh không bị cong và hư. Tuổi thọ của bức tranh kéo dài từ 100 - 300 năm”, anh Hà nói.

Những bức tranh của anh Hà chủ yếu mang đặc trưng văn hóa truyền thống, tâm linh của người Việt lẫn thế giới. Ngoài những bức tranh phong cảnh, tranh liên quan đến đề tài tâm linh, anh Hà còn làm các họa tiết liên quan đến văn hóa vùng miền, văn hóa đặc thù.

“Mình mong muốn đến mọi vùng miền, vẽ những bức tranh văn hóa của nơi đó. Khi nhìn vào mỗi bức tranh, thông qua hình ảnh, hoa văn người xem sẽ nhận ra ngay như: Ở Đà Nẵng có voọc chà vá chân nâu, hoa đào chuông, tượng Phật… Hội An thì có đầu hồi, mắt cửa và văn hóa Chăm…”, anh Hà cho hay.

Tranh giấy dừa được xuyên sáng làm nổi bật thêm họa tiết.

Tranh giấy dừa được xuyên sáng làm nổi bật thêm họa tiết.

Ấp ủ mở lớp truyền nghề

Gần 8 năm theo nghiệp vẽ tranh trên giấy dừa, anh Hà đã bắt đầu gây dựng một xưởng sản xuất tên gọi “Giấy quê tôi - Giấy dừa Đà Nẵng”. Xưởng ở đường Nguyễn Đăng Tuyển, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Bằng việc thuê thu gom cành dừa khô và xử lý quá trình nguyên liệu thô, khu xưởng đã tạo việc làm cho nhiều người dân sinh sống ở xung quanh.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cách vẽ tranh bằng giấy dừa tại xưởng của anh Hà.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cách vẽ tranh bằng giấy dừa tại xưởng của anh Hà.

Chưa dừng lại đó, anh Hà ấp ủ ước muốn mở lớp dạy nghề, truyền nghề cho những người có chung niềm đam mê. Anh tâm niệm, các làng nghề truyền thống đang mai một dần không đơn thuần vì người trẻ không còn thiết tha với nghề truyền thống của cha ông, mà còn vì họ không được chia sẻ bí quyết nghề nghiệp.

“Đối với tôi giữ truyền thống là giữ hồn cốt, giữ cái gốc của mình. Khi tôi tìm hiểu về nghề truyền thống của Việt Nam, điều tôi thấy mất mát nhiều nhất đó là nghề còn nhưng tinh hoa thì đã mất.

Một trong những việc làm mất đi tinh hoa nghề truyền thống là sự giấu nghề và sự độc quyền về nghề. Càng ít sự tinh hoa thì người trẻ họ lại càng ít đi theo hơn, mình muốn mở rộng thì mình phải truyền lại nghề cho những lớp trẻ”, anh Hà bộc bạch.

Năm 2019, tranh giấy dừa của họa sĩ, nghệ nhân Lê Thanh Hà đã vinh dự được lựa chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật Phật giáo thế giới tại Đại Lễ Phật đản Vesak thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ