Tăng huyết áp được xem là sát thủ thầm lặng, gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn người mỗi năm. Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia, có tới 25% người Việt trưởng thành mắc tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Phối Hiền – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3 cho biết, người bệnh thực hiện chế độ ăn uống hợp lý để góp phần điều chỉnh huyết áp, trong đó cần chú ý tới các yếu tố có liên quan đến huyết áp như ăn uống và luyện tập.
Giảm ăn mặn: Theo bác sĩ Hiền natri có ảnh hưởng lớn đối với huyết áp cơ thể. Mức natri có thể tạo ra từ hai nguồn chính: phần cho thêm vào thức ăn như muối, nước mắm,... (phần này phụ thuộc vào khẩu vị của từng người), natri được cho thêm vào trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm như các thực phẩm đóng hộp, hun khói, sấy khô, ướp muối..., phần có sẵn trong thực phẩm.
Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên có chế độ ăn nhiều natri (không quá 2% muối trong thức ăn và 1% muối trong nước uống, hoặc không quá 5,8g/ngày).
Trong thực đơn cần hạn chế các loại thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến công nghệ vì các thực phẩm này thường chứa nhiều muối.
Giảm chất béo: Chất béo (lipid) đây là yếu tố ảnh hưởng tới hệ tim mạch nói chung và huyết áp nói riêng. Những chất béo chứa các acid béo no có ảnh hưởng tới quá trình vữa xơ động mạch (như mỡ bò, mỡ cừu, mỡ lợn).
Những chất béo chứa các acid béo không no (có trong các loại dầu thực vật) không gây hại cho hệ tim mạch, đồng thời người ta nhận thấy các chất béo này còn có khả năng làm tan bớt các mảng vữa xơ.
Những thực phẩm người tăng huyết áp nên tránh. |
Chất béo có hại cho hệ tim mạch nhưng cũng rất cần cho cơ thể, đồng thời là dung môi giúp hòa tan và hấp thu các vitamin cần thiết cho cơ thể như: vitamin A, D, E, K... Đối với người cao tuổi bị tăng huyết áp, không nên thực hiện chế độ kiêng chất béo tuyệt đối mà nên có chế độ ăn giảm béo.
Những thực phẩm có thể sử dụng đối với người cao tuổi tăng huyết áp như lòng đỏ trứng, sữa đã loại bớt chất béo (sữa gầy), sữa chua, mỡ của một số loại gia cầm như gà, vịt ,cá, các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu mè, dầu oliu...). Một số loại thực phẩm chứa chất béo không nên ăn nhiều bao gồm: sữa chua loại bỏ chất béo, bơ, các loại phủ tạng động vật (gan, óc...). Không nên ăn quá 30g lipid/ngày.
Chất đạm: Đây là phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, một chế độ ăn cung cấp đủ protein giúp cơ thể hoạt động có hiệu quả. Người tăng huyết áp không cần hạn chế thịt, cá mà nên sử dụng loại thức ăn này một cách hợp lý. Cá là loại thức ăn tốt cho hệ tim mạch.
Người bệnh nên sử dụng thịt nạc của gia súc gia cầm như trâu, bò, dê, lợn, gà ,vịt, ngan, ngỗng... Ngoài ra, một số loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật cũng là nguồn cung cấp protein rất tốt cho cơ thể như: các loại nấm, các loại đậu, mè, đậu phộng...
Tinh bột: Người bệnh không bỏ tinh bột vì nó cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng ăn đủ theo nhu cầu lao động và sinh hoạt. Nếu chế độ ăn quá nhiều, cơ thể tự động dự trữ chất này tại các mô mỡ dưới dạng lipid, làm tăng lượng lipid trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Tinh bột tốt có trong rất nhiều các loại thực phẩm, chủ yếu là từ ngũ cốc, gạo, lúa mì, củ, các loại quả và sữa... Đối với người tăng huyết áp nên dùng các hạt ngũ cốc nguyên vẹn như gạo tẻ, gạo nếp, khoai củ. Nên hạn chế sử dụng các loại đường, mật ong.
Rau và trái cây: Theo bác sĩ Hiền đây là thực phẩm cần thiết đối với người tăng huyết áp. Loại thức ăn này chứa nhiều kali, hầu như không có natri nên có tác dụng làm giãn mạch, giảm huyết áp.
Các loại rau và trái cây còn chứa nhiều chất xơ, các loại vitamin thiên nhiên và các chất chống oxy hóa, góp phần chống lão hóa, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, giúp thải trừ cholesterol...
Người tăng huyết áp không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng rượu, thuốc lá, cà phê đối với người tăng huyết áp.