Người bác sĩ tỏa sáng ở huyện miền núi vùng cao

GD&TĐ - Đến huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về những người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh điều đó làm cho tôi thật sự xúc động, rất muốn được một lần lên để trực tiếp chứng kiến.

Người bác sĩ tỏa sáng  ở huyện miền núi  vùng cao

Thế là tôi quyết tâm lên vùng cao Phước Chánh, huyện Phước Sơn. họ là những bác sĩ trẻ vùng cao hết lòng vì người bệnh, đã nỗ lực xóa đi những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ ngàn đời trong đời sống đồng bào các dân tộc ít người. Đó là bác sĩ Nguyễn Văn Biền, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực 5 xã vùng cao tại xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn.

Bác sĩ “thắng” thầy mo, Pà dâu

Công tác tại Phòng khám đa khoa khu vực cụm vùng cao xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, anh Biền được mệnh danh là “khắc tinh của thầy mo, pà dâu” ở các xã vùng cao này. Bởi mỗi khi nghe người bệnh không chịu đến cơ sở y tế để khám và điều trị mà ở nhà cúng bái là bác sĩ Biền liền tìm đến nhà động viên để đưa đi khám.

Bác sĩ Biền nhớ lại: Cách đây 3 năm, một bệnh nhân nam 47 tuổi bị đau thận. Lúc đó, anh đi với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Mênh đến vận động khi đến đầu ngõ đã bị chặn, họ không cho ai vào.

Biết sự việc không tốt, anh Biền trao đổi với đồng chí Chủ tịch rồi quyết định phá rào để vào nhà. Lúc này, pà dâu đang cúng nhưng anh vẫn tiến hành khám và chẩn đoán bệnh, đưa thuốc cho bệnh nhân uống. Sau đó bệnh nhân bớt đau, ngồi dậy uống rượu như thường.

Cùng lúc này, pà dâu âm thầm thu dọn đồ ra về với vẻ mặt đầy căm giận chàng bác sĩ trẻ này. Từ đó, mọi người dân trong làng bản ngày càng tin tưởng vào bác sĩ Biền. Nhiều người còn tự nguyện làm giám sát viên, khi thấy người dân cúng bái mỗi khi bị bệnh thì liền lén lên trạm báo với anh để xuống can thiệp giúp. Với sự tin tưởng và giúp đỡ của dân làng, anh Biền không ít lần cứu sống nhiều ca trẻ em bị sốt, sản phụ suy nhược sau sinh, sốt rét…

Một lần nọ, có bệnh nhân trong xã bị tăng huyết áp, tay, chân, miệng co cứng, nhưng người nhà vẫn tin vào thầy cúng, pà dâu. Lúc ấy, cùng với sự hỗ trợ của một số thanh niên, anh Biền mạnh dạn xông vào nói lớn: “Nếu không khám, chữa bệnh, bệnh nhân sẽ chết đấy!”. Lời nói rắn rỏi của anh khiến ông thầy cúng không thể tiếp tục làm trò lừa bịp dân làng.

Sau khi cho dùng thuốc, bệnh nhân dần tỉnh lại và được đưa xuống Phòng khám để điều trị và khỏe mạnh ngay sau đó. Thế là dân làng kháo nhau: “Nay có bác sĩ Biền chữa bệnh rồi, mình không tin thầy cúng, pà dâu nữa đâu!”

Những ngày mới lên nhận công tác trưởng Phòng khám đa khoa khu vực xã, bác sĩ Biền không ngần ngại trở thành “Phòng khám đa khoa di động”, “cõng” thuốc men và túi dụng cụ y tế trên vai để đến từng nhà dân trong bản chữa bệnh cứu người.

Nhưng rồi, ngày ấy dân bản vẫn đặt thầy mo, pà dâu trên các y, bác sĩ một bậc. Điều đó càng khiến cho anh Biền ngày đêm trăn trở, vì không thể để người dân mãi tin vào những hủ tục lạc hậu đó được. Thế là, anh Biền kiên trì bám dân để tuyên truyền vận động, mặc dù có không ít lần anh bị dân bản xua đuổi.

Sau hàng chục lần đưa người bệnh thoát khỏi cái chết vì bệnh tật, người dân ở các xã vùng cao của huyện Phước Sơn đã dành mọi sự yêu thương, quý trọng cho anh. “Người bác sĩ ở vùng cao này làm được những điều đó là quá hạnh phúc rồi”, anh Biền tâm sự.

Anh quê ở tỉnh Thái Nguyên, tuổi thơ của Biền đã được chứng kiến nhiều trường hợp người dân chết vì không được cứu chữa kịp thời. Nuôi ước mơ làm bác sĩ, tốt nghiệp cấp 3 anh theo học tại Trường trung cấp Y tế Thái Nguyên. Sau khi ra trường, anh về công tác tại Phòng khám đa khoa khu vực xã Phước Chánh, sau đó anh được cử đi học bác sĩ tại Trường Đại học Y Dược Huế, sau hơn 4 năm ngồi trên ghế nhà trường tốt nghiệp trở về Phước Sơn công tác. Đến nay, anh đã có thâm niên 15 năm cắm bản.

Và anh cũng đã tìm được một nửa còn lại của đời mình là Y sĩ Mai Thị Anh, nhân viên phòng khám đa khoa xã Phước Chánh. Dù hoàn cảnh gia đình đôi lúc còn gặp những khó khăn, vất vả nhưng anh luôn nở nụ cười trên môi khiến nỗi đau bệnh tật của người dân vùng cao này đã vơi đi bớt phần nào.

Giỏi việc công, khó việc nhà

Không kém cạnh chồng, Y sĩ Mai Thị Anh, nhân viên Phòng khám đa khoa khu vực xã cũng được mệnh danh là y sĩ “mát tay”, với thành tích đỡ đẻ nhiều ca bệnh khó. Đảm đương trọng trách phòng sản, chị bận rộn như chăm con mọn. Trừ những bệnh nhân nặng, chứ những trường hợp xử lý được chị đều nỗ lực chăm sóc, điều trị tại trạm. Chị tâm niệm: “Nếu bệnh nhân nặng nhẹ đều chuyển lên tuyến trên thì sinh ra Phòng khám đa khoa khu vực cụm xã vùng cao để làm gì? Vả lại, ai cũng làm thế thì bệnh viện đa khoa huyện quá tải mất thôi”.

Chị Anh không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giỏi trong công tác tuyên truyền vận động. Đơn cử như chuyện khám thai định kỳ, tưởng chừng là đơn giản nhưng với chị em phụ nữ vùng cao là cuộc vận động tốn nhiều thời gian và công sức nhất.

Đến vận động chị em đi siêu âm, khám thai nhiều bà mẹ ngăn cản. “Ngày xưa đẻ 7 - 8 đứa con tao đâu có cần khám xét gì đâu, sao bây giờ cứ đến bắt con gái tao ra trạm để khám hoài vậy?”. Nhưng rồi chị cùng cán bộ y tế của phòng khám vẫn miệt mài đi gõ cửa từng nhà để vận động, thuyết phục thay đổi cách suy nghĩ của bà con.

Mưa dầm thấm lâu, đến nay, chị em phụ nữ trong xã đã hạn chế được tình trạng đẻ tại nhà, thường xuyên đến phòng khám để khám thai định kỳ. Mới đây chị đã tiên lượng kịp thời, hỗ trợ chuyển lên tuyến trên thành công cho sản phụ sinh khó phải mổ.

Cùng quê ở tỉnh Thái Nguyên, nhưng y sĩ Anh đã cùng chồng bén duyên với vùng đất khó này. Hạnh phúc ngọt ngào của vợ chồng chị là có hai đứa con, 01 trai, 01 gái dễ thương. Chị bảo: Công việc ở phòng khám khá bận rộn là thế mà mình không thấy khó, thấy khổ, nhưng hễ về nhà là mình thấy khó. Khó là vì mình không chu toàn chăm sóc cho con cái, phải cậy nhờ bà ngoại trông giúp. Đứa con gái thứ hai của chị nay đã được 18 tháng, nhiều lúc trực ở phòng khám, chồng lại công tác ở Phòng khám nên chị bồng con vào phòng khám để tiện việc chăm sóc.

Ngoài giờ làm việc ở Phòng khám đa khoa khu vực xã, vợ chồng chị còn khám miễn phí cho bà con dân bản tại nhà riêng. “Đã là bệnh thì làm sao chọn lúc đau vào giờ hành chính được. Mình bỏ chút ít thời gian, công sức để chữa bệnh ngoài giờ cho dân bản vậy. Nghiệp thầy thuốc là vậy mà!”, chị Anh bộc bạch.

Nhà gần phòng khám khu vực nên nhiều lúc đang nửa đêm, có ca bệnh đột xuất vợ chồng chị lại chạy sang phòng khám để hỗ trợ cho nhân viên y tế cấp cứu người bệnh. “Người dân nay đã có ý thức rất cao trong việc đến trạm y tế để khám, chữa bệnh. Thậm chí, mấy ông thầy mo, pà dâu cũng gạt lòng sĩ diện sang một bên để đến bệnh viện khi đau ốm rồi đấy. Mình hạnh phúc lắm”, chị Anh nhìn chồng rồi chia sẻ trong niềm hạnh phúc!

Những công việc thầm lặng như “con ong chăm chỉ” dâng mật cho đời của vợ chồng bác sĩ, y sĩ vùng cao Nguyễn Văn Biền- Mai Thị Anh là một hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế cơ sở công tác nơi thâm cung cùng cốc. Họ là những người gần dân, bám dân nhất, với cái tâm giàu y đức luôn tỏa sáng nơi núi rừng vùng cao nằm về phía Tây, trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ