Người bắc nhịp cầu hữu nghị Việt - Nhật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm đầu của thập niên 1990, sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Nhật Bản, dù đã được tiếp nhận ở lại làm việc nhưng GS.TS Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng quyết định trở về Việt Nam khi nghe những phân tích rất thấm thía của thầy hướng dẫn người Nhật.

GS.TS Trần Văn Nam (trái) trong lễ phong tặng Tiến sĩ danh dự của trường ĐH Công nghệ Nagaoka – NUT.
GS.TS Trần Văn Nam (trái) trong lễ phong tặng Tiến sĩ danh dự của trường ĐH Công nghệ Nagaoka – NUT.

Kể từ đó, trên các cương vị công tác, GS.TS Trần Văn Nam đã thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các trường ĐH và cả các địa phương ở Nhật Bản góp phần thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại trường và giúp ích được cho rất nhiều các bạn trẻ.

Hạt gửi mùa sau…

GS.TS Trần Văn Nam là người Việt Nam thứ 5 sau GS Nguyễn Minh Hiển - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS Hoàng Văn Phong - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, GS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và PGS Trần Quốc Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN được Trường Đại học Công nghệ Nagaoka – NUT (Nhật Bản) phong tặng bằng Tiến sĩ danh dự. Trước đó, năm 2014, ông là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự đón nhận danh hiệu TS danh dự của Trường ĐH Quốc gia Yokohama danh tiếng của Nhật Bản.

Theo như đánh giá của Hội đồng Giáo sư và Hội đồng khoa học của NUT, GS.TS Trần Văn Nam là người xây dựng và theo dõi chương trình 2,5+2 (Twinning Program, TP) ngay từ khi mới khởi xướng, triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, tham gia và cử giảng viên tham gia một số hội nghị quốc tế do NUT tổ chức, tiến cử những giảng viên xuất sắc thi và trúng tuyển học bổng của Chính phủ Nhật Bản, đóng góp một phần cho thành công của NUT phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

GS.TS Trần Văn Nam (trái) được trao tặng Tiến sĩ danh dự của trường ĐH Quốc gia Yokohama.
GS.TS Trần Văn Nam (trái) được trao tặng Tiến sĩ danh dự của trường ĐH Quốc gia Yokohama.

ĐH Đà Nẵng có 8 nghiên cứu sinh là giảng viên làm Tiến sĩ tại NUT theo học bổng của Chính phủ Nhật Bản (học bổng MEXT). Những sinh viên của Việt Nam nói chung, sinh viên ĐH Đà Nẵng nói riêng theo học chương trình này 100% có việc làm tại các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản và được đánh giá rất cao, hoặc học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Một số giảng viên của ĐH Đà Nẵng đã nhận được học bổng MEXT được NUT tuyển trực tiếp, không cần thông qua Đại sứ quán, do Giám đốc ĐH Đà Nẵng viết thư tiến cử.

GS.TS Trần Văn Nam kể rằng, những năm đầu thập niên 1990, sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Nhật Bản, ông quyết định ở lại làm việc cho một hãng sản xuất máy nông nghiệp.

“Một ngày trước khi tôi rời phòng nghiên cứu, thầy gọi tôi lên và nói rằng đã gửi những nhận xét và đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn, ý thức kỷ luật và sự tận tụy trong công việc của tôi. Tuy nhiên, trước khi tôi đi, ông có 3 điều muốn nói. Thứ nhất, chính phủ Nhật Bản cấp học bổng cho tôi là để đào tạo giảng viên cho Việt Nam, giúp Việt Nam có được đội ngũ giảng viên giỏi để phát triển, truyền đạt lại cho thế hệ trẻ chứ không phải đào tạo để phục vụ nước Nhật. Việt Nam cần tôi hơn là Nhật Bản cần và nếu ở lại làm việc, tôi đã làm sai với cam kết ban đầu. Thứ hai, nếu về Việt Nam, tôi sẽ là đối tác hợp tác sau này, có thể góp sức mình để phát triển Việt Nam. Trong trường hợp tôi ở lại Nhật Bản, rất khó để có thể trở thành một công dân Nhật thực thụ, nguồn gốc của mình là điều vô cùng quan trọng, nhất là khi về già…” – GS Nam kể.

Từ lời khuyên chí tình của người thầy, GS Nam về nước, công tác tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, vẫn duy trì kết nối với trường ĐH và người thầy đáng kính thông qua những hợp tác quốc tế và cả tình cảm cá nhân. Đến bây giờ, ĐH Đà Nẵng đã là đối tác của 52 trường ĐH Nhật Bản trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó có những trường ĐH hàng đầu như ĐH Kyoto, ĐH Tokyo, ĐH Yokahama, ĐH Tsukuba, ĐH Osaka, ĐH Kobe, ĐH Kanazawa, ĐH Kita Kyushu, ĐH Tokushima…

Ông Takahashi (giữa) cùng GS.TS Trần Văn Nam (bìa trái) và thầy Hiệu trưởng Lê Quốc Hà trước di ảnh của con gái được đặt phòng truyền thống của Trường Tiểu học Junko trong chuyến thăm trường vào năm 2019.
Ông Takahashi (giữa) cùng GS.TS Trần Văn Nam (bìa trái) và thầy Hiệu trưởng Lê Quốc Hà trước di ảnh của con gái được đặt phòng truyền thống của Trường Tiểu học Junko trong chuyến thăm trường vào năm 2019.

Từ những hợp tác quốc tế này, ĐH Đà Nẵng cũng đã có những kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Bách khoa với vị trí kỹ sư thực thụ…

Câu chuyện của những giáo sư tình nguyện

Trong thời gian đảm nhiệm Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thông qua các hội thảo quốc tế, GS.TS Trần Văn Nam đã kết nối và mời được một số GS từ Nhật Bản về giảng dạy tình nguyện.

Vừa nghỉ Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Kyoto – một trong hai trường ĐH hàng đầu của Nhật Bản, thay vì nhận lời mời giảng dạy tại một số trường ĐH trong nước với mức thù lao rất cao, GS Mori Junichi đã nhận lời mời của ĐH Đà Nẵng, sang giảng dạy tình nguyện tại Trường ĐH Kinh tế trong thời gian hai năm và chỉ nhận mức thù lao như giáo viên người Việt.

GS.TS Trần Văn Nam cho biết: “Từ hoạt động giảng dạy, đào tạo và trao đổi học thuật của GS Mori Junichi tại trường, giảng viên và sinh viên nhà trường đã tiếp thu rất nhiều kiến thức hiện đại, bổ ích, những kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế lẫn giảng dạy”. Theo chồng sang sinh sống tại Việt Nam, phu nhân của GS Mori Junichi đã tổ chức những lớp dạy ngoại khóa về văn hóa Nhật Bản cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ.

GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng và PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tiếp nhận Quỹ học bổng từ GS.TS Yoshiaki Takahashi (năm 2017).
GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng và PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tiếp nhận Quỹ học bổng từ GS.TS Yoshiaki Takahashi (năm 2017).

Trước đó, cố GS.TSYoshiaki Takahashi (Trường ĐH Chuo, Nhật Bản) cũng đã có một thời gian dài gắn bó với Trường ĐH Kinh tế sau thời gian nghỉ hưu. Ngoài tặng 7.000 đầu sách chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh có giá trị bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cho ĐH Đà Nẵng, tại Trường ĐH Kinh tế, còn có một quỹ học bổng của GS.TS Yoshiaki Takahashi với số tiền lên tới 1 tỷ đồng được duy trì trong 5 năm, kể từ năm 2017.

Mới đây nhất, GS Mitsuo Omoteda (ĐH Kobe Giakuin, Nhật Bản) đã chọn Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng làm nơi nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu và chia sẻ học thuật. Trong hơn 1 năm làm việc tại đây, để nghiên cứu về Luật Lao động của Việt Nam và Nhật Bản, GS Mitsuo Omoteda đã đăng 3 bài báo khoa học liên quan đến những đề xuất nhằm chỉ ra những khoảng trống giữa Luật Lao động của Việt Nam và Nhật Bản.

Hay như trên cơ sở hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và thành phố Mimasaka (tỉnh Okayama), từ năm 2015, tòa thị chính thành phố đã tuyển dụng hằng năm một cử nhân tốt nghiệp từ ĐH Đà Nẵng đã và sang làm việc tại tòa thị chính thành phố. Mimasaka cũng ký kết hợp tác với ĐH Đà Nẵng để hỗ trợ du học cho sinh viên tốt nghiệp Điều dưỡng của Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng học một năm tại khoa tiếng Nhật, trường Thể thao Điều dưỡng của thành phố để lấy bằng năng lực tiếng Nhật N1 và sẽ tiếp tục hỗ trợ để các em có thể lấy bằng Y tá điều dưỡng Nhật Bản.

Từ hợp tác với ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia Yokohama đã ký kết hợp tác với chính quyền Đà Nẵng với rất nhiều nội dung như quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị, điện – điện tử, công nghệ cao, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả sử dụng các cầu, tuổi thọ cầu Thuận Phước dưới tác động của gió, biển…

GS.TS Trần Văn Nam góp phần kết nối, đưa dự án Trường Tiểu học Junko về Điện Bàn, Quảng Nam. Phát triển giao lưu hợp tác với Nhật Bản và học bổng cho học sinh một số trường tiểu học, đưa sinh viên của ĐH Đà Nẵng xuất thân từ Tiều học Junko sang du học tại Trường ĐH Minh Trị (trường mà Junko học đại học). Ông cũng xây dựng các Quỹ học bổng của doanh nghiệp dành cho sinh viên: Toyota, Ikeshita, Mabuchi, Shinko Technos, Takemoto Denki, Keidanren, Jesco, …

Mở nhiều lớp tiếng Nhật dành cho sinh viên với sự tài trợ của doanh nghiệp, đặc biệt cho ngành Công nghệ thông tin, Điều dưỡng, Điện tử… Hợp tác với Thành phố Sakai, kết nghĩa với Đà Nẵng, giao lưu trao đổi cán bộ, “đại sứ nhân dân” nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á…

Mô hình đào tạo kỹ thuật thang máy của Công ty ME Inc – chuyên lắp đặt thang máy của Nhật Bản phối hợp với ĐH Đà Nẵng tổ chức các khóa đào tạo miễn phí về kỹ thuật là một điển hình về thành công trong hợp tác nhà trường – doanh nghiệp. Các khóa học được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật. Sau khóa học 3 tháng, những sinh viên đạt yêu cầu sẽ tiếp tục theo học nâng cao thêm 1 năm và làm việc tại công ty Mitsubisi Việt Nam và được tuyển dụng làm việc tại Mitsubisi, Fujitsu và ME Inc (Nhật Bản) nếu đạt yêu cầu. Những sinh viên không đủ điều kiện học tiếp giai đoạn 2 sẽ được ME Inc giới thiệu làm cho các công ty thang máy của Nhật Bản tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.