Khu vực miền Trung hiện nay có 30 trường ĐH công lập (trong đó có 2 ĐH vùng) và 4 trường ĐH tư thục. Theo khảo sát của PGS.TS Lưu Trang và TS Nguyễn Duy Phương (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) thì có 26/34 trường ĐH có hoạt động hợp tác quốc tế).
Thêm nhiều giá trị cộng thêm
PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm nhận xét: “Trong số các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, chương trình trao đổi SV, cử SV đi thực tập tại các nước trên thế giới được nhiều trường ĐH ở miền Trung quan tâm nhất. Hầu hết các trường đều có các chương trình này và đạt những kết quả đáng ghi nhận”.
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) mỗi năm tổ chức cho khoảng 200 – 250 SV đến các nước tham gia chương trình trao đổi, nhất là tại các trường ĐH của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Ở chiều ngược lại, mỗi năm Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) tiếp nhận từ 50 – 80 SV nước ngoài đến học tập hoặc trao đổi văn hóa. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng có nhiều chương trình trao đổi SV khá phong phú và hiệu quả.
SV quốc tế đến từ Hàn Quốc, Canada, Mỹ… thường xuyên đến học tập tại trường theo các chương trình trao đổi ngắn hạn giữa hai bên. Trong khuôn khổ chương trình Erasmus Plus do Cộng đồng Châu Âu tài trợ, trường ĐH Vinh đã hợp tác với hai trường ĐH ở Ba Lan. Nhà trường đã cử 21 giảng viên, SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia chương trình, tiếp nhận 10 giảng viên của 2 trường này đến giảng dạy. ĐH Duy Tân ký kết hợp tác với 4 trường ĐH Hàn Quốc để khai thác các hoạt động trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, SV và giao lưu văn hóa.
Bên cạnh chương trình trao đổi SV, nhiều trường ĐH ở miền Trung cũng đẩy mạnh việc tạo cơ hội cho SV đi thực tập ở nước ngoài. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) có 5 năm tổ chức cho SV đi thực tập tại các nhà máy điện, nhà máy cơ khí, nhà máy sản xuất ethanol, nhà máy phân bón thuộc tập đoàn KTIS của Thái Lan với số lượng tiếp nhận khoảng 30 SV/năm. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) triển khai chương trình đưa SV đi thực tập tại các trường ĐH của Thái Lan như trường ĐH Kỹ thuật Rajamangala, Trường ĐH Chaingmai. Ngoài ra, trường còn hợp tác với Phòng Giáo dục mở rộng thuộc ĐH Phùng Giáp tại Đài Trung, Đài Loan đưa SV đi thực tập tốt nghiệp.
Chương trình thực tập có hưởng lương tại nước ngoài cho SV là một trong những thế mạnh thu hút SV của các trường ĐH tư thục trong khu vực. SV các ngành điều dưỡng, ô tô, điện – điện tử, tự động hóa, công nghệ thực phẩm, quản trị khách sạn – nhà hàng, quản trị kinh doanh tại ĐH Đông Á có cơ hội học tập, hưởng lương và có việc làm ngay khi tốt nghiệp tại Nhật Bản. ĐH Duy Tân có chương trình đưa SV đi thực tập tại Hoa Kỳ, Thái Lan.
TS Nguyễn Duy Phương cho biết: “Có 21/34 trường ĐH ở miền Trung có chương trình này. Đối tác được các trường ĐH gửi SV thực tập thường tập trung ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó đứng đầu vẫn là Nhật Bản. Các chương trình hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho SV có cơ hội hiểu biết văn hóa, học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng, hình thành kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường giáo dục quốc tế, tăng cường khả năng tự học và sử dụng ngoại ngữ”.
Tháo gỡ rào cản ngoại ngữ
PGS.TS Lưu Trang cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động hợp tác quốc tế của một số trường ĐH ở khu vực miền Trung là do thiếu sự chủ động của nhà trường trong việc kết nối với các đối tác quốc tế, thiếu nguồn lực có trình độ ngoại ngữ có khả năng thực hiện các mối quan hệ quốc tế, chương trình đào tạo hiện hành chưa cập nhật với quốc tế, sức hút từ thương hiệu của nhà trường chưa có. Về phía SV, theo PGS.TS Lưu Trang, rào cản khiến SV chưa mặn mà với các chương trình có yếu tố quốc tế là tài chính, ngoại ngữ và sự khác biệt về văn hóa, môi trường sống.
Theo PGS.TS Lưu Trang, ngoài đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, đầu tư CSVC…, các trường ĐH cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên. “Việc cử giảng viên tham gia các hoạt động bồi dưỡng từ các chương trình, tổ chức quốc tế, các hội thảo quốc tế… sẽ giúp việc tìm kiếm các đối tác, mở rộng quan hệ quốc tế sẽ trở thành nội dung của tất cả các đơn vị trong trường thay vì chỉ phụ thuộc và bộ phận hợp tác quốc tế” – PGS Lưu Trang gợi ý. Việc dạy ngoại ngữ cho SV, ngoài chương trình đào tạo chính khóa, cần tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa có sử dụng ngoại ngữ.