Ngược xuôi giúp trò 'bắt nhịp' Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các thầy cô giáo ở miền núi Điện Biên đang nỗ lực giúp trò 'bắt nhịp" Chương trình mới.

Cô Phạm Thu Trang và giờ học tiếng Anh cho học sinh lớp 3 + 4 tại điểm Tin Lán.
Cô Phạm Thu Trang và giờ học tiếng Anh cho học sinh lớp 3 + 4 tại điểm Tin Lán.

Sau mấy tuần đầu làm quen, với sự nỗ lực hỗ trợ của thầy cô và các nhà trường, học sinh lớp 3 ở tỉnh miền núi Điện Biên đã bước đầu bắt nhịp với những thay đổi của Chương trình GDPT mới.

“Ngược núi” dạy lớp ghép

Ngày đầu tiên tham gia giờ học Tiếng Anh, cô bé Ly Thị Mỷ, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Núa Ngam (huyện Điện Biên) rụt rè, ngồi lặng im phía góc lớp. Với kinh nghiệm gần 10 năm dạy học tại vùng khó khăn, cô Phạm Thu Trang không tạo áp lực bài học, mà dành nhiều thời gian trò chuyện với trò.

“Với học sinh vùng khó, khi tiếp cận với môn mới, kiến thức mới sẽ rụt rè, thiếu tự tin. Nếu chưa làm quen rất khó triển khai nội dung, kiến thức. Vì thế, những buổi học đầu tôi đều dành khoảng thời gian nhất định để làm quen, trò chuyện nhằm phá bỏ khoảng cách, giúp các em mở lòng hơn. Trong quá trình này khéo léo kết hợp đưa tiếng Anh vào giới thiệu”, cô Trang chia sẻ.

Lớp học của Mỷ nằm ngay tại điểm bản Tin Lán. Chỉ vỏn vẹn 12 học sinh, nhưng lại có 2 trình độ (lớp 3 và 4). Theo cô Trang, giờ học tiếng Anh bắt buộc đầu tiên, đa phần học sinh đều chung tình trạng như Mỷ. Thế nhưng, với phương pháp làm quen dần, các em đã cởi mở và có sự trao đổi, giao tiếp trong giờ học.

Cô Bùi Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đơn vị hiện có 2 giáo viên tiếng Anh. Trong đó, một cô mang bầu nên được ưu tiên dạy tại điểm trung tâm. Do vậy, cô Trang sẽ phụ trách 2 điểm bản khó khăn nhất là Tin Lán và Huổi Hua. Cả 2 điểm đều là lớp ghép.

“Một tuần cô Trang có 11/22 tiết ở điểm bản. Các điểm này cách trường gần 10km, giao thông đi lại khó khăn. Vì thế, nhà trường cố gắng xếp lịch giảng dạy phù hợp, làm sao để cô giáo đỡ vất vả mà học sinh vẫn đảm bảo quyền lợi học tập. Cụ thể, mỗi tuần cô có 2 buổi dạy tại điểm bản, với 4 tiết/1 buổi”, cô Hằng cho hay.

Mặc dù được tạo điều kiện, song mỗi ngày có tiết dạy tại điểm bản, cô Trang đều phải mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị. Do nhà cách trường gần 30km, thêm khoảng 10km đường liên bản, mỗi buổi dạy cô xuất phát từ nhà lúc 6 giờ sáng.

Cô tâm sự: “Đó là khi trời nắng, còn nếu mưa phải đi sớm hơn, vì phần lớn chặng đường liên bản phải đi bộ. Và nếu đi bộ, tôi cũng không thể mang theo máy tính phục vụ giảng dạy. Khi đó, phải tìm đủ cách như sử dụng điện thoại, các tấm áp phích… miễn sao học sinh dễ hình dung, liên hệ nhất”.

Biến nguy thành cơ

Không phải ngược – xuôi dạy lớp ghép như cô Trang, song thầy giáo Tiếng Anh tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải (huyện Mường Nhé) lại “quá tải” về số học sinh/lớp và số tiết/tuần. Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm, nhà trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh song vì đây là thực trạng chung, nên buộc phải xoay xở trong điều kiện hiện có.

Phòng tin học mới tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Phòng tin học mới tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

“Để có sự chuẩn bị tốt nhất, ngay từ cuối năm học trước, trường đã lên kế hoạch rồi trao đổi, tham khảo ý kiến kết hợp động viên tinh thần giáo viên bộ môn. Khi trực tiếp triển khai cũng vướng một số khó khăn, nhưng nhà trường sẽ đồng hành để tháo gỡ dần”, thầy Khiêm nói.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải có 9 lớp học tiếng Anh. Trong đó 3 lớp 3, với 99 học sinh học bắt buộc theo chương trình mới. Theo kế hoạch, giáo viên môn Tiếng Anh phải đảm nhiệm 36 tiết/tuần. Tuy nhiên, nếu tổ chức đúng theo lịch giảng dạy sẽ quá tải với người dạy.

Để giảm áp lực, đồng thời tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, trường thực hiện dồn lớp (từ 9 xuống còn 6). Đồng nghĩa với đó là số lượng học sinh/1 lớp tăng gần gấp đôi (trung bình 30, nay tăng lên hơn 60 em/lớp). Mỗi giờ học ghép, trường bố trí thêm 2 giáo viên văn hóa hỗ trợ thầy giáo tiếng Anh trong việc quản lý học sinh và bố trí các hoạt động dạy học.

Ngoài ra, thầy Khiêm cũng cho hay: “Trong 3 yếu tố để hình thành nên một tiết học đảm bảo theo chương trình mới là: Người học, nhân lực và thiết bị, thì trường chỉ đáp ứng được duy nhất yếu tố người học. Còn lại đều trong tình trạng thiếu hoặc khó khăn”.

Với mục tiêu “bảo đảm quyền lợi học tập cho 100% học sinh”, nhà trường đã xoay xở bằng cách tranh thủ kêu gọi các nguồn tài trợ, xã hội hóa. Ngay từ hè, thầy Khiêm đã liên hệ với các đơn vị từ thiện, nhà hảo tâm để xin hỗ trợ máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học. Vừa qua, phòng Tin học đầu tiên của nhà trường được lắp đặt, bố trí, với 22 chiếc máy tính đã tháo gỡ được toàn bộ những lo lắng của thầy và trò.

“Về phía giáo viên, mặc dù chưa có chuyên ngành, song nhà trường đã chủ động bố trí 1 cô giáo dạy văn hóa có hiểu biết về tin học đi bồi dưỡng trong 2 tháng hè, cơ bản có thể đảm nhận nhiệm vụ theo đúng yêu cầu. Cùng với số thiết bị được hỗ trợ, chúng tôi đã đảm bảo được việc học bộ môn Tin học bắt buộc cho 100% học sinh lớp 3 của nhà trường”, thầy Khiêm cho biết thêm.

Xoay xở 4 tiết học trên lớp, với học sinh ở 2 trình độ, nên chưa hôm nào cô Trang kết thúc buổi học theo đúng giờ quy định. Thường mỗi buổi sáng sẽ kết thúc vào 10 giờ 45 phút, song cô Trang đều nán lại đến quá trưa, do còn học sinh chưa viết xong hoặc chưa hiểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ