Với kết quả này, Nga đã vượt qua Ả-rập Xê-út trở thành nhà cung cấp dầu giá rẻ hàng đầu cho Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ ra số lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga, bao gồm nguồn cung qua đường ống Thái Bình Dương và vận chuyển bằng đường biển qua châu Âu và Viễn Đông Nga, đã đạt tổng cộng gần 8,42 triệu tấn. Ước tính, tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,98 triệu thùng/ngày, tăng so với 1,59 triệu thùng/ngày vào tháng 4.
Xu hướng mua dầu Nga gia tăng tại Trung Quốc sau khi các nhà kinh doanh dầu mỏ phương Tây rút lui khỏi mảnh đất màu mỡ này vì các lệnh trừng phạt.
Hơn nữa, nguồn dầu Nga hiện có giá thành tương đối rẻ, phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị kìm hãm bởi Covid-19 và tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia châu Á tăng mua dầu thô giá rẻ từ Nga bất chấp nỗ lực ngăn cản của phương Tây và Mỹ. Ước tính, Ấn Độ đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu Nga lên hơn 25 lần từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Tính riêng tháng 6, Ấn Độ mua trung bình một triệu thùng dầu/ngày, so với 30.000 thùng/ngày vào tháng 2. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ấn Độ đang nhập khẩu bằng 1/4 số lượng nhập khẩu dầu thô và các chế phẩm dầu thô Nga của châu Âu.
Việc mua dầu giá rẻ từ Nga đem lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Ấn Độ, vốn phải vật lộn với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao. Trước bối cảnh trên, trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Mỹ và Ấn Độ vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi mong muốn các đồng minh và đối tác không tăng mua năng lượng từ Nga”.
Ngược lại, đầu tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, khẳng định: “Chúng tôi khuyến nghị mua thêm dầu nói chung chứ không riêng dầu Nga. Chúng tôi cần mua loại dầu tốt nhất hiện có trên thị trường và điều này không mang màu sắc chính trị”.
Còn tại quốc gia Nam Á, Sri Lanka, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết có thể phải mua thêm dầu từ Nga trong bối cảnh nước này ráo riết tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Trước tiên, Sri Lanka sẽ xem xét các nguồn cung khác nhưng luôn sẵn sàng mua thêm dầu thô từ Moscow.
Nhìn chung, sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga, giá dầu thô của nước này đã giảm đáng kể. Tăng cường mua dầu thô từ Nga trong thời điểm này giúp nhiều quốc gia châu Á thoả lấp tình trạng thiếu năng lượng, hỗ trợ giảm chi phí các mặt hàng.
Nhưng động thái hưởng lợi trên đã làm suy yếu nỗ lực của phương Tây trong việc cản trở Nga sử dụng nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu năng lượng phục vụ chiến tranh. Ước tính, Nga thu về 20 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô trong tháng 5, tăng trở lại mức trước chiến tranh Ukriane.
Trong bối cảnh trên, Mỹ và châu Âu đã tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt. Đơn cử, Liên minh châu Âu quyết định cắt hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển vào cuối năm 2022 để ngăn tàu chở dầu thô của Nga chuyển hướng sang nơi khác.
Tuy nhiên, động thái này được dự đoán sẽ đẩy giá cả lên cao trong bối cảnh thế giới khan hiếm nhiên liệu. Vì lẽ đó, không chỉ gia tăng áp lực đối với nền kinh tế Nga, Mỹ và các đồng minh đồng thời phải tìm cách giảm thiểu hậu quả từ khủng hoảng nhiên liệu và chi phí sinh hoạt.