Dự trữ dầu mỏ chiến lược: Mỹ chống khủng hoảng năng lượng như thế nào?

GD&TĐ - Được thúc đẩy bởi lệnh cấm vận dầu mỏ vào những năm 1970, Mỹ tự xây dựng trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

Dầu thô được Mỹ cất giữ trong lòng đất.
Dầu thô được Mỹ cất giữ trong lòng đất.

Nhưng trong thế giới đang chuyển mình sang năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu, tương lai của việc dự trữ dầu mỏ là không chắc chắn.

Dự án dự trữ dầu quốc gia

Từ cuối tháng 11/1973, thế giới bắt đầu cảm nhận được hậu quả từ cuộc chiến Yom Kippur, cuộc xung đột giữa Israel và các nước láng giềng Ai Cập, Syria. Để trừng phạt Mỹ và các quốc gia phương Tây vì đã hỗ trợ Israel trong chiến tranh, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Ả Rập (OPEC) đã cắt nguồn cung khiến giá dầu thô nhập khẩu thế giới tăng gấp 3 lần.

Quyết định trên đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng đặc biệt nghiêm trọng tại Mỹ. Ngày 25/11/1973, Tổng thống Richard Nixon buộc phải yêu cầu người dân hạn chế sử dụng lò sưởi, lái xe ra khỏi nhà vào dịp cuối tuần hoặc trang trí đèn Giáng sinh. Trong những năm sau đó, Mỹ theo đuổi chính sách độc lập về năng lượng nhằm bảo vệ nước này khỏi những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Một trong những sáng kiến của chính sách mới là thành lập Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), kho dự trữ dầu thô để có thể khai thác trong trường hợp khẩn cấp. Với công suất hiện tại là hơn 727 triệu thùng dầu, SPR cho phép Mỹ ứng phó và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt dầu mỏ.

Mới đây, Mỹ thông báo sẽ giải phóng 30 triệu thùng dầu thô từ SPR cho các công ty năng lượng sau khi Nga, một trong những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Phối hợp với các cường quốc khác áp lệnh trừng phạt Nga, Mỹ vẫn có thể ổn định thị trường dầu nhiều biến động nhờ SPR. Bằng chứng là trong tình trạng giá xăng trên thế giới tăng nhanh chóng vì lo ngại thiếu hụt, giá xăng tại Mỹ vẫn giữ ở mức ổn định.

Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) là kho dự trữ dầu lớn nhất thế giới hiện nay. Nó được chia thành 4 địa điểm dọc theo bờ biển Vịnh Louisana và bang Texas, được chọn để tiếp cận các bến cảng hàng hải và các đường ống cần thiết để vận chuyển dầu.

Dầu mỏ được dẫn sâu dưới lòng đất và lưu trữ trong các hang động có cấu tạo hình vòm, rồi hòa tan cùng muối và nước. Điều này giữ cho các hang động luôn có độ ẩm thấp và là cách dự trữ dầu an toàn với môi trường nhất hiện nay.

Tuy nhiên, các hang muối mang đặc tính cơ học phức tạp. Lớp địa tầng muối tạo nên một “lá chắn” bảo vệ dầu hoàn hảo vì chúng không phản ứng với dầu. Ngoài ra, hang muối có khả năng tự khôi phục, nghĩa là các vết nứt hoặc vỡ có khả năng tự lành lại nhờ tính chất dẻo của muối. Điều này ngăn chặn dầu rò rỉ khỏi hang.

Để khai thác dầu thô, người ta bơm nước ngọt hoặc nước muối chưa bão hòa vào các hang muối rồi hút dầu thô sang các giếng dự phòng. Sau đó, tách riêng dầu thô và muối.

Tính đến ngày 4/3/2022, SPR dự trữ khoảng 557,5 triệu thùng dầu thô nhẹ, có thể tinh chế thành các sản phẩm như xăng, nhiên liệu diesel, dầu sưởi và nhiên liệu máy bay. Trước đó, vào năm 1975, Quốc hội Mỹ đặt mục tiêu dự trữ đến một tỷ thùng nhưng công suất này chưa từng đạt được. Hiện nay, hầu hết các cơ sở có thể chứa 727 triệu thùng. Đây cũng là số lượng kỷ lục dầu chứa từng được biết đến.

Tác động đến môi trường

Dự trữ dầu giúp Mỹ tránh khỏi những cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Dự trữ dầu giúp Mỹ tránh khỏi những cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ môi trường cho rằng, việc phụ thuộc vào Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược để ứng phó với tình trạng thiếu hụt dầu chỉ là giải pháp tạm thời. Trong bối cảnh Liên Hợp Quốc “báo động đỏ” về biến đổi khí hậu, các nhà hoạt động môi trường cho rằng, Mỹ nên chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang các nguồn năng lượng xanh.

Từ trước đến nay, đã có rất nhiều tranh cãi về việc duy trì SPR tại Mỹ. Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ban đầu được tạo ra cho các trường hợp khẩn cấp, như khi nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ ra lệnh phát hành khẩn cấp ba lần từ khu dự trữ.

Nhưng không chỉ sử dụng SPR cho những trường hợp khẩn cấp toàn cầu, Mỹ cũng bán hàng định kỳ cho các công ty tư nhân từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược nhằm nâng cao doanh thu. Nguồn dầu dự trữ cũng có thể được sử dụng nhằm giúp các công ty tư nhân phục hồi sau thảm họa dầu quy mô nhỏ như hiện tượng thời tiết cực đoan, đóng cửa kênh vận chuyển.

Điều này đồng nghĩa SPR không chỉ là nguồn dự trữ đồng thời được sử dụng cho mục đích “thương mại hóa” thử nghiệm. Ông Scott L. Montgomery, giảng viên Trường Đại học Washington, Mỹ, đánh giá vai trò của SPR có thể tiếp tục phát triển trong những năm tới. Dự trữ dầu đã “bước vào một kỷ nguyên mới” khi Mỹ là nước xuất khẩu ròng dầu thô.

Nhưng việc khai thác, tích trữ và buôn bán dầu thô đang đi ngược lại với các chính sách kêu gọi bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Việc vận chuyển kho dự trữ chiến lược làm tăng lượng khí thải phát ra từ nguyên liệu hóa thạch.

Việc Mỹ khai thác kho dự trữ chiến lược cũng đẩy các quốc gia trên thế giới vào thế cạnh tranh nguồn năng lượng hóa thạch, đi ngược lại với những nỗ lực gây dựng liên minh chống năng lượng hóa thạch.

Ngoài ra, Mỹ tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, đồng nghĩa SPR chỉ có thể duy trì một tháng nếu Mỹ cắt khỏi các nguồn cung dầu thô khác. Do đó, thay vì xây dựng công suất dự trữ khổng lồ, các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi Mỹ đầu tư cho ô tô điện, xe bus cũng như các sáng kiến năng lượng sạch khác.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ