Thượng đỉnh G7 khai màn bàn cách giải quyết khủng hoảng Ukraine và hậu quả

GD&TĐ -  Hôm nay (26/6), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chào mừng các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nền dân chủ giàu có (G7) dự Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Bavaria Alps. Hội nghị dành nhiều thời gian nói về cuộc chiến ở Ukraine và những hậu quả sâu rộng của nó.

Tổng thống Joe Biden đến Sân bay Franz-Josef-Strauss gần Munich, Đức ngày 25 tháng 6 năm 2022, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.
Tổng thống Joe Biden đến Sân bay Franz-Josef-Strauss gần Munich, Đức ngày 25 tháng 6 năm 2022, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về chiến tranh, khủng hoảng lương thực, năng lượng... Tại đây, các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ gặp nhau lần đầu tiên kể từ trước đại dịch Covid-19.

Giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng vọt đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Hôm 24/6, Liên hợp quốc đã cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có”.

Biến đổi khí hậu, một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài cũng có mặt trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh G7.

Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ tìm cách thể hiện một mặt trận thống nhất về việc hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết và gây áp lực lên Moscow. Mặc dù vậy, họ sẽ muốn tránh các lệnh trừng phạt có thể gây ra lạm phát và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đang ảnh hưởng đến người dân nước mình.

“Thông điệp chính từ G7 sẽ là sự thống nhất và phối hợp hành động… Đó là thông điệp chính, thậm chí trải qua những thời điểm khó khăn.. chúng tôi vẫn gắn bó với liên minh của mình” – một quan chức EU cho biết.

Các đối tác G7 chuẩn bị đồng ý cấm nhập khẩu vàng từ Nga – một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết. Sau đó, một nguồn tin khác từ chính phủ Đức nói rằng các nhà lãnh đạo đang có cuộc thảo luận “thực sự mang tính xây dựng” về mức giới hạn giá có thể có đối với dầu nhập khẩu của Nga.

Dự kiến họ sẽ thảo luận về các phương án giải quyết việc tăng giá lương thực và thay thế việc nhập khẩu dầu, khí đốt của Nga.

Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng là cơ hội để Thủ tướng Đức Scholz tận dụng vai trò chủ nhà bằng cách thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán hơn đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng Đức sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hồi cuối tháng 2, đồng thời hứa sẽ tăng cường quân đội với quỹ 100 tỷ euro và gửi vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà phê bình buộc tội ông đã trì hoãn tình hình và gửi thông điệp lẫn lộn khi cảnh báo Nga có thể coi NATO là một bên chiến tranh và nhấn mạnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

G7 được thành lập năm 1975 với vai trò là diễn đàn để các quốc gia giàu có nhất thảo luận về các cuộc khủng hoảng. Nó trở thành G8 sau khi Nga được kết nạp sau 6 năm Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, Nga bị đình chỉ khỏi tổ chức này vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ