Ngư dân Lý Sơn can trường bám biển

GD&TĐ - Đối với ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), dẫu đời sống còn rất nhiều nỗi lo toan tính, nhưng nghề biển đã đem lại cuộc sống ấm no cho phần lớn ngư dân. 

Ngư dân Lý Sơn can trường bám biển

Bây giờ, ngư dân không còn đơn lẻ ra khơi trên biển, mà họ đi thành tổ đội, cùng giúp nhau làm ăn mưu sinh. Đây chính là động lực khiến họ quyết tâm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.

Sinh ra trên biển, sống chết cùng biển

Tiếp chúng tôi sau chuyến vươn khơi bám biển Hoàng Sa vừa cập đảo Lý Sơn, ngư dân Lê Văn Nam, chủ tàu cá QNg 967456 TS, ở thôn Tây xã An Hải chia sẻ, ông sinh ra là để đi biển, gia đình ông 3 thế hệ đều theo nghiệp biển. Hơn 50 tuổi đời, nhưng ngư dân Lê Văn Nam đã có thâm niên trên 25 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Quãng thời gian ấy trong ký ức ông và các bạn chài còn hằn sâu và không thể quên những chuyến biển hãi hùng vì bị tàu nước ngoài tấn công, bắt giữ, cướp tài sản ngay trên vùng biển quê hương mình.

Ngư dân Lê Văn Nam nhớ lại: Trong thời gian bám biển Hoàng Sa, tàu cá của ông đã 4 lần bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đập phá, cướp tài sản khi làm ăn trên biển. Những lần gặp nạn này làm ông thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Vụ gần đây nhất xảy ra vào tháng 4/2011, khi tàu của ông đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa. Vì mải mê làm ăn và thiếu thiết bị thông tin liên lạc, nên khi tàu hải giám Trung Quốc bất ngờ xuất hiện, ông và các bạn chài không kịp trở tay. Họ bị lực lượng trên tàu Trung Quốc khống chế, đánh đập, cướp toàn bộ tài sản. Chuyến biển ấy làm ông thiệt hại trên 250 triệu đồng bởi bị Trung Quốc giam giữ đòi tiền chuộc.

Quệt vội những giọt mồ hôi mặn chát trên khuôn mặt rám nắng Hoàng Sa, ngư dân Lê Văn Nam cho biết, thời gian gần đây, tàu cá của ông 2 lần bị tàu nước ngoài phá lưới và ngư cụ. Những chuyến đi biển thường bị ném đá, xịt vòi rồng xua đuổi ngay tại ngư trường của tổ tiên ông bà. “Tháng 5 năm 2008, tàu của tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu nước ngoài bắt giam giữ. Vì họ cho rằng vi phạm lãnh hải của họ. Không khuất phục bởi sự buộc tội vô lý, tôi bàn với anh em tuyệt thực bỏ ăn. Sau thấy không giải quyết được vấn đề nên họ mời Đại sứ quán của ta làm việc và can thiệp nên anh em mới được thả về” - ông Nam kể lại.

Quyết tâm bám biển, vươn khơi

Có thể nói, từ khi Nghiệp đoàn nghề cá ra đời đến nay, việc làm ăn vươn khơi của bà con ngư dân đã có nhiều thuận lợi. Họ biết gắn kết để cùng mưu sinh và bảo vệ nhau trên biển. Ngư dân trẻ Bùi Phải, chủ tàu cá QNg 96969 TS (ở thôn Tây, xã An Hải) tâm sự: “Khi ra khơi, chúng tôi luôn nhắc nhở phải đoàn kết, bảo vệ, tương trợ nhau. Thông báo cho nhau khi thời tiết xấu và khẩn trương tổ chức cứu trợ khi thuyền bạn gặp chuyện không may. Cùng hợp sức bảo vệ, ngăn chặn tàu nước ngoài vô cớ đập phá những con tàu, tấm lưới, ngư trường và chủ quyền lãnh hải của mình. "Mình sinh ra ở đảo, lớn lên từ đảo, quanh năm quen với sóng gió Hoàng Sa, do đó đi biển là để mưu sinh nên phải bám biển để sống. Ngoài ra còn nhiệm vụ cao cả đó là bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, của tổ tiên ông bà để lại”.

Cùng chung cảnh ngộ với ngư dân Nam và Phải, ngư dân Dương Minh Thạnh, ở thôn Tây xã An Hải cho biết, với thâm niên gần 40 năm bám biển Hoàng Sa, dù sóng gió ở khơi xa ông đã từng trải, nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc của ông là lớp con cháu đang nối nghiệp cha ông. Là người có mặt đầu tiên tại ngư trường Hoàng Sa vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nên ông truyền lại kinh nghiệm dày dạn biển khơi cho những thế hệ ngư dân trẻ ngày nay.

Ngư dân Dương Minh Thạnh tâm sự: Trường Sa, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của mình. Mùa biển êm đi biển Trường Sa. Mùa biển động đánh bắt biển Hoàng Sa. Ngày xưa khó khăn, tàu nhỏ còn đi được, ngày nay tàu to máy lớn, trang thiết bị hiện đại rồi càng phải ra sức bám biển mưu sinh. Sự gắn kết bảo vệ tương trợ nhau của bạn tàu, sự đồng hành quan tâm của nhân dân cả nước, là động lực để ngư dân, bám biển, bám tàu làm ăn trên vùng biển đảo quê hương.

Vẫn còn nhiều câu chuyện giữa biển khơi xa và những ngư dân kiên cường bám biển. Cộng đồng xã hội luôn đồng cảm và chia sẻ những khó khăn của ngư dân. Họ những ngư dân kiên cường luôn là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. Điều này không một thế lực nào có thể uy hiếp. Biển vẫn nhiều tôm cá và hàng trăm tàu cá của ngư dân Lý Sơn vẫn ngày đêm miệt mài thả lưới buông câu, góp phần làm giàu và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.