Những ngày thi THPT quốc gia 2017, huyện đảo Lý Sơn thật vui

GD&TĐ - “Được tham dự kỳ thi xét tuyển tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học ngay tại địa phương mình đó không chỉ là niềm vui của các em học sinh, mà còn là niềm vui của phụ huynh học sinh, nhân dân trên cả nước. Vui mừng, phấn khởi vì từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên học sinh học được thi tại địa phương. Niềm vui, hạnh phúc đó như càng lớn hơn đối với thí sinh là con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi”.

Sĩ tử phấn khởi sau giờ thi trên đảo Lý Sơn
Sĩ tử phấn khởi sau giờ thi trên đảo Lý Sơn

Đó là lời chia sẻ của nhà báo Lê Hùng – một người con của huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hòn đảo tiền tiêu giữa muôn trùng sóng gió.

Nhà báo Lê Hùng tâm sự: Trong những ngày qua, qua theo dõi các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2017, được chứng kiến, lắng nghe những lời tâm sự, chia sẻ đầy niềm vui, phấn khởi của thí sinh, phụ huynh, người dân trên cả nước về kỳ thi, tôi thực sự cảm thấy xúc động. Những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của các em mỗi buổi thi đã cho thấy nỗi lo, áp lực về những kỳ thi nay đều tan biến, không còn nữa.

Được tham dự kỳ thi ngay tại địa phương mình, nên trong những ngày tham dự kỳ thi, bên cạnh các em không chỉ có bố mẹ, anh chị luôn túc trực động viên, chăm sóc, mà còn có cả sự chung tay của cả xã hội, nhất là sự tận tình, ân cần chăm sóc, giúp đỡ của cán bộ, thầy cô trường học nơi mình học tập, rèn luyện. Bất kể lúc nào, hễ thí sinh gặp khó khăn, vướng mắc trong ăn ở, sinh hoạt, hay mang nỗi buồn lo vì kết quả làm bài thi ngoài điều mong ước…thì tập thể cán bộ, giáo viên, người thân luôn có mặt kịp thời động viên, cỗ vũ tinh thần, lấy lại niềm tin tham dự kỳ thi.

Đáp lại những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp đó, các thí sinh càng nỗ lực, phấn đấu tham dự kỳ thi với tinh thần làm bài cao nhất. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các thí sinh không chỉ chăm chỉ học tập trong suốt quá trình ở trường, ở lớp…mà còn tranh thủ, tận dụng mọi thời gian để cũng cố kiến thức.

Thật vui, có một ngày con em học sinh huyện đảo Lý Sơn thôi vất vả, âu lo mỗi khi kỳ thi tới. Những chuyến vượt thuyền đạp sóng vào bờ, vật vờ trên những chuyến xe khách vào Nam, ra Bắc, chật vật ở trọ để tham dự kỳ thi xét tuyển đại học đã thành những kỷ niệm đáng nhớ và khó quên. Mỗi chuyến vượt biển vào đất liên đi thi của con em học sinh Lý Sơn chở đầy nỗi lo, bởi vậy mà con đường học tập của học sinh lý sơn cứ chồng chềnh, gian khó theo từng con sóng. Để rồi niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa đến bất ngờ, ngay cả với lũ hoc trò trên đảo, những người dân mặn mòi vị biển, bất ngờ với cả những người con xa quê hương như tôi. Tôi đã chực khóc khi một người bạn đồng nghiệp ở đảo nơi tôi sinh ra gọi điện bảo: “Kỳ thi THPT quốc gia 2017 ngay trên hòn đảo tiền tiêu, những ngày kỳ thi diễn ra, đảo vui như ngày hội”, nhà báo Lê Hùng xúc động.

Bởi nói như lời chia sẻ của phóng viên Phạm Văn Mịnh – Đài phát thanh huyện đảo Lý Sơn nói với chúng tôi trong sáng 22/6 – ngày đầu tiên thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017: Bao nhiêu năm gắn bó với huyện đảo Lý Sơn, tôi chưa bao giờ chứng kiến một niềm vui, niềm xúc động nào đến vậy, khi các em học sinh, thầy cô giáo trên đảo hát vang bài quốc ca trước lễ khai mạc kỳ thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trên huyện đảo Lý Sơn chỉ có 223 thí sinh của huyện đảo Lý Sơn tham dự kỳ thi là 223 gương mặt, ánh mắt, nụ cười tươi xinh, trong veo, hồn nhiên đến lạ. Niềm vui của các em là niềm vui chung của cha mẹ, gia đình và của người dân trên huyện đảo tiền tiêu nghèo khó này.

Phóng viên Phạm Văn Mịnh cho hay: Để tổ chức kỳ thi, Ban chỉ đạo thi đã phối hợp với lượng công an áp tải để vận chuyển từ đất liền ra đảo bằng tàu cao tốc. Để kỳ thi diễn ra an toàn và đạt kết quả, ngoài việc thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, sao in đề thi, thì các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp chuẩn bị mọi phương án cụ thể đề phòng sự cố bất thường có thể xảy ra. Cán bộ coi thi cũng được huy động ra đảo làm nhiệm vụ, bất chấp khó khăn, vất vả…

Những điều thực tế cụ thể đó đã nói lên rằng, để tạo nên một kỳ thi thành công, sự thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, nỗi lo cho người dân, phụ huynh thí sinh…từ cán bộ coi thi, đến đơn vị tổ chức kỳ thi đã phải làm việc hết sức vất vả, đầy trách nhiệm. Trong đó, điều đáng kể hơn cả là sự hy sinh, cống hiến lặng thầm, trực tiếp của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng khó…

Hơn hết đó là sự nỗ lực thực hiện triển khai những chủ trương về đổi mới giáo dục và đào tạo mà Bộ GD&ĐT, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện trong thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.