Ngư dân kể chuyện nghề cá

GD&TĐ - Ông Lê Hữu Long sống gần trọn cuộc đời gắn với sông nước. Cuộc đời ông trôi qua nhiều khúc sông, lòng hồ ở khắp miền Đông lẫn miền Nam. 

Ngư dân kể chuyện nghề cá

Để rồi ông rút ra những bí quyết độc đáo biết chỗ nào có cá, tâm tính các loài cá để các chuyến đánh bắt không phải về tay trắng. Ông bảo người ta thường nghĩ ngư dân đơn thuần chỉ là người đánh bắt cá, thực tế không phải vậy, đó là những người sống nhờ vào cá, nhờ vào sông nước, hiểu từng con cá khúc sông như lòng bàn tay, để hưởng lộc từ mồ hôi nước mắt của chính mình…

Những cuộc đánh vật lúc nửa đêm

Nhiều năm sinh sống ở Làng chài Hóa An (xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai) chứng kiến bao thăng trầm lẫn những trận cuồng phong trên dòng sông Đồng Nai, ông Lê Hữu Long hiểu rõ dòng sông này hơn ai hết. Ông Long bộc bạch: “Các bí quyết này không dễ dàng mà có được đâu. Nó phải được chiêm nghiệm qua nhiều chặng đường và những lần vật lộn giữa sông nước, biển khơi để đánh bắt cá nữa. Tôi sống ở Hóa An nhưng cũng ít khi ở một chỗ mà thường rày đây mai đó để còn xem có ai sở thích tương tự như mình đặng còn truyền nghề”.

Không chỉ giữ nguyên tắc đánh bắt nghiêm ngặt, tránh sự bừa bãi mà trong những lúc rảnh rỗi, ông Long còn rong ruổi qua nhiều khúc sông, nhiều xóm chài để tuyên truyền, khuyên bà con ngư dân không nên nôn nóng vì lợi ích trước mắt mà dùng các loại thuốc nổ để đánh bắt cá trên sông. Vậy nên chẳng mấy khi thấy bóng dáng ông ở nhà.

Những năm tháng mới bước chân vào nghề, ông Long là một trong những người nghèo nhất làng. Những đứa con thơ lần lượt ra đời, có lúc cuộc sống quá chật vật, tưởng khó mà vượt qua được những gánh nặng cơm áo. Quần quật với sông nước để nuôi gia đình, ông bảo mình gắn bó đến mức có thể hiểu được từng loài cá, không chỉ thói quen, tập tính mà cả tính cách của chúng ra làm sao.

Ông Long bật mí, loài cá ngừ biển hay cá chình sông dường như là hai loài cá tinh ranh nhất, khó nắm bắt nhất nhưng cứ cần mẫn theo dõi rồi cũng tìm ra được tính cách của chúng thôi. Hai loài cá này dường như chúng có cảm nhận và nhìn được ánh sáng. Thế nên thường phải săn ban đêm hoặc sáng tinh mơ thì mới được nhiều.

Để săn được ban đêm thì phải là những tay săn lão luyện, không lão luyện thì trắng tay ngay. Hôm ấy, khi đêm bắt đầu buông xuống, ánh sáng hòa vào sóng nước sông Đồng Nai, ông cùng bạn chài quan sát luồng nước rồi từ từ thả mình xuống sông. Ít phút sau, ông bắt đầu giăng một loại lưới vây đặc biệt dọc theo các luồng cá mà ông đoán biết; trước khi tiếp tục thả xuống một số lưỡi câu hỗ trợ cho lưới. Mấy chục phút sau, ông Long nhoi lên khỏi mặt nước, kéo sau lưng hàng chục con cá chình.

Những hôm như thế là có một chuyến đánh bắt thành công. Nhưng cũng không ít lần đi đánh cá đêm trên dòng sông này phải vật lộn đến gần tảng sáng mà được rất ít cá. Cũng theo ông Long, một chuyến đánh cá ngắn trên sông Đồng Nai hay sông Sài Gòn chỉ trong một ngày một đêm. Khi nào ra biển thì mỗi chuyến đi kéo dài hàng chục ngày, tùy theo luồng cá và thời tiết.

Bạn đồng hành cùng ông Long trong những lần vươn ra biển đánh bắt cá là ông Lê Vũ Hùng, kể: Cái nghề nghe được cá, đoán được tính cách cá này phải là những ngư dân có tâm mới làm được. Nếu truyền hết bí quyết cho người xấu, họ đánh bắt vô tội vạ thì nguồn thủy hải sản sẽ cạn kiệt mất. Tâm tính khó đoán nhất đó là cá ngừ khủng.

Chúng rất tinh ranh có khi thay đổi luồng đi, hướng đi liên tục. Để có thể săn được, sau khi nghe tiếng, đoán luồng cá đi thì phải chuẩn bị mồi câu là chính những con cá bạc má nhỏ. Những con cá nhỏ này móc vào những lưỡi câu to như ngón tay. Thả dày đặc dọc các luồng cá ngừ khủng kéo nhau đi ăn đêm. Nếu trúng đậm, mỗi chuyến ra khơi sẽ lời vài trăm triệu. Nhưng cũng có chuyến vật lộn mãi cũng chỉ được mấy chục triệu đồng.

Bí quyết không phải ai cũng học được

Đi dọc qua nhiều làng chài cũng như nhiều xóm ngư dân ở khu vực miền Đông nhưng chúng tôi rất hiếm thấy có được người có khả năng đặc biệt như ông Long. Ông giãi bày: Bí quyết này có lần tôi đã từng truyền cho một ngư dân nghèo, rất tâm huyết nhưng học mãi vẫn không thực hành được.

Dường như ngoài khả năng độc đáo cần có thêm những giác quan đặc biệt riêng. Đối với tôi, sau một hồi lắng nghe, ngay cả khi đàn cá đang ở xa xa đã có thể cảm nhận được hướng di chuyển của chúng. Tuy nhiên, chỉ khi đàn cá tiến đến gần, mới nghe được rõ ràng nhất tiếng của chúng. Có người nghe tôi kể chuyện đã bắt chước nhưng không thực hành được. Khả năng đặc biệt này, sau khi được hướng dẫn chi tiết, cần thêm trải nghiệm và rèn luyện cũng như phải hiểu được dòng nước.

Ông chia sẻ: Việc di chuyển của các đàn cá phụ thuộc rất lớn vào tình hình thời tiết và khí hậu. Đánh bắt được nhiều nhất thường vào mùa xuân hoặc mùa hè. Xác định các điểm đánh bắt cũng là điều quan trọng. Đặc biệt, nhiều luồng cá đoán được rồi nhưng có khi luồng cá ấy ở những khu vực có tầng đáy phức tạp và hướng chảy của dòng hải lưu liên tục thay đổi, bằng mắt thường ta có thể thấy được những dòng nước xoáy đều từng đợt từ dưới lên. Để đối phó với tình huống này lại cần huy động đến sáng kiến và khả năng bơi lặn của ngư dân nữa. Thế nên, người đoán được tâm tính các loài cá cũng đồng nghĩa là người đánh bắt và am hiểu sông nước rất giỏi.

Một số lão ngư thường đồng hành cùng ông Long trong những chuyến đi đánh bắt dài ngày đều bày tỏ lòng thán phục: Khả năng của ông Long mới nghe thì có về hơi huyền bí nhưng lý giải ra thì vẫn thấy có logic bình thường. Cuộc sống tuy chưa thật khấm khá nhưng ông Long rất nghiêm khắc, nếu đánh bắt cá ở sông Đồng Nai hay sông Sài Gòn mà gặp luồng cá nhỏ, nhất định ông không buông lưới, có thể hôm đó được rất ít cá. Khi đánh bắt cá ở sông thì không cần trang bị dụng cụ hỗ trợ kỹ càng vì lão ngư nào cũng rành chuyện bơi lội.

Đặc biệt, có một kỹ thuật, ông Long trải lòng mình cho nhiều ngư dân cùng biết đó là sử dụng kỹ thuật nín thở. Kỹ thuật đặc biệt này khiến các ngư dân có thể nghe rõ hơn ở dưới nước và sẽ đoán được luồng cá to. Cá nhỏ thì không đoán được. Không chỉ đoán được tâm tính, nghe được các loài cá mà ông Long còn có dự định sẽ mở thêm chiến dịch làm sạch môi trường ở những đoạn sông hay xảy ra tình trạng ô nhiễm. Vì chính ô nhiễm cũng làm giảm sản lượng và khả năng sinh trưởng của các loài cá, nhất là cá trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ