Mười điểm nổi bật trong Chương trình mới môn Tin học

GD&TĐ - Theo thầy Hồ Sĩ Đàm, cô Hồ Cẩm Hà (Ban phát triển chương trình môn Tin học), môn Tin học đóng vai trò chủ lực trong hình thành, phát triển năng lực tin học, cung cấp cho HS 3 mạch kiến thức: Học vấn số hóa phổ thông (DL), Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và Khoa học máy tính (CS). 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cần có quan niệm, nhận thức thấu đáo như vậy để làm tiền đề, cơ sở cho việc giải quyết các điều kiện khác về phát triển đội ngũ giáo viên, trang thiết bị tin học, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.

PGS.TS Hồ Cẩm Hà cho biết: Trong suốt nhiều năm qua, CT môn Tin học hiện hành gặp phải nhiều bất cập trong quá trình triển khai do có một số quan niệm sai lầm như: Đồng nhất việc học Tin học ở phổ thông với việc học sử dụng máy tính và phần mềm; Không coi trọng mạch kiến thức Khoa học máy tính; Quan niệm lệch lạc cho rằng môn học khác có thể thay thế môn Tin học đảm nhận vai trò hình thành, phát triển năng lực tin học; hay quan niệm sai lầm rằng có thể tích hợp môn Tin học với vào môn Công nghệ…

CT môn Tin học năm 2018 có những cách tiếp cận mới, định hướng phát triển mới, cùng nhiều nội dung mới cập nhật tri thức Công nghệ số - yếu tố nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, CT sẽ có 10 điểm mới so với CT hiện hành.

Điểm mới đầu tiên có tính tiên quyết: Môn tin học sẽ là môn học bắt buộc có phân hóa, được dạy xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9 (trong CT hiện hành là môn tự chọn). Ở bậc THPT, môn Tin học có vị trí hoàn toàn bình đẳng với các môn học khác như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí... và được phân hóa theo 2 định hướng: “Tin học ứng dụng”, “Khoa học máy tính”. Vị trí mới này sẽ là tiền đề dẫn đến những thay đổi quan trọng trong đầu tư cơ sở vật chất, biên chế giáo viên và cách nhìn nhận của xã hội, các cấp quản lý về môn Tin học….

Thứ hai: CT tiếp cận theo năng lực và có tính mở. Cụ thể, CT môn Tin học được xác định là môn cốt lõi giúp hình thành, phát triển cho HS năng lực tin học. CT sẽ không đưa ra ràng buộc về chủng loại thiết bị hay phần mềm, không phân biệt phần mềm nguồn mở hay phần mềm thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo vận dụng linh hoạt. “Thời lượng phân phối cho các lớp là cố định, nhưng các tác giả SGK và các cơ sở giáo dục tùy điều kiện thực tế của địa phương để điều chỉnh linh hoạt thời lượng dành cho các chủ đề trong CT trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cần đạt”, thầy Đàm cho biết.

Thứ 3: CT Tin học năm 2018 xác định 3 mạch kiến thức hòa quyện là: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và truyền thông, Học vấn số hóa phổ thông. Ngoài việc tiếp tục coi trọng các mạch kiến thức Công nghệ thông tin - truyền thông và Học vấn số hóa phổ thông, CT chú trọng đến mạch Khoa học máy tính hơn trước. Mạch kiến thức này giúp HS bước đầu hiểu biết các nguyên tắc cơ bản và thực hành của tư duy máy tính, tư duy tự động hóa, có khả năng thích ứng với những tiến bộ và thiết bị công nghệ số mới sẽ xuất hiện trong tương lai và tạo nền tảng cơ bản cho việc thiết kế, phát triển các hệ thống máy tính.

Thầy Hồ Sĩ Đàm.
Thầy Hồ Sĩ Đàm. 

Thứ 4: Có cách tiếp cận mới về thuật toán và lập trình. Trong CT hiện hành, nội dung lập trình và thuật toán chủ yếu được dạy tập trung ở lớp 8 và lớp 11 theo cách tiếp cận nội dung mang tính hàn lâm, làm cho HS khó tiếp thu và không hiệu quả. Theo thầy Đàm, nội dung thuật toán, cấu trúc dữ liệu, lập trình là thành phần cơ bản của Khoa học máy tính giúp hình thành và phát triển tư duy máy tính. CT năm 2018 đưa nội dung đó trải rộng cả 3 cấp học, chú trọng phương pháp dạy học tích cực, ở giai đoạn giáo dục cơ bản sử dụng các ngôn ngữ lập trình trực quan, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, giúp HS tự làm ra được sản phẩm số, gây được hứng thú học tập và sáng tạo.

Thứ 5: Chú trọng thực hành trải nghiệm sáng tạo và làm ra sản phẩm số. Việc dạy học thông qua dự án, bài tập giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích HS vận dụng kiến thức, kỹ năng các môn học áp dụng công nghệ số để hiểu, giải quyết vấn đề thực tế trong môi trường số, sáng tạo ra các sản phẩm của cá nhân, của nhóm.

Thứ 6: Chú trọng giáo dục đạo đức, pháp luật, văn hóa ứng xử trong thế giới số.

Thứ 7: Chú trọng định hướng nghề nghiệp. Trong thời đại số, Tin học cần thiết cho mọi ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề thuộc lĩnh vực tin học. Chủ đề mới “Hướng nghiệp với tin học” từ lớp 8 đến lớp 12 và CT ở THPT phân hóa hai định hướng là “Tin học ứng dụng” và “Khoa học máy tính” giúp HS định hướng lựa chọn đúng nghề nghiệp trong lĩnh vực tin học và ứng dụng tin học theo sở trường và khả năng của họ.

Thứ 8: Chú trọng giáo dục STEM, tài chính, bình đẳng giới… CT thông qua một số chủ đề học tập, đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm ra sản phẩm nhằm góp phần hình thành và phát triển phẩm chất năng lực chung và năng lực đặc thù môn Tin học, đồng thời còn góp phần giáo dục hướng nghiệp, giáo dục CS- STEM, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục tài chính…

Thứ 9: Chú trọng giáo dục CPS (cyber-physical system) – Hệ thống tích hợp các hệ thống kỹ thuật số, hệ thống vật lý, các cảm biến, truyền động và yếu tố con người trên cơ sở hạ tầng mạng để cung cấp một hệ thống tương tác. Theo thầy Hồ Sĩ Đàm, những chủ đề này đã được các nước tiên tiến trên thế giới nghiên cứu và đưa vào giảng dạy, cũng như được đề cập thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Vì vậy, việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất để giảng dạy CPS trong nhà trường phổ thông là một quyết định mang tính chiến lược và nhân văn, giúp HS Việt Nam, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực tin học hiện đại.

Thứ 10: CT Tin học năm 2018 đã kế thừa tinh hoa trong CT hiện hành và tiếp thu khai thác CT Tin học ở các nước tiên tiến, đặc biệt là Anh và Mỹ. Cụ thể: Khai thác, vận dụng cách tiếp cận phát triển năng lực, phát triển tư duy máy tính; Khai thác có chọn lọc một số nội dung mới, nhất là về mạch kiến thức cuộc sống, cách tiếp cận mới về dạy học đặc biệt là về dạy học thuật toán, lập trình; Khai thác chủ đề về giáo dục đạo đức, pháp luật, ứng xử có văn hóa trong môi trường số; Khai thác vận dụng các chuẩn CT như về yêu cầu HS tự làm ra sản phẩm số, thực hiện dự án học tập, vận dụng kiến thức liên môn, yêu cầu về làm việc theo nhóm, hợp tác, giao lưu.

Tiến sĩ Lee Choo Mooi - Chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đến từ Singapore đã lập bảng đối sánh chi tiết theo từng mạch kiến thức, theo từng chủ đề lớn cả về nội dung và yêu cầu cần đạt trong CT tin học của Việt Nam và CT tin học 4 nước: Anh, Hồng Kông, New Zealand và Singapore. Từ đó bà đưa ra nhận xét: “Các chủ đề trong CT Tin học năm 2018 của Việt Nam hoàn toàn tương tự với CT mà nhiều quốc gia đang giảng dạy cho HS ở độ tuổi phổ thông. Yêu cầu cần đạt về kết quả học tập có sự phù hợp và có sự tăng trưởng cấp độ cho các chủ đề ở mỗi cấp. Vì vậy, CT Tin học của Việt Nam có sự tương đương như CT của các quốc gia khác.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ