Grayson Swigert và Hammond Dunbar là 2 tác giả của kỹ thuật “thẩm vấn nâng cao” trong Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn nghi can khủng bố (DIP) của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Theo truyền thông Mỹ, đó là bí danh của James Mitchell và Bruce Jessen, hai tiến sĩ tâm lý lâm sàng thuộc binh chủng Không quân Mỹ đã về hưu.
Xì-căng-đan 2 trong 1
James Mitchell và Bruce Jessen từng giảng dạy quân nhân Mỹ kỹ năng sống sót khi bị kẻ thù giam cầm và thẩm vấn. Kinh nghiệm của họ chỉ có vậy mà thôi. Thế nhưng, CIA đã giao cho họ thiết kế và thực hiện DIP từ năm 2002 đến 2009 với một hợp đồng trị giá 180 triệu USD.
Khi Tổng thống Obama ra lệnh đình chỉ DIP vào năm 2009, Mitchell và Jessen đã được thanh toán 81 triệu USD. Từ cựu sĩ quan không quân vô danh, Mitchell và Jessen trở thành triệu phú và được CIA “bảo kê” về mặt pháp lý nếu chẳng may bí mật DIP bị “bật mí”.
Nếu chương trình DIP là xì-căng-đan thứ nhất của CIA (báo cáo không trung thực với quốc hội và tổng thống suốt thời gian dài) thì việc giao cho công ty tư nhân Mitchell Jenssen & Associates (thành lập năm 2005) thực hiện 85% nội dung chương trình, đồng thời dùng tiền đóng thuế của dân để trả công được coi là xì-căng-đan thứ hai mà báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện (SIC) phát hiện.
Vì sao CIA phải dùng tư nhân để làm chuyện quốc gia? Sự kiện 11/9/2001 là thất bại lớn nhất của CIA. Khi Tổng thống Bush phát động chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, CIA được giao nhiệm vụ khai thác thông tin từ tù nhân Al-Qaeda. Do không có kinh nghiệm xây dựng, quản lý nhà tù bí mật và thẩm vấn nghi can khủng bố Al-Qaeda, CIA phải thuê mướn nhà thầu tư nhân có kinh nghiệm.
Đầu năm 2002, CIA phát hiện người cần tìm là James Mitchell - 50 tuổi, cựu Trung tá không quân Mỹ trước khi trở thành tiến sĩ tâm lý lâm sàng chuyên về điều trị huyết áp.
CIA đưa cho ông ta nghiên cứu một quyển cẩm nang của Al-Qaeda tịch thu được ở Anh hướng dẫn các thành viên tổ chức khủng bố này cách đối phó với kỹ thuật thẩm vấn của Anh và Mỹ.
Át chủ bài mà TS Mitchell đưa ra để thuyết phục CIA là một học thuyết mang tên “Learned helplessness”. Học thuyết này không phải của Mitchell mà là vay mượn từ TS Martin Seligman, một chuyên gia về hạnh phúc.
Đầu năm 1965, Seligman và các đồng nghiệp phát hiện có thể dùng điện dạy chó trở nên ngoan ngoãn. Mitchell cho rằng nếu áp dụng cho người, cụ thể là dùng các biện pháp tra tấn khốc liệt, thì tù binh dù ngoan cố nhất cũng từ bỏ mọi ý định kháng cự hay vượt ngục và đành phải hợp tác với thẩm vấn viên để tự cứu mạng.
Mặc dù học thuyết kể trên - Mitchell và Jessen khoác cho chiếc áo mới gọi là “thẩm vấn nâng cao” - không được các chuyên gia tâm lý nổi tiếng và thẩm vấn viên dày dạn kinh nghiệm thừa nhận vì thiếu chứng cứ khoa học, CIA vẫn tin dùng 2 tiến sĩ lâm sàng này.
Nhận xét về trình độ chuyên môn của Mitchell và Jessen, báo cáo của SIC vạch rõ: “Cả 2 nhà tâm lý này không có kinh nghiệm thẩm vấn hay hiểu biết gì về Al-Qaeda, về chủ nghĩa khủng bố hay văn hóa và ngôn ngữ của các phần tử khủng bố”.
Thực tế đã chứng minh rằng học thuyết học lóm của Mitchell đã thất bại. Trong đa số trường hợp, sau khi bị nhục hình, nghi can Al-Qaeda chỉ khai ra những gì thẩm vấn viên muốn họ nói (kiểu ép cung) chứ CIA không thu được thông tin có giá trị thật sự.
Cho ăn bằng... hậu môn
Ngoài cẩm nang của Al-Qaeda, Mitchell và Jessen còn học những kiểu tra tấn tù binh Mỹ của Trung Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên để “sáng tác” 12 kiểu tra tấn rùng rợn, vi phạm trắng trợn luật pháp Mỹ và Công ước Geneva.
Hai tiến sĩ lâm sàng hy vọng biến nghi can Al-Qaeda cứng đầu nhất trở nên ngoan ngoãn cung cấp thông tin về âm mưu hay kế hoạch tấn công Mỹ và các nước đồng minh.
Báo mạng Huffington Post trích báo cáo của SIC liệt kê chi tiết kỹ thuật tra tấn tù nhân về thể xác lẫn tinh thần gây bất ngờ cho cả những người viết kịch bản điện ảnh Hollywood giàu óc tưởng tượng nhất. Một trong những kiểu tra tấn sốc nhất là cho ăn bằng hậu môn gây đau đớn tột cùng.
“Sau gần 3 tuần tra khảo không hiệu quả, CIA áp dụng biện pháp táo bạo hơn. Madjid Khan (bị can Al-Qaeda) bị ép ăn và bù nước qua ngả hậu môn 2 chai Ensure (thức uống tăng lực Mỹ)” - trang 115 báo cáo cho biết.
Ngoài chiêu hăm dọa “bắt cóc con, cưỡng hiếp vợ, cắt cổ mẹ”, “chỉ ra khỏi nhà giam trong quan tài”, “kê súng lục (không có đạn) vào đầu bóp cò”, CIA còn có ngón nghề trấn nước (xối nước lạnh liên tục vào mặt mũi được che bằng vải làm ngộp thở, gọi là waterboarding) khiến nghi can có cảm giác đuối nước, mình mẩy tím tái…
“Trong mấy buổi bị trấn nước, KSM (Khalid Sheikh Mohammed, kẻ được cho là chủ mưu vụ tấn công 11-9-2001) đã uống rất nhiều nước.
Tài liệu lưu trữ CIA xác định “bụng KSM căng tròn, chỉ cần nhân viên y tế nhấn vào là nước trào ra miệng. Sợ KSM bị ngộ độc và gây rối loạn điện giải, nhân viên y tế dặn dò lần sau nên đổ nước muối…” - trang 86 báo cáo của SIC.
Công nhật: 1.800 USD
TS Mitchell và Jessen không chỉ được CIA thuê thiết kế, xây dựng chương trình DIP, đào tạo thẩm vấn viên mà còn được giao trọng trách giám sát, đánh giá tình trạng tâm lý của tù phạm.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice lúc bấy giờ biết việc này nhưng không có ý kiến gì sau khi nghe Mitchell thuyết trình. Đặc biệt, họ được mướn thẩm vấn những con “cá bự” với mức thù lao 1.800 USD (38,88 triệu đồng)/ngày, gấp 4 lần thù lao thẩm vấn viên CIA.
Năm 2003, Mitchell và Jessen đến một “điểm đen” (nhà tù bí mật CIA) ở Ba Lan để thẩm vấn KSM. Họ đích thân dùng chiêu trấn nước, chờ nạn nhân mở miệng nói hoặc thở là đổ nước vào. Do KSM “ngoan cố” nên họ kết luận cần tiếp tục trấn nước. KSM bị nhục hình này tổng cộng 183 lần, theo báo cáo của SIC.