Chạy đua cùng mùa hè xây cầu treo trước năm học mới

GD&TĐ -Cây cầu treo ở làng Kép Xoan (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) kiên cố vừa được thay thế cho cây cầu tạm. 4 cây cầu treo khác cùng được khởi công vào cuối tháng 6. Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My cho biết, việc xây dựng phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới.

Phối cảnh công trình điểm trường Tắk Pổ.
Phối cảnh công trình điểm trường Tắk Pổ.

Chờ những bước chân vui đến trường

Một trong những cây cầu treo dân sinh tại xã Trà Nam được bà con dựng lên để di chuyển qua suối vào mùa mưa.

Một trong những cây cầu treo dân sinh tại xã Trà Nam được bà con dựng lên để di chuyển qua suối vào mùa mưa.

Sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa hè này, những thầy cô giáo làm nhiệm vụ “kết nối” các tấm lòng hảo tâm để kiên cố hóa cầu treo tại các xã Trà Nam, Trà Cang chưa có một ngày nghỉ nào.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ thông tin: “Những địa điểm mà chúng tôi chọn để xây cầu đều là những nóc, làng xa trung tâm xã. Bà con chủ yếu đi lại bằng lối mòn. Từ các nguồn vận động, chúng tôi xây dựng cầu treo kiên cố thay thế những chiếc cầu tạm bằng tre nứa, ống sắt hiện có của đồng bào”.

Mỗi cây cầu treo có chi phí khoảng từ 130 - 180 triệu đồng. Nguồn ủng hộ xây 3 cây cầu được CLB Chuyến xe vạn tình quyên góp và chuyển cho CLB Nam Trà My khảo sát, giám sát thi công.

Cô Trà Thị Thu và Nguyễn Thị Thảo – giáo viên (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) đại diện cho CLB thiện nguyện Bắc Trung Nam bày biện lễ vật đơn sơ chỉ gồm ít trái cây, bông hoa… theo phong tục của người Ca dong.

Đó là lễ vật để khởi công xây dựng 2 cây cầu dân sinh tại làng Long Riêu và làng Long Tro (xã Trà Nam). Lễ khởi công xây dựng cây cầu, có sự tham gia của một vị đại diện của nóc để báo cáo với các thần linh, Yang núi, Yang sông.

Đây là món quà của Công ty Dược phẩm TVPharm, các thầy cô giáo mang lên tặng cho bà con dân bản, cho các cháu không phải bó gối nhìn nước lũ dâng cao, chặn luôn đường về nhà sau mỗi buổi học.

Đa số cầu treo của người dân chỉ dài hơn chục mét. Nhiều cây cầu lỏng lẻo đến phát sợ, 2 “mố cầu” được gá tạm vào chạc cây nên chỉ còn cách nhảy xuống đất khi qua hết cầu vì không có đoạn dẫn tiếp đất.

Những tấm gỗ hay thân cây gỗ lót cầu đã mục nát. Thậm chí có những đoạn, mặt cầu chỉ còn trơ các đoạn thép chằng. Để đi được trên những chiếc cầu này, người dân phải lần dò từng bước nếu không muốn lọt xuống suối.

Lan can các cây cầu treo, theo như thầy Vỹ kể, chỉ đơn giản là vài sợi dây thép được buộc vào các gốc cây to ở hai bên suối. Mùa khô, học sinh và người dân có thể lội suối được. Nhưng mùa mưa, nước suối dâng rất nhanh, có khi chỉ sau một cơn mưa giông, nước tràn cả lên cầu.

Để vận chuyển vật liệu xây dựng cầu treo ở làng Kép Xoan, xã Trà Cang đã huy động hơn 250 người dân của thôn 1 và 2. Từ điểm dừng xe tải, phải mất hơn một giờ đồng hồ đường rừng, người dân mới chuyển hết được vật liệu vào đến điểm xây cầu.

Ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch xã Trà Cang cho biết, trên địa bàn xã có 8 cây cầu treo dân sinh được Nhà nước hỗ trợ cây sắt để làm cầu. Nhưng những cây cầu này chỉ thi công thủ công, nên độ chắc chắn không cao.

“Với cầu treo được hỗ trợ xây dựng từ nguồn xã hội hóa, có sự tham gia của cơ khí, có tời, vít, có trụ neo nên sẽ an toàn hơn trong mùa mưa bão. Trước đây, mỗi năm, xã đều phải cấp lại một số cây sắt để thay thế hoặc gia cố lại cầu treo”.

Gùi gạch ngược núi xây trường

Bà con tham gia vận chuyển vật liệu để xây dựng diểm trường Tắk Pổ

Bà con tham gia vận chuyển vật liệu để xây dựng diểm trường Tắk Pổ

Mùa hè năm 2022 trở nên tất bật hơn với các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam. Vừa tập trung hoàn thiện hồ sơ cho đợt kiểm tra công nhận trường chuẩn quốc gia, vừa dồn sức cho công trình xây dựng điểm trường Tắk Pổ.

Điểm trường Tắk Pổ đã khởi công trở lại sau 2 năm bị gián đoạn. Dự kiến, công trình sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng kịp năm học mới 2022 – 2023.

Công trình xây dựng điểm trường Tắk Pổ do Hội cựu sinh viên Học viện Công nghệ AIT và một số nhà hảo tâm tài trợ. Công trình được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Trường mới được xây dựng ngay trên nền phòng học cũ.

Năm 2019, công trình đã thi công xong phần sàn và móng thì buộc phải tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rồi đến những đợt bão lũ liên tiếp xảy ra.

Sau cơn bão số 9 năm 2020 điểm trường này bị nghiêng hẳn và có nguy cơ đổ sụp. Đây như là một cú hích thúc đẩy Hội cựu sinh viên AIT đẩy nhanh việc khởi động lại dự án đầu tư xây mới trường học tại đây.

Do trời mưa kéo dài nên đơn vị thi công không thể di chuyển vật liệu từ điểm tập kết lên đến nóc Tắk Pổ bằng xe máy. Để đảm bảo tiến độ thi công, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trà Tập đã huy động các tổ chức, cán bộ xã, bà con địa phương và các thầy cô giáo đóng góp một ngày công để tập kết vật liệu lên đến chân công trình.

Xi măng chia nhỏ ra từng gói 20kg. Gạch xây dựng được chia nhỏ từng chuyến, đóng từ 8 - 10 viên vào bao tải cát rồi chia cho từng người cõng lên núi.

Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập kể: “Để đưa vật liệu vượt qua con dốc dựng đứng, mỗi người chỉ có thể cõng được khoảng 8 chuyến/1 buổi vì phải nghỉ ở nhiều chặng.

Trước đó, chúng tôi đã huy động xe tải nặng, máy đào chuyên dùng để chia nhỏ vật liệu đưa lên tới điểm tập kết. Dù thùng xe chỉ chứa khoảng 1/3 so với công suất nhưng đường đầy bùn nhão, trơn trượt nên xe cộ không thể di chuyển được”.

Mất một ngày thì toàn bộ vật liệu được vận chuyển lên tận điểm trường. Thầy cô giáo nhà trường đảm nhận việc nấu cơm, phục vụ nước uống cho lực lượng bốc vác vật liệu.

Anh Hồ Văn Tiến - Phó Trưởng nóc Tắk Pổ hào hứng: “Phụ nữ trong nóc cũng tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng trường. Không vác được xi măng thì cũng được gần chục viên gạch.

Đi hết chuyến này thì đến chuyện khác. Đông người làm thì cũng phải xong thôi. Xây trường đẹp cho con mình đi học thì thích quá đi chứ”. Chỉ chưa đầy hai tháng nữa thôi, trên đỉnh núi Ngọc Linh mờ sương, sẽ có một điểm trường khang trang, kiên cố và hiện đại được đưa vào sử dụng, nối dài thêm câu chuyện truyền cảm hứng của Tắk Pổ.

Điểm trường Tắk Pổ được đầu tư xây dựng đang dần hoàn thiện.

Điểm trường Tắk Pổ được đầu tư xây dựng đang dần hoàn thiện.

Cách đây tròn 2 năm, những hình ảnh của buổi lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng của 34 học trò và 2 cô giáo ở điểm trường Tắk Pổ đã chạm tới trái tim của nhiều người. Cô Trà Thị Thu - giáo viên đứng điểm ở Tắk Pổ chia sẻ: “3 năm học qua, tuy rằng đường đến Tắk Pổ không còn phải cắt rừng để đi nhưng vẫn còn những dốc cao, trơn trượt, lầy lội.

Tuy vậy, nhiều anh chị, đội nhóm đã không quản ngại vất vả đem cả yêu thương từ phố lên rừng. Có nhiều bé, nhiều anh chị ở xa và rất xa không có điều kiện đến đây nhưng cũng gửi yêu thương đến.

Đó là vinh dự, niềm vui, hạnh phúc và là động viên lớn lao cho cô trò và bà con nhân dân Tắk Pổ. Những tình cảm lớn lao ấy thật sự làm cho mình, học sinh, bà con vùng đất Tắk Pổ đã thay đổi từng ngày về tinh thần và vật chất”.

Đến thời điểm này, công trình xây dựng điểm trường Tắk Pổ đã xong phần thô của hai phòng học. Theo bản thiết kế, điểm trường Tắk Pổ sẽ được xây dựng kiên cố, đúc bằng bê tông cốt thép để chống chịu được mưa bão, sạt lở, lũ quét. Kiến trúc bám sát địa hình và văn hóa đồng bào bản địa.

Ngoài 2 phòng học, công trình còn có một nhà ở dành cho GV, có bố trí bếp ăn, nhà vệ sinh. Riêng phòng của lớp mẫu giáo có phòng vệ sinh trong phòng học theo đúng chuẩn của bậc học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.