“Ngôi nhà trí tuệ” cho trẻ em nông thôn

GD&TĐ - Ngôi nhà được xây dựng như không gian học tập suốt đời, nơi chia sẻ kiến thức hoàn toàn miễn phí cho mọi người dân nông thôn, đặc biệt hướng đến các bạn nhỏ, cần được trang bị nhiều kỹ năng, phẩm chất, ngoại ngữ nhưng gặp nhiều thiếu thốn về điều kiện, môi trường học tập. 

Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Ngôi nhà trí tuệ (xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Ngôi nhà trí tuệ (xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Nơi chơi và học của những đứa trẻ nông thôn

Chiều Chủ nhật mỗi tuần, Dương Thị Vân Anh (10 tuổi) đạp xe chở em gái là Dương Thị Phương Thảo đến Ngôi nhà trí tuệ ở xóm 7, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An, cách nhà khoảng hơn 3km.

Đây là nơi mà Vân Anh đã đến học gần 1 năm qua, kể từ khi ngôi nhà mở cửa vào tháng 5/2018. Ở đó, còn có gần 100 bạn khác, đủ các lứa tuổi, được chia làm 2 lớp: Lớp bé gồm các bạn từ 6 – 8 tuổi, và lớp lớn dành cho các bạn từ 9 – 14, 15 tuổi.

Vân Anh và các bạn được thầy cô giáo dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, và giải đáp những câu hỏi, thắc mắc từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội… hoàn toàn miễn phí.

Mỗi tháng 2 lần, sẽ có giáo viên người nước ngoài về Ngôi nhà trí tuệ dạy các bạn nhỏ giao tiếp tiếng Anh. Điều này rất kỳ lạ và thu hút đối với những đứa trẻ ở vùng nông thôn này, nơi môi trường để nói, sử dụng tiếng Anh hầu như không có.

Sau gần 1 năm đều đặn đến Ngôi nhà trí tuệ, cô bé Vân Anh rụt rè, ngoan hiền nhưng ngại ngùng trước mọi người nay đã tỏ ra hoạt bát, tự tin rất nhiều trong giao tiếp, kết bạn và cùng nhau chia sẻ ý tưởng với bạn bè. Em cũng mạnh dạn và nói chuyện được bằng tiếng Anh với các bạn và thầy cô.

Để phục vụ các bạn nhỏ, Ngôi nhà trí tuệ được lắp đặt bảng đen, bàn ghế, hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát. Cùng với đó là một thư viện với hàng nghìn đầu sách đủ các thể loại. Các em có thể đọc tại chỗ hoặc đăng ký mượn đem về nhà đọc.

Dự án của người sinh ra từ làng

Người khởi xướng và đứng ra mở cửa Ngôi nhà trí tuệ, chào đón tất cả các bạn nhỏ và bà con là anh Nguyễn Anh Tuấn.

Anh Tuấn đang sinh sống tại TPHCM nhưng huyện Thanh Chương (Nghệ An) chính là nơi anh sinh ra và lớn lên. Khi rời lũy tre làng ra phố, xây dựng sự nghiệp cho mình, cũng là lúc anh ấp ủ thực hiện một dự án giáo dục mở ở nông thôn.

“Ngôi nhà trí tuệ là dự án nhân ái, nhằm xây dựng không gian học tập suốt đời, học như chơi, tập trung từ trẻ em đến người già, với mục tiêu là nơi chia sẻ kiến thức, cách sử dụng kiến thức trong cuộc sống”, Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn cũng cho biết: Dự án của mình sẽ bao gồm nhiều mô đun, nhưng trước mắt tập trung vào những phần cơ bản: Thứ nhất, thư viện miễn phí. Thứ hai, dạy bồi dưỡng thêm các môn nhà trường đang dạy. Các em sẽ được thoải mái hỏi bài, hoặc đề nghị thầy cô phụ đạo kiến thức nếu bị hụt hơi, không theo kịp chương trình trên lớp…

Thứ ba, tập trung vào dạy tiếng Anh, và đưa giáo viên bản ngữ về những nơi không có. Thứ tư, dạy kỹ năng sống như: Cách ứng xử trong các mối quan hệ; thiết lập mục tiêu; sử dụng thời gian; quản lý tiền bạc; hướng nghiệp…

Ngoài ra, sẽ có học bổng cho những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên và đạt được những kết quả học tập tốt.

Trước đó, trong một khoảng thời gian dài, Nguyễn Anh Tuấn đã kết nối, xây dựng tủ sách nhân ái ở nhiều địa phương, và được rất nhiều người ủng hộ. Nhưng khi thực hiện dự án Ngôi nhà trí tuệ, thì mọi người lắc đầu, can ngăn bởi cái khó từ việc thu hút được các em nhỏ, phụ huynh, bà con đến với ngôi nhà.

Những gì mới lạ, ngay từ đầu sẽ có sự nghi ngại từ mọi người. Ngoài ra là vấn đề tài chính, tìm kiếm người quản lý, giáo viên phụ trách…

Anh Tuấn cho biết: “Tôi bắt đầu thực hiện dự án từ quê hương của mình, dùng nhà của mình để làm Ngôi nhà trí tuệ. Ở các nơi khác, sẽ hướng đến những ngôi nhà của người hưu trí, hoặc gia đình đã chuyển ra thành phố, chúng tôi sẽ mượn hoặc thuê nhà.

Cơ sở vật chất sẽ mua sắm dần hoặc từ nguồn xã hội hóa. Các giáo viên cũng chính là thầy cô giáo đang dạy tại địa phương. Ngoài ra, với giáo viên nước ngoài, tôi kết nối với các trung tâm ngoại ngữ ở khu vực thành thị trong tỉnh và trả lương cho họ”.

Lan tỏa trong cộng đồng

Ngoài hoạt động ổn định với số lượng học sinh từ 80 – 100 em, những ngôi nhà này còn đặc biệt thu hút lượng giáo viên ổn định đến dạy học, chia sẻ kiến thức với các em.

Thầy Nguyễn Lê Hoài (GV Tiếng Anh, Trường THCS Tôn Quang Phiệt, huyện Thanh Chương), một trong những người thường xuyên đứng lớp tại Ngôi nhà trí tuệ, chia sẻ: “Trong các buổi học, chúng tôi chủ yếu đưa ra các chủ đề gần gũi với thực tế để HS trao đổi, bàn luận với nhau, đưa ra ý kiến của mình. Qua đó, giúp các em thể hiện tính sáng tạo, năng khiếu cá nhân. Những buổi học cởi mở, thân thiện không chỉ riêng các em mà thầy cũng hứng khởi”.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt (GV Trường THCS Thanh Liên, Thanh Chương) vừa đứng lớp vừa quản lý hoạt động Ngôi nhà trí tuệ xã Thanh Tiên vui mừng nói: “Bà con và các tổ chức đoàn thể tại đây đã ủng hộ và đồng hành cùng “Ngôi nhà trí tuệ” như dọn vệ sinh sân vườn, cây cỏ, đón tiếp thầy cô giáo, HS từ các nơi xa về dạy, học”.

Nhiều giáo viên nước ngoài hoặc các địa phương khác về dạy, được bà con đón về ở trong nhà, tham quan, trải nghiệm những cảnh đẹp. Mối quan hệ giữa thầy cô, tình nguyện viên với HS, phụ huynh gắn bó, chia sẻ nhiều giá trị sống.

Ngoài ra, dự án còn mời những người thành đạt về nói chuyện, truyền cảm hứng và chia từ câu chuyện của họ về cách vượt khó, vươn lên để lập nghiệp. Qua đó, tạo động lực, niềm tin cho thế hệ trẻ phấn đấu trong tương lai.

Với những người điều hành Ngôi nhà trí tuệ, việc chọn đầu tư vào tri thức chính là một cách hỗ trợ bền vững, lâu dài, giúp cho người thụ hưởng có thể tự lực vươn lên bằng năng lực, tri thức và đức hạnh của chính mình, để nối tinh thần nhân ái.

Hiện nay, ngoài điểm xuất phát ở huyện Thanh Chương, dự án đã mở rộng thêm một Ngôi nhà trí tuệ ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành hoạt động từ tháng 12/2018. Nhóm của anh Nguyễn Anh Tuấn cũng đang xây dựng, chuẩn bị ra mắt 2 ngôi nhà khác tại Hà Tĩnh và Ninh Bình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.