Ngôi nhà di sản của những người làm báo

GD&TĐ - Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới đưa vào hoạt động nhưng đã nhanh chóng trở thành ngôi nhà di sản của những người làm báo Việt Nam.

Một góc gian trưng bày giới thiệu Báo chí quốc ngữ từ những giai đoạn đầu hình thành. Ảnh: TG
Một góc gian trưng bày giới thiệu Báo chí quốc ngữ từ những giai đoạn đầu hình thành. Ảnh: TG

Nơi đây đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật của các thế hệ nhà báo. 

Hơn 500 nhà báo đã hy sinh

So với nhiều ngành khác, Bảo tàng Báo chí Việt Nam “sinh sau đẻ muộn”. Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, khi có quyết định thành lập bảo tàng cũng là lúc đối mặt nhiều khó khăn.

Đó là sự mai một, thất lạc, vắng bóng của những tờ báo thời kì đầu. Có những chuyện “nhỏ” như thói quen đọc xong bảo quản dẫn đến hậu quả rút ngắn tuổi đời, giảm thiểu sự tồn tại của tư liệu. Phải chạy đua với thời gian để níu kéo những bản nhật trình còn sót lại đâu đó trong bộ sưu tập cá nhân hiếm hoi. Làm sao để những bản báo viết tay, in bằng đá, bằng thạch trong những năm đầu thế kỷ 20 không tiếp tục bị cũ nát hay bị phá hủy hoàn toàn…

“Nói chung, hành trình từ khi ra đời đến nay, ở góc độ thực tế có thể nói đó là “từ không đến có”, từ “không thể” trở thành “có thể”. Vất vả và áp lực vô cùng nhưng chúng tôi rất vui và rất tự hào”, bà Kim Hoa nói.

Hình tượng Bút Sen kết bằng tên các cơ quan và ấn phẩm báo chí Việt Nam các thời kỳ tại Gian khánh tiết Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Hình tượng Bút Sen kết bằng tên các cơ quan và ấn phẩm báo chí Việt Nam các thời kỳ tại Gian khánh tiết Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Hiện, nội dung trưng bày tại Bảo tàng bao gồm 5 phần. Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 và Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 15.000 m2 bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… Nhiều giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa đã được áp dụng để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng khi đến với bảo tàng.

Theo bà Kim Hoa, nhiều nhà báo đến đây đều thấy mình nhỏ bé trước những cống hiến lớn lao của các thế hệ tiền bối. “Những năm 1865 - 1925, người dân mình hầu hết không biết chữ, báo chí quốc ngữ vẫn ra đời, vẫn phát triển. Đó là bởi những nhà báo yêu nghề, làm nghề và ngẩng cao đầu kiêu hãnh với ngòi bút trong tay. Nhiều người bày tỏ lòng yêu nước trước nhà cầm quyền thực dân và luật pháp đô hộ hà khắc.

Có tờ báo như “Le Nhà quê”, năm 1926, chỉ ra được số đầu tiên và cũng là số duy nhất thì bị đình bản. Chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Khánh Toàn lập tức bị thống đốc Nam Kỳ bắt giam và xử án. Thời kỳ cách mạng, báo chí được kiến tạo bằng niềm tin và ý chí kiên cường. Những bậc tiền bối sẵn sàng đánh đổi bằng xương máu và lao tù vì lý tưởng cách mạng. Đó là những cây bút xuất sắc như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…”, bà Hoa dẫn chứng.

Thời chống Mỹ, báo chí của chúng ta đã phát triển lên một bước. Ở hậu phương miền Bắc, truyền hình ra đời dưới bom Mỹ. Ở tiền tuyến miền Nam, báo chí có mặt từ trên đỉnh Trường Sơn đến tận chiến khu Tây Ninh… “Chỉ thế thôi, đã có thể hình dung được các bậc tiền bối làm báo gian khổ và vinh quang thế nào. Kể từ năm 1945 đến nay, đã có trên 500 người làm báo hi sinh vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Bức tường tưởng niệm các nhà báo - chiến sĩ đã ngã xuống, được dựng lên tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam để bày tỏ niềm tôn kính và biết ơn, vẫn luôn được nhiều công chúng và đồng nghiệp báo chí hôm nay tìm đến…”, bà Hoa chia sẻ.

Kệ kim cương trưng bày 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí thế giới xếp hạng cổ nhất trên thế giới, trong đó có 2 tờ báo của Việt Nam: Tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ và Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.
Kệ kim cương trưng bày 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí thế giới xếp hạng cổ nhất trên thế giới, trong đó có 2 tờ báo của Việt Nam: Tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ và Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.

Hiện vật là bằng chứng thuyết phục nhất

Hiện, Bảo tàng lưu giữ và giới thiệu hơn 30.000 hiện vật. Mỗi hiện vật đều có thể cất lên tiếng nói, kể một câu chuyện. Những câu chuyện không chỉ về người và nghề, mà qua đó vang vọng những câu chuyện của lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, theo bà Kim Hoa, hiện mới chỉ có khoảng 700 hiện vật và tư liệu được xét chọn trưng bày trong các không gian của Bảo tàng, trong đó 95% là bản gốc. Vẫn còn nhiều bộ báo chí quý các thời kỳ, đặc biệt là một số hiện vật quý chưa được đưa vào trưng bày thường xuyên. Ví như bộ sưu tập báo chí nước ngoài với hình ảnh Hồ Chủ tịch trên trang bìa, báo chí yêu nước Sài Gòn trước 1975, chiếc đài bán dẫn sử dụng để khai thác tin tức phục vụ làm báo ở chiến khu Đông Nam Bộ những năm 60 của thế kỷ trước...

Bà Hoa khẳng định: Hiện vật là bằng chứng thuyết phục nhất, trung thực nhất. Phải có hiện vật thì mới kể được câu chuyện làm báo chính xác và hấp dẫn. Điều này khiến chúng tôi càng kiên trì và nung nấu quyết tâm, sẵn sàng đi nhiều hơn, gặp nhiều hơn, không ngại khó, không ngại khổ. Chỉ có như vậy, mới có thể có được những cơ hội, những may mắn. Trong mấy năm qua, ngồi một chỗ chờ sung rụng không bao giờ là cách mà chúng tôi chọn lựa nhằm tiếp cận những mục tiêu đã đề ra!

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Bảo tàng đã tổ chức được nhiều sự kiện, triển khai nhiều cuộc trưng bày chuyên đề, các tọa đàm khoa học được đánh giá cao. Điển hình là các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”;  “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ”; “Nhà báo Trương Vĩnh Ký”; “Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động”; “Báo chí Việt Nam 1865 - 2020: Những ấn phẩm đầu tiên”; “Báo Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”; “Báo chí Việt Nam 1946 - 1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc”…

Bên cạnh đó, Bảo tàng đã đón tiếp nhiều nhà báo, cơ quan báo chí, gia đình nhà báo, nhà nghiên cứu, sinh viên ngành Báo chí, Truyền thông, Việt Nam học, Văn học… đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Từ ngày 19/6/2020 đến nay, Bảo tàng đã đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan. Một số cơ quan báo chí lớn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ ngay tại bảo tàng…

“Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi lúc này chính là làm sao được công chúng quan tâm nhiều hơn. Ngoài quyết tâm, chúng tôi đang rất cần thời gian và khả năng sáng tạo nhằm rút ngắn những quãng đường dài phía trước…”, bà Kim Hoa thổ lộ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ