Ngôi nhà chung của những người làm báo

Ngôi nhà chung của những người làm báo

Những ngày tháng tư lịch sử này, nhân dân cả nước đang  tưng bừng với Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn đất nước. Tiếp đó là  khoảng thời gian  trùng hợp nhiều kỷ niệm rất có ý nghĩa: 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 65 năm Quốc khánh 2-9, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

d
Các thế hệ nhà báo tại Lễ khánh thành bia di tích lịch sử quốc gia thành lập Hội nhà báo VN (ngày 20/4/2005)

Với những người làm báo, niềm vui được nhân lên khi đây cũng là dịp chúng tôi được hành hương trở về nơi phát tích Hội nhà báo vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Đích đến là xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mắc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Từ Trung tâm TP. Thái Nguyên đi ngược lên, theo QL 3 đến cây số 31 thì rẽ vào địa phận huyện Định Hóa. Xe chúng tôi men theo con đường nhỏ trải nhựa dưới chân những triền núi. Trước mắt chúng tôi xóm Roòng Khoa hiện ra với một màu xanh mướt mát của cây chè. Chè ở đây có ở mọi nơi. Trong vườn nhà, trên đồi, sườn núi và cả dưới những thung lũng nhỏ. Bởi một lý đơn giản, chè là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Từ hơn 10 năm nay, Roòng Khoa đã làm xong việc “xóa nghèo”, nhà nào cũng có bát ăn, bát để, có tiền xây dựng nhà cửa khang trang, cho con, cháu học hành đầy đủ. Đường điện kéo về từng nhà dân. Mỗi gia đình đều có ti-vi, đài bán dẫn để theo dõi thời sự và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần của hai phương tiện thông tin quan trọng này. Những con đường cũng đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp thuận tiện cho việc đi lại. Nhiều nhà ở Roòng Khoa đã có xe máy.

Nhớ lại những ngày đầu, nơi núi rừng Việt Bắc heo hút, đồng chí Xuân Thủy, nhà cách mạng, nhà báo, nhà thơ nổi tiếng, chủ nhiệm Báo Cứu quốc được bầu làm Hội trưởng Hội những người viết báo Việt Nam đã sống và làm việc. Việc ra đời một tổ chức thống nhất của những người viết báo Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của giới báo chí cách mạng Việt Nam.

Trải qua 60 năm, từ gần 200 nhà báo hoạt động tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có hơn 17.000 nhà báo công tác tại hơn 700 cơ quan báo chí khắp cả nước. 

Tháng 4/1949, với sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng - lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được Đoàn báo chí kháng chiến mở tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, Đại Từ để đào tạo cán bộ báo chí, thu hút gần 60 học viên được. Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hoá) diễn ra một sự kiện trọng đại đối với giới báo chí Việt Nam.

Đó là Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) mở ra một trang sử mới cho giới thông tin, báo chí cách mạng Việt Nam.

Mục đích tôn chỉ của Hội Những người viết báo Việt Nam ngay từ khi mới ra đời là nhằm góp phần đưa kháng chiến đến thành công, đồng thời đề ra nhiệm vụ lâu dài: Phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng ấy quán xuyến mọi hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) gần 60 năm qua. Đến nay, HNBVN đã trải qua 7 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam  đều mang dấu ấn của nhiệm vụ chính trị chung của dân tộc trong từng giai đoạn.

Tháng 8 năm 2004, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định công nhận di tích lịch sử nơi thành lập Hội những người viết báo Việt Nam là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngày 20/4/2005, một tấm bia di tích bằng đá cẩm thạch đã được dựng lên trên nền hội trường Mặt trận Liên Việt, ghi lại điểm mốc lịch sử đáng nhớ của báo chí cách mạng Việt Nam. Tiếp sau đó, nhà che bia đã được Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên dựng lên, tạo nên một điểm du lịch lịch sử không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến thăm khu di tích lịch sử ATK (chỉ An toàn khu – Thủ đô kháng chiến của Chính phủ ta thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp - PV)

Bác Hồ đọc báo ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951
Bác Hồ đọc báo ở ATK năm 1951

Và mới đây thôi, Công trình Nhà trưng bày di tích lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng đã hoàn thành sẽ là ngôi nhà chung rộng mở đón những người con thân yêu của mình về sinh hoạt truyền thống.

Sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam là một minh chứng nữa về tầm nhìn xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người từng đặt chân đến nhiều nước trên thế giới, cây bút sáng lập và chủ trương một tờ báo tiếng Pháp xuất bản tại thủ đô Pa-ri, Bác Hồ hiểu rõ hơn ai hết vai trò của hội, đoàn trong nghề nghiệp, đặc biệt một nghề tiềm ẩn nhiều gian nan trắc trở như làm báo.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội, những người viết báo Việt Nam hướng về cội nguồn, tâm nguyện không ngừng phấn đấu, rèn luyện kế thừa truyền thống nền báo chí cách mạng vẻ vang, kế tục và phát huy hơn nữa nhiệm vụ là " người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa" phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới.

Minh Thái (HNB)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.