Cuộc thi ý nghĩa cho những người làm báo

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của nhà báo Đào Thị Thanh Xuân - đại diện cho nhóm tác giả của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM với loạt bài "Ngược dòng gieo những mầm xanh" dự Giải báo chí Toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục năm 2020.

Biên tập viên Thanh Xuân (ngoài cùng bên phải), biên tập viên Hồng Thúy (thứ 2 từ trái sang) trong phòng thu của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Ảnh NVCC
Biên tập viên Thanh Xuân (ngoài cùng bên phải), biên tập viên Hồng Thúy (thứ 2 từ trái sang) trong phòng thu của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Ảnh NVCC

Nhà báo Đào Thị Thanh Xuân từng có thời gian gắn bó với mảng giáo dục, hiện là Trưởng phòng Công tác xã hội và bạn nghe Đài.

Chia sẻ về cuộc thi, nhà báo Thanh Xuân cho hay, “cá nhân tôi nghĩ Giải báo chí Toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục là một giải thưởng rất có ý nghĩa với những người làm báo nói chung và phóng viên mảng giáo dục nói riêng.

Mỗi tác phẩm mà phóng viên viết đều phản ánh một cách chân thực, sống động về những thành tựu của ngành giáo dục, những nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo trên mọi miền của đất nước, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân đối với sự nghiệp giáo dục.

Đồng thời cũng phản ánh và góp ý cho những vấn đề mà ngành giáo dục còn phải đối mặt và đưa ra những lập luận phản biện đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Đối với các phóng viên, việc đoạt được giải thưởng cũng là những ghi nhận nỗ lực tích cực của các anh chị trong quá trình làm ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao. Phát hiện ra những tấm gương luôn hết mình vì sự nghiệp giáo dục". 

Theo nhà báo Đào Thị Thanh Xuân, sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy cô giáo, đòi hỏi mỗi thầy cô phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, tình yêu nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vinh dự của một nghề cao quý.

"Bản thân tôi và các đồng nghiệp vẫn nỗ lực mỗi ngày trong các tác phẩm báo chí của mình, đối với giải thưởng này, thật sự toàn bộ ekip và nhóm tác giả rất vui, bởi đây là sự nỗ lực rất nhiều năm khi chúng tôi thực hiện chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt vận động xây dựng những ngôi trường ở vùng sâu vùng xa, những vùng thật sự khó khăn của đất nước mình.

Giải thưởng chính là sự công nhận những cố gắng không những của ekip mà của hàng ngàn những thính giả, mạnh thường quân, doanh nghiệp thường xuyên theo dõi chương trình và âm thầm đóng góp cho những ngôi trường được xây dựng nên".

Đại diện của nhóm tác giả của Đài Tiếng nói Nhân dân với loạt bài “Ngược dòng gieo những mầm xanh” chia sẻ, nhằm chuyển tải toàn bộ hành trình trong rất nhiều năm qua của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt khi vận động cho hoạt động sửa chữa và xây dựng những ngôi trường ở những vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở những vùng núi cao tại các tỉnh Tây Bắc, hay tại tỉnh Nghệ An -biên tập viên Hồng Thúy cùng ekip thực hiện chương trình của mình đã không quản ngại đường xa đi thực tế tại những vùng biên giới này, ở những nơi khi trời lạnh quá các em phải đứng cong như hình dấu hỏi.

"Tận mắt chứng kiến những khó khăn của thầy cô và các em học sinh nơi đây, trở về, chúng tôi đã vận động trên làn sóng để rồi số tiền ủng hộ của doanh nghiệp và các mạnh thường quân, thính giả đã được chuyển đi để xây dựng những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, các em nhỏ cũng vì vậy mà thích đến trường, còn thầy cô cũng có thêm những phòng công vụ để nghỉ ngơi sau những giờ lên lớp.

Quá trình thực hiện loạt bài, rất nhiều những kỷ niệm đọng lại trong hành trình của những chuyến đi, ngồi trên xe bán tải vượt qua những con dốc cao thăm thẳm, rồi chuyển sang xe máy chênh vênh bên cạnh những đoạn đường sạt lở, hiểm nguy hoặc đi bộ mấy tiếng đồng hồ trong thời tiết mưa phùn lạnh buốt.

Nhìn thấy cô trò, ngồi trong những lớp học được quây bằng bạt hay những mảnh ni lông, đốt những thanh củi để sưởi ấm trong tiết trời lạnh ngắt. Những người cô, người thầy dù tuổi xuân đã trôi qua nhưng vẫn cố khép lại những niềm riêng để lo cho lứa học trò của mình. Thật sự vô cùng xúc động.

Và chúng tôi cũng không thể nào quên câu chuyện bên sườn núi, nơi mà để học trò của mình học được con chữ thì các thầy cô phải lặn lội đi qua biết bao ngọn đồi để vận động, để đưa các em đến trường. Con đường mà các em đi cũng chính là con đường thanh xuân của biết bao thầy cô giáo.

Quá trình vận động xây dựng trường lớp, chúng tôi hồi hộp dõi theo từng tin nhắn của những thính giả, mạnh thường quân, của doanh nghiệp để rồi vỡ òa với những niềm cảm xúc rất thật. Ngày trở lại khánh thành nhìn các em học sinh rạng rỡ trong ngôi trường thơm mùi sơn mới, những mảng sân sạch sẽ nở đầy hoa, thầy cô có phòng công vụ để nghỉ ngơi sau những giờ tan lớp; là lời thì thầm “Con thích ở trường hơn ở nhà vì ở trường rất ấm”...". 

Tất cả những kỷ niệm ấy là hành trang cho ekip vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình, tiếp tục vận động cho những ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa hay vùng cao hoặc nơi biển đảo trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.