Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã gây ngạc nhiên khi trả lời đài phát thanh RTL. Ông cho biết: “Có hai loạt hoạt động, đó là không kích - điều mà chúng ta đang làm, và lực lượng trên bộ - không thể là quân Pháp, mà có thể vừa là Quân đội Syria Tự do (phe đối lập), lực lượng Ả Rập theo phái Sunni, lực lượng Kurdistan - tất nhiên, và quân chính phủ Syria. Tại sao không chứ?”
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) gặp người đồng cấp Nga Serguei Lavrov tại Điện Kremlin ngày 26/11. (Ảnh: AFP). |
Phát biểu trên đây từ một nhân vật cấp cao trong chính phủ Pháp vốn luôn tỏ ra phản đối Tổng thống Syria Bachar al-Assad, đã gây bất ngờ lớn vì Ngoại trưởng Pháp thường xuyên ví von rằng “Assad và khủng bố chỉ là mặt trái của cùng một chiếc mề-đay”.
Đang trong chuyến thăm Moskva, Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem lập tức hoan nghênh ý định của Pháp phối hợp với quân đội của chính phủ Syria và các lực lượng khác trên thực địa để chống IS và cho rằng “Dù muộn còn hơn không”.
Bị cho là thay đổi hẳn lập trường, sau đó ông Fabius phải giải thích thêm rằng: “Việc kết hợp tất cả các lực lượng tại Syria, kể cả quân đội của chính quyền Damascus, để chống lại IS đương nhiên là được mong chờ, nhưng chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ một quá trình chuyển đổi chính trị đáng tin cậy”.
“Đó là mục tiêu mà chúng tôi luôn quyết tâm theo đuổi”, Ngoại trưởng Pháp cũng nhấn mạnh trong một thông cáo.
Các vụ khủng bố đẫm máu tại Paris đêm 31/10 vừa qua đã khiến Pháp không còn đòi hỏi điều kiện tiên quyết cho một giải pháp về Syria là ông Assad phải ra đi. Tổng thống François Hollande tuyên bố ưu tiên hàng đầu là cuộc chiến chống IS – “kẻ thù tại Syria”.
Ý kiến trên được Ngoại trưởng Laurent Fabius đưa ra ngay sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Hollande nhằm tìm kiếm một liên minh quốc tế rộng rãi chống IS. Sau chuyến thăm này, Pháp và Nga quyết định phối hợp không kích IS tại Syria.
Tổng thống Vladimir Putin hứa hẹn không oanh kích phe nổi dậy ôn hòa đang chiến đấu chống chế độ Damascus, nếu được chỉ rõ “những lực lượng nào không phải là khủng bố và đang đánh IS” .
Tuy nhiên khả năng thành lập một liên minh quốc tế rộng rãi chống lực lượng thánh chiến nay càng trở nên rất mong manh, bởi Pháp và Nga vẫn tiếp tục bất đồng về số phận của Tổng thống Syria al-Assad.
Phía Nga cho coi “quân đội chính phủ Syria là một đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến chống khủng bố”. Còn ông Fabius nêu rõ: “Chúng tôi không nói rằng ông Assad phải ra đi ngay, mà vào giai đoạn cuối. Ông ta không thể là tương lai của nhân dân Syria".