Những nội dung cần chú trọng
Trả lời câu hỏi “Phương pháp GD chú trọng những điểm mới nào?”, ThS.GVC Nguyễn Thị Đông cho biết: Việc đổi mới phương pháp GD Mĩ thuật theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực HS là trọng tâm của chương trình môn Mĩ thuật. Do vậy, phương pháp GD cần có cách tiếp cận mới, thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:
Dạy học không chỉ trang bị kiến thức cho HS mà chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề thẩm mĩ trong thực tế. Dạy học chú trọng tích hợp, lồng ghép hoạt động thực hành (tạo sản phẩm mĩ thuật) với thảo luận (tìm hiểu, nhận biết kiến thức, kĩ năng, khám phá giá trị thẩm mĩ ở tác phẩm, sản phẩm, di sản văn hóa nghệ thuật…). Đồng thời, tăng cường khai thác, vận dụng đa dạng chất liệu, vật liệu sưu tầm, sẵn có và sử dụng, phối hợp các hình thức thực hành, sáng tạo; Vận dụng đa dạng các không gian, môi trường học tập, trải nghiệm trong và ngoài lớp, ngoài trường thông qua học cá nhân, học nhóm, học theo dự án… trong tổ chức dạy - học.
Chia sẻ về các phẩm chất chủ yếu mà môn học góp phần hình thành, phát triển thông qua phương pháp GD, theo ThS.GVC Nguyễn Thị Đông, thông qua việc tổ chức các hoạt động thảo luận, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, giáo viên giúp HS nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ về bản thân và thế giới xung quanh, tình yêu nghệ thuật và cuộc sống; nâng cao nhận thức về tình yêu gia đình, quê hương, tình thân ái giữa con người với con người, ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa, thẩm mĩ.
Cùng với đó, trân trọng các sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật và sự sáng tạo của nghệ sĩ; bồi dưỡng niềm tự hào về truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc, ý thức tôn trọng sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đời sống thẩm mĩ của cá nhân và cộng đồng. Rèn luyện cho HS đức tính chuyên cần, tính trung thực, tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, tính tự lực, tinh thần hợp tác trong giải quyết đề học tập và vận dụng thực tiễn...
Với việc hình thành, phát triển các năng lực chung, ThS.GVC Nguyễn Thị Đông cho biết: Trong dạy học môn Mĩ thuật, giáo viên tổ chức các hoạt động học tập, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo đa dạng với sự tham gia tích cực, chủ động của HS. Đặc biệt, cần khích lệ HS sẵn sàng cho việc thực hành, sáng tạo và thảo luận nghệ thuật thông qua việc chuẩn bị, xác lập mục tiêu học tập, thiết kế nội dung, kế hoạch, dự án học tập… và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ học tập của cá nhân, của nhóm, góp phần nâng cao năng lực tự chủ và tự học ở HS.
Dạy học Mĩ thuật có nhiều ưu thế hình thành và phát triển ở HS năng lực giao tiếp và hợp tác. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học kết hợp lồng ghép thảo luận và thực hành nghệ thuật, HS được thường xuyên tham gia trao đổi, chia sẻ về tác giả, nghệ sĩ, về tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật, di sản văn hóa nghệ thuật; giới thiệu kết quả học tập, thực hành của cá nhân, bạn bè; bày tỏ cảm nhận, suy nghĩ, quan điểm về thẩm mĩ… tạo nên kết quả học tập của nhóm dựa trên những cách thức hợp tác khác nhau.
Trong tổ chức hoạt động dạy học, giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thích hợp, giúp HS có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân để tìm hiểu, khám phá và thực hành, trải nghiệm, phát hiện yếu tố thẩm mĩ trong nghệ thuật và đời sống; khích lệ HS đề xuất vấn đề, ý tưởng thẩm mĩ và lựa chọn giải pháp thể hiện; khuyến khích HS tiếp tục đổi mới trong tiến trình học tập trên cơ sở nhận thức và tư duy phản biện thẩm mĩ, góp phần hình thành, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo ở HS.
HS tiểu học thực hành môn Mĩ thuật |
Hình thức kiểm tra, đánh giá đặc trưng của môn học
Mục tiêu đánh giá kết quả GD mĩ thuật là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của từng HS. Giúp HS tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân và tự điều chỉnh hoạt động học tập; giúp giáo viên biết được những tiến bộ và hạn chế của HS, từ đó có hướng dẫn kịp thời và điều chỉnh kế hoạch GD, hoạt động dạy học một cách phù hợp; giúp nhà quản lí hiểu rõ chất lượng GD, làm căn cứ để có những điều chỉnh và nâng cao chất lượng GD. Giúp cha mẹ HS hiểu rõ những tiến bộ của con và có những biện pháp, phối hợp GD với nhà trường. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của HS.
Theo ThS.GVC Nguyễn Thị Đông, môn Mĩ thuật sử dụng các hình thức đánh giá chủ yếu như sau:
Đánh giá thông qua quan sát: Quan sát quá trình HS thực hành, thảo luận, thực hiện nhiệm vụ học tập trong lớp, ngoài lớp/ngoài trường, tham gia dự án nghiên cứu… bằng cách sử dụng bảng quan sát, bảng kiểm, hồ sơ học tập...
Đánh giá thông qua sản phẩm: Thực hành, sáng tạo; bài tự luận, bài trắc nghiệm khách quan, báo cáo kết quả sưu tầm, kết quả thực hiện dự án học tập…
Đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình: Trả lời câu hỏi, phỏng vấn, thuyết trình ý tưởng, kết quả tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu, phân tích, chia sẻ cảm nhận, quan điểm…
Để hình thành, phát triển hoạt động sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ ở HS, trong tổ chức dạy học, giáo viên vận dụng các yếu tố kích thích khả năng thực hành, sáng tạo của HS bằng những cách thức khác nhau; khuyến khích HS thử nghiệm và đổi mới, kích thích tư duy, khả năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và liên hệ, ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, cần có những hướng dẫn cụ thể để HS chủ động chuẩn bị, sẵn sàng học tập, sáng tạo nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, thúc đẩy sự hứng khởi ở HS. Khi sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học, giáo viên cần tích hợp, lồng ghép hoạt động thực hành, sáng tạo, ứng dụng thẩm mĩ với thảo luận, cũng như kết hợp quan sát, nhận thức và phân tích, đánh giá thẩm mĩ trong tiến trình dạy học.
Chương trình môn Mĩ thuật khuyến khích giáo viên kết hợp hài hoà giữa đánh giá thường xuyên (quá trình) và đánh giá tổng kết (định kì); trong đó, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong toàn bộ tiến trình dạy học và tích hợp trong các hoạt động dạy học; đánh giá tổng kết được thực hiện ở thời điểm gần hoặc cuối một giai đoạn học tập (cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học). Dù đánh giá thường xuyên hay đánh giá tổng kết cũng cần đảm bảo kết hợp giá định tính và đánh giá định lượng. Đánh giá định tính được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học; đánh giá định lượng được sử dụng chủ yếu ở cấp THCS và THPT, đảm bảo phân hoá dần ở các lớp học trên.
Chia sẻ những lưu ý trong đánh giá kết quả GD chương trình môn học, ThS Nguyễn Thị Đông cho biết: Việc đánh giá phẩm chất của HS trong môn Mĩ thuật chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp định tính, thông qua quan sát, ghi chép, nhận xét bằng lời về thái độ, tình cảm, hành vi ứng xử của HS khi tham gia các hoạt động mĩ thuật. Việc đánh giá năng lực đặc thù của môn học chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp định lượng; coi trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS trong học tập và những tình huống khác nhau; chú ý đánh giá vì sự tiến bộ của HS.
“Các công cụ đánh giá cần bảo đảm tính tin cậy, toàn diện, khách quan, chính xác và phân hóa; kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức đánh giá, bao gồm việc HS tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng; quan tâm đến những HS có sự khác biệt so với các HS khác về tâm lí, sở thích, về khả năng và điều kiện tối thiểu học tập. Nhà trường thông tin kịp thời về thời điểm đánh giá, hình thức đánh giá, công cụ đánh giá để HS chủ động tham gia quá trình đánh giá” - ThS.GVC Nguyễn Thị Đông lưu ý thêm.