Ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Tiếng Pháp và Tiếng Nga trong Chương trình GDPT mới đều là ngoại ngữ thứ 2, là môn học tự chọn, được tổ chức giảng dạy có thể từ lớp 6 đến hết lớp 1.

Trong giờ Tiếng Pháp tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Hữu Cường
Trong giờ Tiếng Pháp tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Hữu Cường

Chương trình môn Tiếng Pháp

Theo các chương trình môn học ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT: Chương trình môn Tiếng Pháp giúp người học hình thành năng lực sử dụng tiếng Pháp cơ bản, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp một cách tự tin trong những tình huống giao tiếp gần gũi, quen thuộc trong đời sống hằng ngày, tạo tiền đề cho việc làm chủ và sử dụng tiếng Pháp tương đối thành thạo như một công cụ giao tiếp mới, tạo hứng thú và thói quen học tập ngoại ngữ suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể: Sau khi kết thúc giai đoạn 1, HS có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Pháp về các chủ điểm, chủ đề gần gũi, quen thuộc như cuộc sống hằng ngày, gia đình, nhà trường, thiên nhiên, những vấn đề xã hội... thông qua các hoạt động ngôn ngữ: nghe, nói tương tác, nói độc thoại, đọc, viết. Có kiến thức nhập môn về tiếng Pháp, bao gồm từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm. Có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người, nền văn hoá của nước Pháp và các nước nói tiếng Pháp. Hứng thú với việc học tiếng Pháp. Bước đầu hình thành phương pháp học tiếng Pháp có hiệu quả.

Kết thúc giai đoạn 2, HS có thể sử dụng tiếng Pháp để giao tiếp và biểu đạt được những suy nghĩ của bản thân về các chủ điểm, chủ đề gần gũi, quen thuộc như cuộc sống hằng ngày, gia đình, nhà trường, thiên nhiên, những vấn đề xã hội... thông qua các hoạt động ngôn ngữ: Nghe, nói tương tác, nói độc thoại, đọc, viết.

Có kiến thức sơ cấp về tiếng Pháp, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Pháp; có những hiểu biết nhất định về đất nước, con người và nền văn hoá Pháp và các nước nói tiếng Pháp trên thế giới. Có thái độ tích cực, chủ động trong việc học tập, tìm hiểu ngôn ngữ và văn hoá Pháp; góp phần tăng thêm hiểu biết ngôn ngữ văn hoá Việt Nam. Hình thành và sử dụng các phương pháp học tập khác nhau để phát triển năng lực giao tiếp và tích luỹ tri thức ngôn ngữ, văn hoá Pháp trong và ngoài lớp học.

Nội dung cốt lõi của môn Tiếng Pháp bao gồm các chủ điểm, chủ đề và các kĩ năng giao tiếp cơ bản: Nghe, nói, đọc, viết. Kiến thức ngôn ngữ: Từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, văn hóa - xã hội được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS và được tích hợp trong quá trình rèn luyện các kĩ năng giao tiếp và năng lực hành động.

Để thực hiện các yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp, chương trình chọn 14 chủ điểm giao tiếp đã được xác định trong Khung tham chiếu châu Âu về ngoại ngữ và đây cũng là các chủ điểm phù hợp và liên quan đến lứa tuổi và tâm lí của HS THCS và THPT. Cụ thể: Danh tính cá nhân; nơi ở; cuộc sống hàng ngày; nghỉ ngơi và giải trí; giao thông và du lịch; quan hệ gia đình, xã hội và hiệp hội; sức khỏe; giáo dục; cửa hàng và mua sắm; đồ ăn và đồ uống; dịch vụ; ngôn ngữ; môi trường; khoa học và kĩ thuật.

Các chủ điểm này có thể được lặp lại và mở rộng qua các năm học, từ đó cho phép HS củng cố và mở rộng kiến thức, rèn luyện các kĩ năng giao tiếp và phát triển năng lực hành động của mình trong khuôn khổ một chương trình thống nhất. Thông qua các chủ điểm này, HS sẽ được tiếp cận với thực tiễn cuộc sống của nước Pháp và của các nước nói tiếng Pháp để trên cơ sở đó có sự đối chiếu với thực tế ở Việt Nam. Đây là nền tảng để HS phát triển năng lực giao tiếp và năng lực hành động. Hệ thống chủ điểm được cụ thể hoá thông qua các chủ đề. Việc chọn các chủ đề tương ứng với từng chủ điểm căn cứ vào mức độ yêu cầu của các năng lực giao tiếp cần đạt, đồng thời có xét đến yếu tố độ tuổi và tâm - sinh lý của HS.

Tùy điều kiện cụ thể, người biên soạn tài liệu giảng dạy và giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn, bổ sung các chủ đề sao cho phù hợp với sở thích, độ tuổi, năng lực cũng như mục đích học tiếng Pháp của HS

Thực hành ngôn ngữ đòi hỏi cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn. Ảnh: Như Hùng
Thực hành ngôn ngữ đòi hỏi cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn. Ảnh: Như Hùng 

.Chương trình môn Tiếng Nga

Theo các chương trình môn học ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT: Môn Tiếng Nga giúp HS hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ và các năng lực chung, phát triển những phẩm chất tốt đẹp, mở rộng tầm nhìn quốc tế để học tốt các môn học khác, để sống và làm việc hiệu quả, cũng như để học suốt đời. Nội dung cốt lõi của môn Tiếng Nga bao gồm các chủ điểm, chủ đề và các kĩ năng cơ bản. Kiến thức ngôn ngữ: Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS và được tích hợp trong quá trình rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Để giúp HS hình thành năng lực giao tiếp và giao tiếp liên văn hóa, chương trình ở bậc 1 và bậc 2 tập trung vào các chủ điểm mà HS ở lứa tuổi thanh thiếu niên quan tâm. Cụ thể, bậc 1 gồm các chủ điểm: Giao tiếp hằng ngày, Tôi và bạn bè, Gia đình tôi, Trường học của tôi, Thế giới quanh ta. Bậc 2 gồm các chủ điểm: Tôi và những người xung quanh, Cuộc sống của chúng ta, Các nước trên thế giới, Tương lai của chúng ta.

Chương trình môn Tiếng Pháp, chương trình môn Tiếng Nga được xây dựng theo bậc năng lực quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và chia thành hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 1, năng lực giao tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Nga của HS tương đương với bậc 1; kết thúc giai đoạn 2, năng lực giao tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Nga của HS tương đương với bậc 2. Thời lượng dành cho giai đoạn 1 là 315 tiết, dành cho giai đoạn 2 là 420 tiết. 

Thông qua các chủ điểm này, HS sẽ được tiếp cận với thực tiễn cuộc sống ở Nga và trên cơ sở đó có sự so sánh với thực tế ở Việt Nam. Đây là nền tảng để HS phát triển năng lực giao tiếp liên văn hoá. Hệ thống chủ điểm được cụ thể hoá thông qua các chủ đề ở từng bậc trình độ. Việc sắp xếp chủ đề cho từng chủ điểm ở mỗi bậc căn cứ vào mức độ yêu cầu về kiến thức ngôn ngữ cần có để thực hiện các hoạt động giao tiếp trong từng chủ đề, đồng thời có xét đến yếu tố độ tuổi và tâm sinh lý của HS.

Đất nước học là môn học bắt buộc trong chương trình dạy và học ngoại ngữ trên thế giới. Đối với môn Tiếng Nga - Ngoại ngữ 2, HS sẽ được giới thiệu về thiên nhiên và con người Nga, lịch sử, văn học, nghệ thuật Nga, những ngày lễ lớn ở Nga, những món ăn của người Nga. Đồng thời, HS cũng sẽ được học cách giới thiệu bằng tiếng Nga về thiên nhiên và con người, lịch sử, văn học, nghệ thuật của Việt Nam, những ngày lễ lớn, phong tục tập quán, những món ăn của người Việt...

Biên soạn và sử dụng SGK, tài liệu tham khảo

Chương trình là cơ sở để triển khai biên soạn SGK, biên soạn sách bài tập, sách giáo viên và các tài liệu tham khảo đi kèm. Ngữ liệu được sử dụng trong SGK được lấy từ nguồn văn bản của người bản ngữ và những tài liệu của người Việt Nam về đất nước, con người Việt Nam bằng tiếng Pháp, tiếng Nga... Yêu cầu ngôn ngữ chuẩn mực, nội dung phù hợp với đối tượng dạy học và quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam.

Hạt nhân của đơn vị bài học là các chủ đề giao tiếp ngôn ngữ xoay quanh các chủ điểm quy định trong CT, các bài tập rèn luyện kĩ năng giao tiếp cung cấp kiến thức ngôn ngữ, văn hoá cho HS.

Chương trình môn Tiếng Pháp yêu cầu hệ thống bài tập, các hoạt động được thiết kế đan xen có trọng điểm và theo tiến độ của SGK. Bài tập phải đa dạng, phong phú phù hợp cho việc cung cấp kiến thức hay phát triển các năng lực giao tiếp. Ví dụ, các loại bài tập ngữ pháp chủ yếu là các bài tập cấu trúc, bài tập khái niệm hoá, bài tập mang tính giao tiếp...; các loại hoạt động và bài tập rèn luyện, phát triển kĩ năng giao tiếp chủ yếu là hoạt động nghe hiểu, đọc hiểu, viết và nói... Tuy nhiên, cần ngữ cảnh hoá tối đa có thể các hoạt động và bài tập, nhất là các bài tập ngữ pháp, từ vựng và ngữ âm.

Chương trình môn Tiếng Nga yêu cầu hệ thống bài tập được thiết kế đan xen có trọng điểm từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó theo 3 loại hình: Bài tập mô phỏng, sao chép, bài tập nhận thức và bài tập mang tính giao tiếp.

Với mỗi bài học cần có bài đọc thêm và các dạng bài tập mở để giúp HS mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp, văn hoá... và phát huy tính sáng tạo. SGK cần thiết kế phù hợp với lứa tuổi HS, có hình ảnh, đĩa CD/VCD đi kèm phù hợp với nội dung bài học, hình thức đẹp, sinh động. 

Bài 5: Môn Tiếng Đức, Tiếng Nhật trong chương trình mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.