Gà đùi không tốt bằng lườn
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng & tiết chế - Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2 (Viện dinh dưỡng quốc gia) cho biết, phần thịt của con gà được chia thành 2 loại, gồm thịt trắng là phần thịt từ lườn, ức gà, và thịt đen tức phần từ cánh, chân và đùi gà.
Sở dĩ có sự khác nhau này do myoglobin có trong bắp thịt. Đây là chất có nhiệm vụ giúp cơ thể vận chuyển oxy, vị trí nào càng vận động nhiều thì càng cần nhiều oxy, do đó sẽ tích trữ nhiều myoglobin hơn những nơi khác trên cơ thể.
Gà chỉ vận động chân mà không bay được, nên phần chân và đùi luôn có thịt màu sậm, chắc hơn.
Theo tiến sĩ Hưng, các vị trí khác nhau của con gà sẽ cho giá trị dinh dưỡng khác nhau.
“Do đặc trưng giòn, dai, thơm nên đùi gà được nhiều người thích hơn hẳn phần thịt ở ức. Song thực chất, phần thịt trắng ở lườn, ức gà ăn vẫn tốt hơn so với phần đùi”, tiến sĩ Hưng nhận xét. Mặc dù phần đùi gà nhiều cơ có lượng protein nhiều hơn các phần khác song lại chứa nhiều cholesterol hơn - nguyên nhân gây nên chứng tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì và rất nhiều hội chứng rối loạn khác.
Trong khi đó, phần thịt trắng vừa chứa nhiều protein song lại ít chất béo. Đó chính là lý do, người ta hay dùng phần thịt này đối với trẻ ăn dặm. Chính vì vậy, chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế ăn những loại thịt chứa nhiều chất béo. Đặc biệt, đùi và cánh gà là hai vị trí hay được chọn để tiêm phòng trong quá trình nuôi nên không thể loại trừ việc dư lượng tồn dư thuốc trong thịt gà.
Không phải bộ phận nào cũng nên ăn
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng, ngoài phần cánh và đùi chứa nhiều cholesterol được khuyến cáo nên hạn chế ăn, một số bộ phận khác của con vật này không tốt như nhiều người nghĩ.
Trong đó, nhiều người ngộ nhận rằng phao câu giúp da và tóc đẹp, mịn màng hơn. Thực tế, phao câu gà là một trong các bộ phận độc hại nhất trong cơ thể gà. Phao câu chứa túi xoang và các tế bào lâm ba, chất dịch độc hại tồn đọng. Hơn nữa, bộ phận này cũng chứa rất nhiều chất béo có hại cho cơ thể.
Bên cạnh đó, phổi gà cũng rất dễ có các ký sinh trùng sinh sống như giun sán, vi khuẩn. Thậm chí, khi nấu chín cũng không thể loại bỏ được chúng. Do đó, nên vứt bỏ phổi gà khi chế biến là tốt nhất.
“Gan gà vừa là bộ phần có nhiều dinh dưỡng nhất đồng thời cũng là nơi chứa mầm bệnh tật, tích lũy nhiều kim loại nặng. Vì vậy, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ hoặc người có cơ địa nhạy cảm không nên ăn”, PGS Thịnh khuyến cáo về bộ phận được rất nhiều người thích ăn hiện nay. Tương tự gan, mề gà với nhiệm vụ nghiền nát thức ăn nên có thể chứa nhiều lượng chất độc hại bị lưu trữ lại.
Riêng về da gà, PGS Thịnh cho biết thêm, trong đông và tây y đều khuyến cáo không nên ăn bộ phận này, đặc biệt khi bị bệnh vì phần này chứa rất nhiều chất béo và hàm lượng cholesterol cao. Da cũng là mặt tiếp xúc với vi khuẩn, virus và chứa một số loại độc tố hòa tan. Đây chính là nguyên nhân khiến người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp bị mẩn ngứa, nổi ban, khó thở sau khi ăn thịt gà.