NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Được đi học là hạnh phúc lớn lao

GD&TĐ - Nhắc tới PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, mọi người biết tới một nhà khoa học luôn mang trong mình khát vọng chăm sóc sức khỏe thể chất và trí tuệ tốt nhất cho thế hệ trẻ.

NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: NVCC
NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: NVCC

Để trở thành một nhà giáo, nhà khoa học hôm nay ông đã từng trải qua một thời đèn sách đáng nhớ với biết bao thử thách… 

Thời đèn sách gian khó

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh sinh năm 1937 tại huyện Đức Thọ -  Hà Tĩnh trong một gia đình tri thức nghèo. Thời đi học của ông gắn liền với chiến tranh, thiếu thốn, loạn lạc… nhưng chưa khi nào vì hoàn cảnh sống gian khó ấy khiến ông nguôi mong ước học tập và khát khao được cống hiến cho đất nước.

Hành trình đi học của NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh từ bé tới lúc lớn lên đầy khó khăn, thách thức. Nhưng vất vả càng giúp ông thêm quyết tâm học tập để thay đổi “số phận” và duy trì truyền thống hiếu học của gia đình, quê hương.

NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ: Năm 1945, khi tôi bắt đầu cắp sách tới trường cũng trùng với nạn đói đi vào lịch sử Việt Nam.

Nhà ông đông anh chị em (7 người), bố mẹ chỉ lo đủ cái ăn thôi đã biết bao cực nhọc. Thế nhưng, dù bữa khoai bữa sắn qua ngày, nhiều khi đói “vàng” mắt thì cậu bé Nguyễn Võ Kỳ Anh thông minh, hiếu học ngày ấy cũng chưa từng nghĩ tới bỏ học. Hơn thế, ông còn cố gắng học giỏi hơn, viết chữ đẹp, chăm ngoan và tích cực tham gia đội tuyên truyền của huyện, xã, hàng ngày đóng kịch, ca hát, vận động quần chúng tích cực tham gia cách mạng…

Bước vào học cấp 2, cái nghèo vẫn “bám” gia đình ông dù khi ấy bố ông đã làm thẩm phán tòa án huyện, mẹ làm giáo viên. Sau nhiều lần tản cư, di chuyển đến những nơi bố ông công tác, gia đình hơn 10 người của ông không có nhà, thường xuyên phải ở nhờ. Bản thân anh em của ông muốn học tiếp đều phải vừa học vừa làm, giúp mẹ lao động sản xuất, xay lúa, bán hàng xáo, làm nón, mót lúa.

Không những thế, ngoài công việc lao động chân tay, cậu bé Nguyễn Võ Kỳ Anh dù mới học lớp 6 để đỡ đần cha mẹ đã phải tìm tới các gia đình có điều kiện để dạy thuê kiếm cơm ăn học. Bằng công việc này, ông đã tự nuôi sống mình trong một khoảng thời gian dài, giảm đi gánh nặng mưu sinh của cha mẹ.

Bước vào năm cấp 3, ông thi đỗ vào Trường Phan Đình Phùng. Trước khi nhập học, mẹ ông phải tháo vỏ chiếc chăn mà mấy mẹ con thường đắp vào mùa đông để may một bộ quần áo và cho con 5 đồng lên đường đi học. Hành trang ban đầu của cậu bé Nguyễn Võ Kỳ Anh bước vào 3 năm đi học xa gia đình không có gì nhiều ngoài hai bộ quần áo, sách vở và một bao gạo cùng số tiền đủ tiêu dè xẻn trong một tháng.

Để có tiền ăn học suốt những năm THPT, ông tiếp tục tìm việc dạy thuê cho trẻ con các gia đình giàu có trong khu vực. Ông cũng tham gia lao động mọi việc của nhà chủ ngoài giờ đi học. Đổi lại ông được cho ở nhờ, ăn ngày 2 bữa (có khi chỉ là khoai lang, củ từ) để tiếp tục học tập và bố mẹ không phải lo cho mình...

Những năm học phổ thông của NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh luôn đối diện với cái nghèo, khó khăn chung của đất nước và gia đình. Nhưng dù ở môi trường, hoàn cảnh sống nào, ông vẫn quyết tâm lao động chăm chỉ để tự nuôi mình và đảm bảo cho việc học tập, xứng đáng với truyền thống gia đình và không để cha mẹ phải lo lắng…

Ngoài 80 tuổi nhưng NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn không ngừng học tập và làm việc. Ảnh: NVCC
Ngoài 80 tuổi nhưng NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh vẫn không ngừng học tập và làm việc. Ảnh: NVCC     

Bước ngoặt nghề giáo

Cuối tháng 7/1956, Nguyễn Võ Kỳ Anh cùng một số người bạn ra Hà Nội chuẩn bị dự thi đại học. Hành trang lên đường của ông đơn giản với hai bộ quần áo, một áo len cộc tay, một chăn đơn và đôi dép cao su cùng mấy quyển sách ôn thi Trường Đại học Y Dược Hà Nội.

Bằng sự  phấn đấu, nỗ lực,  niềm vui cũng tới, ông đỗ vào Trường Đại học Y  Dược Hà Nội. Lúc ấy, đây không chỉ là niềm vui, sự tự hào của gia đình mà hơn thế ông đã thực hiện được mong muốn trở thành bác sĩ để cứu chữa người bệnh, mang lại sự sống, đẩy lùi bệnh tật cho người dân...

Trong quá trình học đại học ở Hà Nội, ông tiếp tục tìm và xin đi làm thêm. Ai cần hỗ trợ công việc gì, ông đều nhận làm để có tiền trang trải cuộc sống. Chưa hết, ông vẫn tiếp tục đăng ký vào các trường tư thục xin dạy thuê.

Là sinh viên nghèo nên ông cũng được hội sinh viên giới thiệu tham gia vào các lớp dạy bổ túc văn hóa buổi tối. Ngày học trên trường, chiều tối đi dạy học, đêm về, ông học lại kiến thức trên lớp… Nhờ đó, ngoài học bổng được cấp, ông còn có thêm tiền giảm gánh nặng cho gia đình trong giai đoạn đầy khó khăn, biến động.

Ông gắn bó với công việc dạy bổ túc văn hóa từ khi vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội năm thứ nhất tới khi ra trường nhận công tác giảng dạy tại trường. Và chỉ khi có thu nhập từ công việc giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội, ông mới dừng dạy bổ túc văn hóa.

Từ năm thứ 3 đến hết năm thứ 6 Trường Đại học Y Dược Hà Nội, ông bắt đầu bước vào học lâm sàng nên phải di chuyển liên tục giữa các bệnh viện Xanh Pôn, Bạch Mai, Việt Đức… Điều này khiến ông thêm vất vả bởi không có xe đạp nhưng vẫn quyết tâm vừa học tập vừa dạy thuê kiếm tiền nuôi mình và gửi về hỗ trợ bố mẹ...

Học thầy nhân cách, y đức

Trong hành trình đi học của mình, ông học được từ nhiều tấm gương người thầy. Họ không chỉ uyên bác về tri thức, mà còn thân thiện, luôn thương yêu, gần gũi, hết lòng vì học trò.

Những người thầy cấp 3 của ông như Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Vân Huyền, Nguyễn Xuân Nguyên, Hoàng Xuân Tâm… đã trở thành tấm gương để ông luôn học tập và noi theo. Các thầy không chỉ để lại ấn tượng về tri thức, tình yêu thương học trò, sẵn lòng nâng đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn…, mà còn có phương pháp giáo dục thực tế, không giáo điều hoặc dừng lại ở kiến thức trong sách vở…

“Những năm học ở Trường Đại học Y Dược Hà Nội, tôi học được ở các thầy phương pháp khám chữa bệnh, cách thăm hỏi bệnh nhân nhẹ nhàng, ân cần, sâu sắc, tình yêu nghề và luôn hy sinh vì nghề... Họ là những tấm gương sáng về y đức. Họ không chỉ truyền tới sinh viên lý thuyết, mà còn thể hiện tình cảm, lòng nhân ái qua hành động cụ thể…” - NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh nhớ lại.

Cũng theo ông, những điều học được ở các thầy của mình đã và luôn có giá trị. Ông đã phát huy những phẩm chất đó trong thực tế giảng dạy và được nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp yêu quý, trân trọng…

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD). Không chỉ đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh còn là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, thể dục thể thao. Đặc biệt, ông là một chuyên gia hàng đầu trong tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ