Giáo sư Hoàng Như Mai trước hết là một người Thầy, một nhà nghiên cứu khoa học, một nhà hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội nổi bật. Thầy cũng là một Nhà giáo, nhà nghiên cứu mẫu mực vì vậy, người dạy và học Văn không thể không chú ý đến các phương pháp sư phạm của ông.
Trong tham luận về “Giáo sư Hoàng Như Mai và phương pháp giảng dạy Văn học” trình bày tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn A Say và Thạc sĩ Phạm Thị Hương bàn về phương pháp bình giảng văn học của cố Giáo sư và liên hệ với phương pháp bình giảng văn học hiện đại.
Theo đó, Giáo sư Mai được mọi người biết đến là giáo viên Văn có vốn kiến thức uyên bác cùng giọng giảng “hớp hồn” rất nhiều thế hệ học trò khoa Văn và những khoa khác.
Liên hệ với phương pháp bình giảng văn học ở thời đại công nghệ số, các phương tiện hỗ trợ công nghệ trình chiếu hiện đại giúp việc dạy và học Văn trở nên hiện đại hơn nhưng phần nào làm giảm vai trò bình văn chương của người thầy và xây dựng cá tính văn học của người học.
Khảo sát cho thấy, các sinh viên vẫn thích những giờ bình giảng văn học của thầy cô hơn những giờ lên lớp chỉ toàn thiết bị công nghệ, máy móc.
Hội thảo cũng bàn về phương pháp dạy và học văn trong thời công nghệ số, mạng xã hội với từng chủ đề, chuyên đề cùng phương pháp học tập P.O.W.E.R trong quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức văn học.
Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu giáo dục tiêu biêu của cố Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai như Bộ giáo trình đầu tiên của nước ta về văn học cách mạng, những tập thơ ông để lại cũng được trình bày rõ ràng, khúc chiết nhằm ghi nhận và tưởng nhớ công lao của vị Giáo sư, Nhà giáo Nhân nhân tài hoa của nền văn học nước nhà.
Các đại biểu xem các tài liệu, bút tích của cố GS.NGND Hoàng Như Mai tại hội thảo |
Giáo sư Hoàng Như Mai sinh năm 1919 ở Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại cao cấp có cha thân sinh giữ chức Tuần phủ Bắc Giang. Ông từng theo học ở tiểu học Bắc Giang rồi chuyển đến học ở Trường Bưởi (Hà Nội).
Sau khi đỗ tú tài, ông theo học tại Cao đẳng y khoa Đông Dương. Con đường học hành nhiều biến động vô tình giúp ông bén duyên với nghề giáo. Từ khi bắt đầu “gieo hạt” tại Trường trung học Tư thục Đông Hải (thị xã Hải Dương), ông đã dấn thân và gắn bó với sự nghiệp giảng dạy đến cuối đời. Ông từng có thời gian công tác tại Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM.
Năm 1982, ông được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư và được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990. Gần một thế kỷ sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu còn nguyên giá trị đến thời điểm hiện nay.