Nghìn năm áo dài Trạch Xá

GD&TĐ - 1.000 năm có lẻ! Cái mốc từ thời vua Đinh Tiên Hoàng cho đến bây giờ, với chỉ một nghề truyền thống là may áo dài đã đem đến cho Trạch Xá bao nhiêu vinh quang.

Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng, bà Nguyễn Thị Sen là Thánh tổ nghề may ở Trạch Xá.
Tứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng, bà Nguyễn Thị Sen là Thánh tổ nghề may ở Trạch Xá.

Trạch Xá là một làng lớn thuộc xã Hòa Lâm (Ứng Hòa – Hà Nội). Có lẽ, đặc trưng của nghề may áo dài truyền thống đã thấm sâu trong làng, nên từ con người đến cảnh trí nơi đây luôn rất thuần Việt.

Người xưa thường nói “sự học tạo thành đạo thống”, còn ở Trạch Xá thì công việc giữ nếp gia phong.

Trùng điệp áo dài

Về Trạch Xá, nhiều người sẽ không khỏi háo hức trước một làng quê thanh bình, tách biệt hẳn với những ồn ã phố thị. Bóng hình giếng nước – sân đình, với những miếu mạo, vườn cây cùng những ngôi nhà cổ kính đã tạo thành một Trạch Xá yên ả lạ thường.

Nhưng hơn hết, có lẽ những sắc màu Trạch Xá mới để lại ấn tượng hơn cả. Những con ngõ nhỏ, sâu hun hút với nhà hai bên quay đối xứng nhau là những tiệm may truyền từ đời này sang đời khác. Bên trong các tiệm may không phải là những quần là áo lượt, mà giản đơn chỉ là những bộ áo dài thướt tha, mềm mại.

Đủ mọi kích cỡ, màu sắc, kiểu cách… đã là một thương hiệu của Trạch Xá. Cho nên, khách lạ sẽ không thất vọng khi tìm cho mình một bộ áo dài vừa vặn, trang nhã vì cả một ngôi làng rộng lớn đều ăm ắp trùng điệp những áo dài.

Không chỉ nổi tiếng với áo dài, làng Trạch Xá còn có tiếng với nghề may trang phục cung đình, lễ hội. 

Gia đình anh Nghiêm Thành Công theo nghề đã 25 năm. Ðể có được những bộ trang phục đúng truyền thống ngày xưa, anh phải luôn tìm hiểu thêm về họa tiết, kiểu cách qua lời kể của các cụ cao niên trong làng hoặc qua sách, báo. 

Những mẫu trang phục còn được anh đưa lên mạng xã hội để giới thiệu. “Bây giờ có nhiều kiểu cách, tôi đưa lên đó một phần để lưu lại các mẫu tiêu biểu, phần nữa là giới thiệu để mọi người biết đến nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Hầu hết, tà áo dài ngày trước đều được giữ nguyên dáng áo liền vai, cổ tay, họa tiết, mầu áo bắt mắt”, anh Công nói.

Đa số đàn ông ở Trạch Xá tham gia làm nghề may vá.
 Đa số đàn ông ở Trạch Xá tham gia làm nghề may vá.

Thánh tổ nghề may

Trạch Xá được công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Theo đó, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề, tạo dấu ấn tốt. Không chỉ là một làng nghề truyền thống, Trạch Xá còn là địa chỉ văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cụ Nguyễn Văn Nhiên, nghệ nhân may áo dài cao tuổi nhất làng Trạch Xá, cho biết: Một số tài liệu ghi lại rằng, bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn Tây có nhiều danh nhân, võ tướng. Gia đình bà có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Đến tuổi cập kê, bà xinh đẹp, nết na, giỏi giang và thông minh hơn người. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân, lên làm vua lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử.

Vùng đất Sơn Tây vốn nổi tiếng nhiều nhân tài, tướng giỏi. Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt, thấy bà Nguyễn Thị Sen tài - nết vẹn toàn nên ngài đã lấy bà làm thứ phi. Trở về kinh đô Hoa Lư, bà Nguyễn Thị Sen được vua phong là Tứ phi.

Với trí thông minh, khéo léo và sáng tạo, bà đã tạo nên các mẫu quần áo của hoàng tôn, quốc thích… Đồng thời, bà còn dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ, phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễu bị Đỗ Thích sát hại. Bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung về làng Trạch Xá, truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, từ đó làng Trạch Xá có nghề may quần áo cung đình và áo dài. Sau khi bà mất, nhân dân lập đền thờ và tôn bà là tổ nghề may. 

“Hiện nay, đền thờ của bà được đặt tại thôn Trạch Xá. Chúng tôi gọi bà là Thánh tổ của nghề may. Cho đến nay, nghề may áo dài ở Trạch Xá đã tồn tại hơn 1.000 năm. Nghề truyền đời nên ai cũng cố học, dòng họ nào cũng cố giữ nghề, cũng là tỏ thành ý biết ơn Thánh tổ nghề”, cụ Nhiên cho hay.

Kỹ nghệ 1.000 năm

Nhiều nghệ sĩ, người mẫu cũng dùng áo dài Trạch Xá để khoe nét đẹp cơ thể.
Nhiều nghệ sĩ, người mẫu cũng dùng áo dài Trạch Xá để khoe nét đẹp cơ thể. 

Giống như nhiều làng nghề khác, nghề may áo dài ở Trạch Xá cũng theo thể cha truyền con nối, vì thế mà nghề được bảo tồn và phát triển qua các thời kỳ.

Những kinh nghiệm, kỹ năng trong nghề may được các thế hệ tích cóp rồi truyền đạt cho nhau, nên ở Trạch Xá rất hiếm để tìm ra một thợ may… tồi.

Như nghệ nhân Nguyễn Văn Nhiên, 13 tuổi đã bước vào nghề đến năm 16 tuổi mới bắt đầu học đầy đủ các kỹ thuật khâu.

Trước khi bước vào làm áo dài, cụ Nhiên phải trải qua đủ mọi công đoạn, kể cả nhận biết chất vải và môn học thẩm mỹ thể chất. 

Cụ bảo rằng, tưởng may áo dài là dễ nhưng bước vào nghề mới biết quá khó. Chỉ cần sai một tẹo là coi như chiếc áo dài bị lỗi. Cho nên, để thành kỹ nghệ thì kỹ thuật, kinh nghiệm chưa đủ mà còn phải rất sáng tạo và khéo léo.

Để khâu được một chiếc áo dài truyền thống bằng tay cần dùng đến thước, vạch và chỉ tơ khâu ít nhất 2 ngày 2 đêm thì xong. Đấy là đối với thợ đã lành nghề.

Có một điều lạ, là từ xưa tới nay ở Trạch Xá thợ may là nam giới chiếm đa số. Cụ Nhiên bảo, đàn ông tuy không khéo tay nhưng sáng tạo hơn nữ giới.

Ngày trước, dân làng phải mang tay nghề đi khắp nơi để tìm việc bởi nếu chỉ quanh quẩn trong làng thì không biết may áo cho ai. Đường xa, đi lại vất vả, con gái không theo được nên chỉ có đàn ông đi hành hương kiếm sống.

Ông Nghiêm Văn Đạt, Chủ nhiệm HTX may làng nghề Trạch Xá, cho biết: Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi yêu cầu kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến những họa tiết trang trí. Tuy nhiên yếu tố làm nên thương hiệu áo dài của Trạch Xá mà không nơi nào có được là tà áo lúc nào cũng mềm mại, thướt tha. 

Công đoạn này đòi hỏi người thợ may phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”. Sau đó, dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà sao thật đều và đường chỉ nhỏ xíu.

Nếu ngày trước, tất cả công đoạn chỉ làm thủ công bằng tay nên số lượng sản phẩm làm ra trong ngày không được nhiều, thì đến nay với sự hỗ trợ của máy móc nên sản phẩm hoàn thành nhanh hơn.

“Thời điểm hiện nay, người Trạch Xá đang rất bận may áo dài, vì chỉ sau tháng 7 âm lịch là nhu cầu cưới hỏi, lễ tết tăng cao. Nhiều gia đình phải thức đêm để làm việc kịp đến hạn trả khách”, ông Đạt cho biết. 

Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, nhiều người dân Trạch Xá cũng mở các cửa hàng may đo áo dài ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xuất khẩu tới các thị trường một số nước như Mỹ, Úc, Thái Lan, Thụy Điển.

Có thể áo dài Trạch Xá được người đời ví “may như dán hồ”, đường chỉ nổi “đều như trứng rận” và “mười mũi kim như chín”, nhưng không vì thế mà người thợ của làng cảm thấy mãn nguyện. Mỗi ngày chúng tôi đều miệt mài cầm kim, rèn luyện, trau dồi tay nghề để đem lại cho đời những chiếc áo dài tinh xảo, hoàn mỹ hơn nữa. Ông NGHIÊM VĂN ĐẠT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.