Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCIC) trong Toạ đàm "Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma tuý trong thanh thiếu niên: Thấu hiểu và hỗ trợ”, hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm và ngưng sử dụng sau một thời gian.
Nhưng họ sẽ lặp lại sử dụng chất gây nghiện do chịu ảnh hưởng của sự căng thẳng, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu…
Điều đáng nói, thanh thiếu niên sử dụng ma túy thường xuyên bị gia đình, hàng xóm và bạn bè kỳ thị, coi thường hoặc miệt thị.
Các tin tức và hình ảnh tiêu cực về người sử dụng ma túy trên truyền thông như thường xuyên gắn với tình trạng "ngáo đá", gây rối trật tự công công, phạm pháp, giết người... cũng là những định kiến có tác động không nhỏ tới thanh thiếu niên có sử dụng ma túy.
Gần 60% sự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh khi biết tình trạng sử dụng ma túy của họ, hơn 40% thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử.
Chính vì thế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cân hỗ trợ của các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy, khi có đến 65,9% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và 53,8% cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng.
Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị - phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn.
Càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất thời gian hơn rất nhiều.
Nên nhớ, việc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị nghiện không giống nhau bởi đây là hai phạm trù bệnh khác biệt, nhưng nếu chỉ điều trị một trong hai thì kết quả hồi phục sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị cả hai cùng một lúc.
Gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần khi và chỉ khi tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình.
Các bạn có thể tham gia điều trị đã tốt, nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh trong toàn bô quá trình hồi phục của người nghiện ma túy và/hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần và luôn cần sự đồng hành lâu dài của gia đình, bạn bè và cộng đồng.