Với công trình này, Nguyễn Minh Tiến, SV năm 4 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM xuất sắc giành giải Nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) Euréka lần thứ 22 - 2020.
Ý tưởng “độc lạ” và thời sự
Trong khuôn khổ của đề tài, Minh Tiến đã xác định hai dòng chảy của văn hoá dân gian trong rap Việt giai đoạn 2010 - 2020 là dòng chảy hiện diện và dòng chảy ngầm. Ở dòng chảy hiện diện, Tiến đã phân tích những đặc tính văn hoá dân gian thông qua việc sử dụng hình tượng dân gian, từ tượng thanh, từ lóng, đặc biệt là nghệ thuật chơi chữ… trong các bài rap giai đoạn này. Ngoài ra, một vài đặc điểm về các loại hình trình diễn đối kháng như battle rap, cypher và beef, một số yếu tố khác như DJ, nhạc beat, sân khấu trình diễn, khán giả và rap name cũng được phân tích.
Đối với dòng chảy ngầm, tác giả đã trình bày những đặc tính nguyên hợp, tính phi chính thống và truyền thống trong việc thực hành trình diễn, tạo dựng lên một bài rap, một tiết mục diễn xướng rap. Cùng với đó, đề tài đã nêu ra những phương thức tạo lập dị bản trong các bài rap, vốn được xem là một đặc tính quan trọng trong việc phát triển và lưu truyền văn hoá dân gian…
Chia sẻ về cơ duyên đến với đề tài nghiên cứu “độc lạ” mang tính thời sự về rap Việt, Minh Tiến cho biết, với em mọi thứ là duyên. Là người luôn thích âm nhạc, Tiến hay nghe tân nhạc Việt Nam, nhạc dân ca, cải lương, hoặc dòng nhạc lo-fi để học tập. Một lần nghe các bài hát trong danh sách yêu thích, vừa có rap vừa có các bài hát dân ca, Tiến thấy có một vài yếu tố về ngôn từ, ý tưởng, cách gieo vần của rap có những đặc điểm như vè, ca dao. Từ ý tưởng ấy, em bắt đầu suy xét và phát triển thành một đề tài NCKH.
Bắt đầu nghiên cứu đề tài từ khoảng tháng 10/2019 đến tháng 7/2020, Minh Tiến mới gửi cho Hội đồng khoa học của khoa. Đề tài nằm trong hội nghị thường niên sinh viên NCKH của trường nên giới hạn về thời gian thực hiện. Sau khi xét duyệt cấp trường thì đề tài “vinh dự” được chọn tham dự cuộc thi Sinh viên NCKH Euréka năm 2020 và đạt giải Nhì.
Minh Tiến cho biết: “Tham gia giải thưởng NCKH này em có thật nhiều cảm xúc. Đó là lần đầu tiên em đứng rap trước nhiều người, rap cho hội đồng ban giám khảo nghe, thực sự là một trải nghiệm rất thú vị”, Tiến nói.
Đường dài trong nghiên cứu
Quá trình NCKH về rap bản thân Minh Tiến gặp không ít rào cản và khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài liệu tham khảo. Đây là một đề tài ít người nghiên cứu tại Việt Nam, nên Tiến phải tìm hiểu thông qua tài liệu bằng tiếng Anh. “Em mất một thời gian dài để chọn lựa, dịch và hiểu các lý thuyết nền tảng để nghiên cứu, điều này cũng gây cản trở trong việc thực hiện đề tài đúng hạn”, Tiến cho biết.
Ngoài việc học chuyên ngành Văn học ở Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, mùa thu năm 2020 Minh Tiến đã nhập học ĐH Fulbright Việt Nam. Cân bằng khối lượng công việc, với cá nhân em, đôi lúc cũng rất căng thẳng nhưng có lẽ, vì sự yêu thích khám phá tri thức mới nên dù có khó, có mệt, chàng sinh viên yêu âm nhạc vẫn tìm thấy niềm vui trong con đường nghiên cứu.
Minh Tiến cho biết may mắn là em đã nhận được sự hỗ trợ từ các thầy cô tại Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. “Em thật may mắn khi nhận được sự hướng dẫn của Thạc sĩ Lê Thị Thanh Vy và sự phản biện của TS Đào Lê Na để đề tài của mình hoàn chỉnh hơn. Khi nộp bản thảo đề tài lần đầu tiên, em nhận được phản hồi là còn “hơi bay bổng”, cách viết chưa phù hợp với phong cách viết một đề tài NCKH. Sau đó em cũng đã chỉnh sửa để phù hợp hơn”, Minh Tiến kể lại.
Con đường nghiên cứu âm nhạc với chàng sinh viên học 2 trường ĐH có lẽ vẫn chưa dừng bước với công trình về ráp Việt. Minh Tiến cho biết bản thân có “một cái tật” là làm cái gì thì làm cho nó “tới nơi tới chốn”. Sau khi thực hiện đề tài NCKH về rap, em đang tiến hành nghiên cứu lại lịch sử Hip-Hop, các hướng tiếp cận. “Hiện tại em nghĩ việc tìm hiểu lại lịch sử Hip-Hop thế giới sẽ giúp em hình dung được những ý niệm cơ bản của văn hoá Hip-Hop nói chung và rap nói riêng, từ đó ứng dụng vào việc nhìn nhận văn hoá Hip-Hop tại Việt Nam đang ở vị trí nào so với thế giới.
Mọi chuyện với em bây giờ là cần một sự đầu tư lâu dài, bền vững, hiểu vừa rộng và vừa sâu. Vì suy cho cùng, nghiên cứu văn hoá Hip-Hop nói chung và rap nói riêng là một hướng nghiên cứu liên ngành, cần một cách suy nghĩ bao quát trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, kể cả kĩ thuật để hiểu hướng nghiên cứu này khách quan, rõ ràng hơn”, Tiến tâm sự.