Theo TS. Bùi Thị Minh Hảo, Trung tâm Đào tạo & Nghiên cứu về lạm dụng chất HIV, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tỉ lệ lây nhiễm HIV ở cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam và trên thế giới cao gấp nhiều lần so với cộng đồng dân cư.
Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy người chuyển giới nữ là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 66 lần so với nhóm cộng đồng chung. Còn đối với những người chuyển giới nam cao gấp 7 lần.
Bằng nhiều biện pháp can thiệp để ngăn ngừa sự lây lan của HIV, nhưng một số nguyên nhân vẫn được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc lây nhiễm HIV - Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới: Những người này thường phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Điều này đã làm cho họ khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và tư vấn xét nghiệm HIV.
- Khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn thấp: Bộ phận người này có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Do vậy họ có thể không biết rằng bản thân bị nhiễm HIV và không thực hiện các biện pháp để ngăn virus lây lan sang người khác.
Ngoài ra một số người chuyển giới hành nghề mại dâm từ chối tiếp cận xét nghiệm bởi lo ngại việc xét nghiệm HIV dương tính sẽ là trở ngại tiếp tục hành nghề. Điều này dẫn đến nhiều người nhiễm HIV tiếp nhận điều trị ARV quá muộn, gây khó khăn trong điều trị.
Nhóm người chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao hơn nhiều lần so với nhóm cộng đồng chung. |
- Hành vi rủi ro cao: Việc quan hệ tình dục không an toàn ở nhóm người chuyển giới, cụ thể ở nhóm người hành nghề mại dâm sẽ là một trong những nguyên nhân điển hình làm tăng khả năng lây lan HIV cũng như các bệnh tình dục.
- Tiêm hormone: Nhiều người chuyển giới tiêm hormone như một phần của liệu pháp khẳng định giới tính. Tuy nhiên hành động này có thể dễ bị lây truyền HIV do nguy cơ dùng chung kim tiêm hoặc sử dụng kim tiêm không sạch.
Trước đó vào năm 2021, Trung tâm Ứng dụng Sức khỏe Nam giới và Cộng đồng (CARMAH) cũng từng chỉ ra rằng người chuyển giới thuộc nhóm có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV nhưng lại khó tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và điều trị.
Trong đó, nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong nhóm chuyển giới từ nam sang nữ do họ có đa dạng bạn tình, quan hệ tình dục qua ngả hậu môn, trao đổi tình dục phổ biến, dễ bị trầm cảm và sử dụng ma túy, rượu bia nên mất kiểm soát hành vi nguy cơ. Đáng lo ngại là nhiều người dương tính với HIV nhưng không biết, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền cho các bạn tình âm tính của họ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, nhóm chuyển giới nữ là một trong những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất, khoảng 19% người chuyển giới nữ đang sống với HIV và so với dân số chung, tỷ lệ người chuyển giới nữ sống chung với HIV cao hơn 49 lần.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh gần đây nhất đã phát hiện 18% người chuyển giới nữ nhiễm HIV và mắc bệnh giang mai. Trong số đó, chỉ có 46% người chuyển giới nữ tham gia bảo hiểm y tế.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết một nghiên cứu với số lượng tham gia nghiên cứu là 456: từ 18 tuổi trở lên, là người chuyển giới nữ, sống tại TPHCM ít nhất 3 tháng…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm chuyển giới nữ là 16,5%, tỉ lệ đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục là 50%, 40% nữ chuyển giới có sử dụng chất gây nghiện trong 30 ngày, hầu hết nhóm chuyển giới nữ không dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm...
Vậy nên để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và ngăn virus lây lan, người chuyển giới cần thực hiện tiêm chích an toàn, sử dụng kim tiêm mới ở mỗi lần tiêm. Ngoài ra giảm thiểu số lượng bạn tình cũng có thể giúp giảm nguy cơ lây lan HIV.
Bên cạnh đó cần nhận thức được những nguy cơ của quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Liệu pháp hormone có thể dẫn đến các vấn đề về cương dương, những người chuyển giới thường đảm nhận vai trò “tiếp nhận” trong khi quan hệ tình dục - cũng đối diện với nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người còn lại.
Quan trọng nhất người chuyển giới nên sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.