Theo số liệu giám sát năm 2022 từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2022, thành phố Cần Thơ đứng thứ 19 về số người nhiễm HIV so với cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số nhiễm HIV được phát hiện là 223 người, không có người chuyển AIDS và số tử vong là 24 người. So với cùng kỳ năm 2022, số người nhiễm HIV tăng 38 người, số chuyển sang AIDS giảm 4 người và số tử vong giảm 3 người.
Theo thống kê đặc điểm số người phát hiện nhiễm HIV 6 tháng đầu năm 2023, đối tượng chủ yếu lao động tự do chiếm tỷ lệ 55,8% và học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ 14,6%. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn là nhóm nguy cơ chính, chiếm tới 50,7% trong tổng số người nhiễm HIV phát hiện được của thành phố.
So với cùng kỳ năm 2022 số người nhiễm HIV mới được phát hiện có xu hướng gia tăng do thành phố tăng cường truyền thông, xét nghiệm HIV chuyển gửi điều trị nhằm mục tiêu tìm được nhiều người nhiễm trong cộng đồng để đưa vào chương trình điều trị. Số tử vong giảm do người nhiễm tiếp cận điều trị ARV sớm. Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV (96,4%).
Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây (15,3% năm 2021 và 16,3% năm 2022). Nhóm MSM tiếp tục được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại thành phố Cần Thơ.
Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong công tác điều trị HIV/AIDS trên địa bàn, trong đó tăng các giải pháp đối với nhóm đối tượng thành phố thực hiện chưa đạt như học sinh, sinh viên.
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet) |
Duy trì các hình thức xét nghiệm HIV hiện có, song song đó triển khai thực hiện tổng rà soát người nhiễm HIV trên địa bàn. Tăng cường kết nối chuyển gửi và phản hồi giữa các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV với cơ sở điều trị ARV. Đẩy nhanh tiến độ mua sắm và tranh thủ các nguồn lực miễn phí từ dự án đối với hoạt động xét nghiệm tải lượng vi rút HIV của thành phố. Đảm bảo người nhiễm HIV đang điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ.
Tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi lồng ghép tư vấn xét nghiệm HIV và cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho nhóm đối tượng đích là nam quan hệ tình dục đồng giới tại 13 trường đại học, cao đẳng và ngoài cộng đồng.
Phối hợp với các sở, ban ngành gắn kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, đặc biệt là đa dạng hóa các hoạt động truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS trên nhiều phương tiện với nội dung truyền thông đảm bảo phù hợp với nhóm đối tượng đích.
Huy động sự tham gia tích cực từ các tổ chức dựa vào cộng đồng trong hoạt động truyền thông, xét nghiệm, phối hợp chuyển gửi. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tổ chức cộng đồng với các cơ sở y tế trong việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ HIV/AIDS được thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng
Ngoài ra, Sở còn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết và nâng cao cảnh giác của các em học sinh thông qua các hoạt động giáo dục, vẽ tranh, trò chơi liên quan đến bảo vệ sức khoẻ.
Trong thời gian tới, ngành GD tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về nhận thức cho giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng như xã hội nâng lên trong việc phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là căn bệnh thế kỷ.