Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam

GD&TĐ - Trong phần định hướng về nội dung GD của một số lĩnh vực hay môn học như: Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Giáo dục nghệ thuật, Giáo dục Khoa học xã hội, Giáo dục Khoa học Tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo... đã đề cập tới một số yêu cầu, có những yếu tố của Giáo dục công dân toàn cầu. Các định hướng này đã được quán triệt, thể hiện trong chương trình các môn học, hoạt động GD.

Hoạt động trải nghiệm đóng vai trò quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới
Hoạt động trải nghiệm đóng vai trò quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo

Theo Nhóm nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam, do TS Lương Việt Thái làm chủ nhiệm, Giáo dục Khoa học xã hội (GDKHXH) đóng vai trò chủ đạo trong việc GD nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, GD ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.

Mục tiêu xuyên suốt của GDKHXH là góp phần giúp cho HS hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, trên cơ sở nắm vững hệ thống tri thức cơ bản về KHXH, chủ yếu là lịch sử và địa lý.

Chuẩn bị cho những công dân tương lai hiểu rõ hơn về thế giới mà họ đang sống, sự kết nối, tương tác giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xung quanh, giữa dân tộc với thế giới; truyền cảm hứng cho học sinh khám phá bản thân, các vấn đề của đất nước, của khu vực và thế giới có liên quan trực tiếp đến cuộc sống; giúp HS hiểu biết, có tư duy phản biện và sáng tạo.

Thông qua GDKHXH, HS bước đầu học được cách quan sát, phương pháp tìm hiểu, khám phá và tư duy về xã hội, cuộc sống, coi trọng chứng cứ, hình thành và phát triển một số năng lực thành phần đặc thù của môn học.

Những năng lực này gồm: Năng lực đối thoại liên văn hóa, năng lực tự tìm hiểu, khám phá bản thân, cộng đồng, xã hội, năng lực tư duy và thực hành KHXH&NV, từng bước nâng cao năng lực kiến giải hiện tượng và quá trình xã hội cụ thể; biết cách phân tích và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, chính trị và văn hóa trong không gian và thời gian cụ thể...

Nội dung cốt lõi của các môn học được tổ chức theo các mạch chính là đại cương, thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương; bảo đảm cấu trúc sau: Quá trình tiến hoá (thời gian, không gian), quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, kiến tạo nền văn minh - văn hiến của dân tộc Việt Nam, sự phát triển của tiến bộ xã hội...

Các mạch nội dung của các môn KHXH cũng có tính liên môn, tích hợp với các lĩnh vực khác, như giáo dục ngôn ngữ, văn hóa và văn học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục kinh tế, dân tộc, tôn giáo, môi trường, phát triển bền vững.

Cùng với các môn GDKHXH, bộ môn Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc GD cho HS ý thức và hành vi của người công dân.

Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, giáo dục công dân bồi dưỡng cho HS những phẩm chất chủ yếu và năng lực cần thiết của người công dân; đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin và cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật; có kỹ năng sống và bản lĩnh vững vàng để tiếp tục phát triển và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Mạch nội dung Giáo dục công dân xoay quanh các mối quan hệ của con người với bản thân, với người khác, với cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc và với môi trường tự nhiên; được xây dựng trên cơ sở kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và toàn cầu; mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học, THCS đến THPT.

Môn Tin học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế hệ công dân toàn cầu
  • Môn Tin học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế hệ công dân toàn cầu

Chú trọng các hoạt động trải nghiệm

Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở THCS và THPT là các hoạt động GD bắt buộc, trong đó HS dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực GD khác nhau, để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội, tham gia hoạt động hướng nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà GD. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù của hoạt động này như: Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các kỹ năng sống khác.

Nội dung cơ bản của chương trình hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân HS với bản thân; giữa HS với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa HS với môi trường; giữa HS với nghề nghiệp. Nội dung này được triển khai qua 4 nhóm hoạt động chính: Hoạt động phát triển cá nhân; Hoạt động lao động; Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; Hoạt động hướng nghiệp.

Đề cao sự quan trọng của môn Tin học trong Chương trình GDPT mới, nhóm nghiên cứu cho rằng, bộ môn này đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho HS khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa. Bộ môn này hỗ trợ đắc lực HS tự học và tập nghiên cứu; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức GD mới và hiện đại cho tất cả các môn học.

GD tin học có ưu thế và góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; có sứ mạng hình thành, phát triển năng lực hiểu biết và ứng xử có đạo đức, văn hóa, tôn trọng pháp luật, tránh được những hành vi tiêu cực, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến tính nhân văn và sự phát triển toàn diện của con người trong môi trường công nghệ kỹ thuật số.

Môn học này cũng tăng cường năng lực sử dụng và quản lý các phương tiện, công cụ, các hệ thống tự động hóa của công nghệ kỹ thuật số; năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của các công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của công nghệ kỹ thuật số; năng lực khai thác các ứng dụng, các dịch vụ của công nghệ kỹ thuật số trong học tập các môn khác một cách có hiệu quả; năng lực chia sẻ thông tin, giao tiếp và hợp tác trong bối cảnh xã hội và nền kinh tế tri thức.

Về phương pháp GD, đánh giá việc học tập của HS

Theo nhóm nghiên cứu, định hướng chung về phương pháp GD trong Chương trình các môn học và hoạt động GD là áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học. Trong đó, GV đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho HS, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích HS tích cực tham gia vào các hoạt động học tập; tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.

Mục tiêu đánh giá kết quả GD là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của HS, để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng GD.

Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động GD. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của HS.

Những định hướng về phương pháp GD, đánh giá việc học tập trong chương trình mới cũng là những định hướng giúp thực hiện các mục tiêu GDCDTC đạt hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận: Những năm qua, trong đổi mới GD ở các trường phổ thông những yếu tố của giáo dục công dân toàn cầu (GDCDTC) cũng đã được quan tâm thực hiện đặc biệt qua đổi mới về phương pháp và đánh giá kết quả GD.

Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá kết quả giáo dục cũng vẫn còn những bất cập. Việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng học tập ở nhiều nhà trường chưa được chú trọng. Điều này đòi hỏi tiếp tục có những giải pháp tích cực, đồng bộ.

Trong Chương trình GDPT mới, những yếu tố của GDCDTC cũng đã được phản ánh trong yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp GD và đánh giá kết quả GD.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này ở các môn học, hoạt động GD và cho các đối tượng cụ thể, sẽ cần có sự cụ thể hóa cho phù hợp trong hướng dẫn và quá trình thực hiện chương trình, trong đó cần có vai trò quan trọng của tác giả sách, chỉ đạo ở Sở, Phòng GD&ĐT, các nhà trường và mỗi giáo viên. 

___________________________

Đề tài “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam” do TS Lương Việt Thái -Viện KHGDVN làm chủ nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ